Y tế ĐBSCL gặp thách thức vì thiếu máu

Đình Tuyển
Đình Tuyển
21/09/2023 04:17 GMT+7

Hết túi đựng máu và hóa chất sàng lọc bệnh lây qua đường máu, nhiều tháng qua, ngân hàng máu cung cấp cho 74 cơ sở y tế, bệnh viện ở ĐBSCL phải hoạt động cầm chừng, cấp máu nhỏ giọt, ảnh hưởng nặng nề hoạt động chuyên môn cứu người của các bệnh viện.

Tháng 5.2023, Bệnh viện (BV) Huyết học - Truyền máu Cần Thơ (ngân hàng máu của ĐBSCL) phát đi thông báo ngừng cung cấp các chế phẩm máu cho 74 BV, cơ sở y tế cả khu vực với nội dung: "Hiện BV không còn túi máu, kít thu nhận tiểu cầu, hóa chất sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường máu (HIV, HCV, HBV, giang mai) để tiếp tục tiếp nhận và cung cấp chế phẩm tiểu cầu, tủa lạnh, huyết tương tươi đông lạnh và nhóm máu hiếm Rh âm. BV thông báo tạm dừng cung cấp chế phẩm khối tiểu cầu pool, khối tiểu cầu gạn tách, tủa lạnh, huyết tương tươi đông lạnh và nhóm máu hiếm Rh âm kể từ ngày 1.6.2023". Lý do đưa ra là phải chờ đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế năm 2023 - 2024 phục vụ chuyên môn.

Y tế ĐBSCL gặp thách thức vì thiếu máu - Ảnh 1.

Một bệnh nhi ở BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ chờ tiểu cầu gần một tuần chưa có

Đình Tuyển

Gần 4 tháng trôi qua, khó khăn của ngân hàng máu miền Tây vẫn chưa tháo gỡ xong bởi những thủ tục chậm chạp, trì trệ đến khó hiểu. Trong khi đó, hằng ngày rất nhiều bệnh nhân bị ảnh hưởng, phải trì hoãn điều trị, trì hoãn mổ, thậm chí những ca bệnh nặng đã tử vong trong lúc chờ máu.

Không thể chờ thêm nữa

Ôm đứa con trai bị bệnh bạch cầu cấp mới 26 tháng tuổi trong tay, bà N.T.K.S (41 tuổi, ngụ xã Đại Thành, TP.Ngã Bảy, Hậu Giang) cho biết con bà đã chờ tiểu cầu gần một tuần vẫn chưa có để truyền. "Các bác sĩ có giải thích về tình trạng thiếu máu, thiếu tiểu cầu đang phải chờ nơi khác tiếp tế nên tôi cũng chỉ biết đợi thôi. Bệnh nhân nào có điều kiện xin chuyển viện thì bác sĩ cho đi, còn mình thì không đủ khả năng nên đành để con chịu trận ở đây", bà S. nói.

Mấy tháng nay, mỗi lần nhập viện, mẹ con bà S. mòn mỏi nằm chờ tiểu cầu hệt như "đánh đu với tử thần", bởi mỗi ngày trôi qua sức khỏe cháu bé thêm suy kiệt. "Ngày 3.8 vừa rồi, vào viện chờ 2 tuần không có tiểu cầu, thấy con yếu quá rồi, không thể chờ được nữa, vợ chồng tôi xin chuyển viện. Lên đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) thì thằng nhỏ hôn mê. May mắn là 2 tuần sau nó tỉnh, nhưng về nhà được 10 ngày thì tiểu cầu lại tụt, lại vào viện tới giờ", bà S. kể.

Chung phòng bệnh với con bà S. còn có 6 bệnh nhân khác, ai cũng xơ xác vì thiếu máu. Ông L.V.H (ngụ Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) cơ thể sạm đen vì xuất huyết dưới da, thều thào nói: "Tôi thì chỉ có một mình, đi TP.HCM là không thể nên có sống hay chết thì cũng chỉ biết chờ ở đây".

Ảnh hưởng nặng nề việc điều trị 

Y tế ĐBSCL gặp thách thức vì thiếu máu - Ảnh 2.

Hết túi đựng máu, hóa chất sàng lọc bệnh lây qua đường máu khiến việc cung cấp máu cho các bệnh viện ở ĐBSCL cầm chừng nhiều tháng qua

Đình Tuyển

BS.CK1 Cao Hùng Minh, Phó trưởng khoa phụ trách Khoa điều trị, BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, cho biết hiện tại để giảm thiểu nguy cơ tử vong cho người bệnh, chỉ còn cách là sử dụng thuốc cầm máu liên tục, nhằm duy trì và giảm bớt biến chứng xuất huyết. Cũng theo BS Minh, nhu cầu sử dụng khối hồng cầu của các BV ở ĐBSCL từ 12.000 - 15.000 đơn vị/tháng; tiểu cầu là 1.200 đơn vị/tháng. Nhưng 8 tháng qua, BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ chỉ đáp ứng được khoảng 10 - 20%. Lượng máu ít ỏi này hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn máu mua lại từ BV Chợ Rẫy, BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. "Nhưng người ta có dư thì mới tiếp mình nên không thể đáp ứng đủ. Thực tế đã có những ca suy tủy, bạch cầu cấp, giảm tiểu cầu, biến chứng xuất huyết não, phù phổi cấp… chuyển lên tuyến trên nhưng cũng không cứu được", BS Minh nói.

Là bệnh viện tuyến cuối của Bộ Y tế tại ĐBSCL, BV đa khoa Trung ương Cần Thơ hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng cạn kiệt nguồn máu. BS.CK2 Lê Hoàng Phúc, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp BV, nói: "Thực sự công tác chuyên môn đang rất khó khăn, đặc biệt là từ ngày 15.9, BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ đã ngưng cấp máu theo kế hoạch, chỉ dự phòng ưu tiên cho cấp cứu. Nhưng cấp cứu cũng chỉ đáp ứng được 20 - 30%, còn lại không biết xoay xở làm sao".

Cũng theo BS Phúc, hiện mỗi ngày BV này có khoảng 60 ca phẫu thuật theo kế hoạch, trong đó có 6 -7 ca phải dự phòng máu, như các ca đa chấn thương gãy xương đùi, mổ tim… Nhưng tất cả đều phải chờ máu.

BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ là một trong 5 trung tâm chính cung cấp các sản phẩm máu cho cả nước (bên cạnh Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, Trung tâm Truyền máu Khu vực Huế, Trung tâm Truyền máu Chợ Rẫy và

BV Truyền máu - Huyết học TP.HCM). Nhiệm vụ của BV gồm hoạt động ngân hàng máu: Phối hợp với các hội Chữ thập đỏ các tỉnh trong khu vực tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân hiến máu tình nguyện đảm bảo đạt số lượng và chất lượng. Tổ chức tiếp nhận, sàng lọc, điều chế, bảo quản, phân phối máu và các thành phần máu cho tất cả các BV trong khu vực bao gồm các tỉnh, thành Bạc Liêu, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ… Ngoài ra, BV cũng tiếp nhận cấp cứu, khám bệnh, điều trị các bệnh về máu, khám bệnh - chữa bệnh nội trú hoặc ngoại trú, chuyển bệnh nhân lên tuyến trên khi vượt quá khả năng của BV.

Thủ tục đấu thầu quá trì trệ

Nói về nguyên nhân dẫn tới khó khăn của đơn vị, BS.CK2 Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, cho biết từ cuối năm 2022, BV đã làm hồ sơ gói thầu gồm 394 mặt hàng với tổng trị giá gần 150 tỉ đồng. Theo trình tự, phải thực hiện 3 vòng, gồm: trình quyết định mua sắm, quyết định dự toán và quyết định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Sau khi có 3 quyết định trên mới tiến hành các thủ tục mời thầu, đấu thầu tiếp theo… Tuy nhiên, đến nay gần hết quý 3/2023, việc thẩm định chậm chạp cộng với những thay đổi về văn bản hướng dẫn đã khiến việc đấu thầu mua sắm vẫn chưa thể diễn ra.

BS Việt kể ban đầu hồ sơ gói thầu được BV thực hiện theo Thông tư 14 năm 2020 của Bộ Y tế, nhưng làm được 1/3 chặng đường thì ngày 14.4.2023, Bộ Y tế ban hành Thông tư 08 năm 2023 bãi bỏ Thông tư 14 năm 2020. Lúc này, do không có văn bản hướng dẫn mới của bộ chuyên ngành nên BV được yêu cầu làm lại gói thầu từ đầu theo thông tư hướng dẫn chung của Bộ Tài chính.

Y tế ĐBSCL gặp thách thức vì thiếu máu - Ảnh 4.

"Làm theo hướng dẫn của của Bộ Tài chính đến ngày 21.6, chúng tôi hoàn tất hồ sơ kế hoạch lựa chọn nhà thầu, tức là bước thứ ba rồi và gửi Sở Y tế trình UBND TP.Cần Thơ duyệt là xong. Nhưng đến ngày 30.6, gói thầu chưa được phê duyệt thì Bộ Y tế lại ban hành Thông tư 14 năm 2023 để hướng dẫn. Vậy là Sở Y tế lại yêu cầu BV làm lại từ đầu".

Đến nay, sau nhiều lần trình tới trình lui, đã có 347/394 mặt hàng trong gói thầu của BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ được duyệt, nhưng lại có 47 mặt hàng tăng giá so với quyết định dự toán ban đầu. "Vậy là một lần nữa chúng tôi phải làm lại cho 47 mặt hàng. Chúng tôi đã cố gắng làm cả ngày nghỉ để trình Sở Y tế và UBND TP.Cần Thơ vào ngày 14.8, nhưng không hiểu sao đến nay đã hơn 1 tháng vẫn chưa được duyệt quyết định mua sắm. Trong khi có quyết định này rồi vẫn phải trải qua 2 quyết định dự toán và quyết định kế hoạch lựa chọn nhà thầu nữa rồi mới đến các bước tiếp theo. Chưa kể việc thiếu 47 mặt hàng trên thì dù có mua đủ 347 mặt hàng, các xét nghiệm vẫn không chạy được, vẫn phải chờ cho đủ 394 mặt hàng. Chúng tôi không biết Sở Y tế, UBND TP.Cần Thơ thẩm định thế nào, nhưng đang có rất nhiều người bệnh không chờ được nữa. Chậm điều trị một ngày là thêm nguy hiểm đến tính mạng họ", BS Việt nói.

"Chưa biết khi nào tháo gỡ xong"

Trả lời PV Thanh Niên về việc khi nào tháo gỡ xong những vướng mắc trong đấu thầu mua sắm ở BV Huyết học - Truyền máu Cần Thơ, bà Nguyễn Ngọc Việt Nga, Phó giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ, cho biết Sở cũng chỉ là trung gian và cũng đang phải chờ UBND TP.Cần Thơ phê duyệt quyết định mua sắm 47 mặt hàng. "Sau khi được duyệt sẽ còn phải qua 2 bước nữa là trình quyết định dự toán và quyết định kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Cho nên chưa khẳng định được khi nào mới xong", bà Nga nói.

Phó giám đốc Sở Y tế TP.Cần Thơ cũng cho rằng gốc rễ của những vướng mắc trong đấu thầu mua sắm hóa chất, vật tư, trang thiết bị y tế tại Cần Thơ là do vướng Nghị quyết 01 của HĐND TP.Cần Thơ. Theo nghị quyết này, các đơn vị chỉ được tự quyết đấu thầu mua sắm ở mức dưới 500 triệu đồng, trên 500 triệu đồng sẽ phải thông qua UBND TP phê duyệt.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.