Y tế trường học được chú trọng, học sinh sẽ thụ hưởng nhiều lợi ích

Khánh Trần
Khánh Trần
18/03/2022 22:59 GMT+7

Tại hội thảo về tầm quan trọng của nhân viên y tế trường học trong chăm sóc sức khỏe học sinh, tổ chức ngày 18.3 tại TP.HCM, nhiều chuyên gia đề xuất giải pháp đào tạo, thu hút nhân lực y tế trong trường học.

Hội thảo "Tầm quan trọng của nhân viên y tế trường học trong chăm sóc sức khỏe học sinh" do Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) tổ chức chiều 18.3.

Nhân viên y tế trường học đóng vai trò rất quan trọng

Với thâm niên 26 năm trong nghề, bác sĩ (BS) Huỳnh Trung Tuần (nhân viên y tế Trường tiểu học Trưng Trắc, Q.11) đánh giá công việc của nhân viên y tế trường học là rất nặng nề khi phải đảm nhận nhiều vai trò khác nhau. Điển hình như vấn đề an toàn thực phẩm, bữa ăn bán trú đóng vai trò rất quan trọng, nếu có sơ suất sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. BS Tuần từng phát hiện một cơ sở cung cấp thực phẩm cho trường không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu sử dụng để nấu bữa ăn cho học sinh có thể gây ngộ độc tập thể.

“Trong thời điểm dịch bệnh bùng phát, có nhiều công việc phát sinh như khử khuẩn phòng học, xử lý khi lớp học xuất hiện F0, bóc tách hướng dẫn trong nhiều trường hợp về sức khỏe học sinh. Để xử lý kịp thời, nhân viên y tế trường học phải có chuyên môn mới có thể xử lý nhanh, chính xác”, BS Tuần nói và nhấn mạnh môi trường học đường cần nhân viên y tế trường học vững vàng về chuyên môn và có trách nhiệm cao.

Theo BS Huỳnh Trung Tuần, trách nhiệm cao, công việc nhiều nhưng nhân viên y tế trường học chưa nhận được sự đãi ngộ xứng đáng, khó gắn bó lâu dài. Ông cho rằng cần tháo gỡ những vướng mắc để đem lại lợi ích lớn nhất cho học sinh.

Đại diện Sở GD-ĐT TP.HCM phát biểu tại hội thảo

khánh trần

Ông Dương Trí Dũng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở Y tế nhiều lần lấy ý kiến chuyên gia, các đơn vị trường học đang thực hiện chương trình y tế trường học.

Theo ông Dũng, ngành giáo dục TP.HCM đánh giá nhân viên y tế trường học có vai trò cực kỳ quan trọng, mang tính kết nối trong việc phối hợp giữa nhà trường và y tế địa phương để chăm sóc học sinh. Do đó, việc thu hút và giữ chân các nhân viên này cần được chú trọng. Ngành giáo dục và y tế sẽ có những thảo luận để tham mưu cho thành phố các chính sách, giải pháp sát với tình hình thực tế, để xem xét, kiến nghị đến các bộ, ngành, trung ương.

Đào tạo, thu hút hút nhân lực cho y tế trường học

Theo báo cáo của HCDC, qua việc theo dõi, đánh giá công tác chương trình y tế trường học nhiều năm qua, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, khó khăn như: Nhân viên y tế trường học chưa đạt chuẩn theo quy định (trình độ chuyên môn từ y sĩ trung cấp trở lên), do đó nhà trường phải bố trí nhân sự không có chuyên môn y tế kiêm nội dung này. Việc quản lý, theo dõi và chăm sóc sức khỏe học sinh còn nhiều khó khăn.

PSG-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa y tế công cộng Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng cần xác định con đường hướng đến đào tạo con người chuyên nghiệp cho y tế trường học. “Câu hỏi đặt ra là nhân viên y tế trường học có quan trọng không? Cực kỳ then chốt, vì những chương trình y tế trường học đều do nhân viên này thực hiện”, ông Dũng nhận định.

PSG-TS Đỗ Văn Dũng kiến nghị phải làm sao để nhân viên y tế trường học có thu nhập đảm bảo và biên chế rõ ràng. “Để nâng cao chất lượng nhân viên y tế, phải đào tạo liên tục, tạo điều kiện cho họ học tập lẫn nhau để nâng cao tay nghề. Cái khó của nhân viên y tế trường học là không có môi trường để phát triển về chuyên môn như các hội nhóm. Có những nơi để chia sẻ chuyên môn với nhau, và để họ gắn bó lâu dài với nghề phải có chứng chỉ hành nghề”, ông Dũng nói.

Ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM phát biểu tại hội thảo

khánh trần

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay nhân viên y tế trường học gặp nhiều khó khăn khi chưa có vị trí việc làm chính thức (biên chế - PV) trong trường học. Thu nhập chưa cao, chế độ chính sách đãi ngộ chưa đảm bảo. Áp lực công việc lớn vì công việc đòi hỏi yêu cầu cao, số lượng học sinh trong cơ sở giáo dục lớn và ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Do đó, Sở GD-ĐT kiến nghị với HĐND TP.HCM quan tâm đến chính sách, chế độ của nhân viên y tế trường học. Kiến nghị Sở Y tế tạo nguồn lực cán bộ y tế nhằm đáp ứng kịp thời cho nhu cầu tuyển dụng nhân viên y tế trường học.

BS Nguyễn Thái Hiệp, Trưởng phòng truyền thông giáo dục sức khỏe Trung tâm y tế Q.Tân Phú nhấn mạnh việc nhân viên y tế trường học phải có biên chế và hưởng lương ngân sách để các trường học tự chủ trong việc tuyển nhân lực. “Sau đợt dịch thứ 4, rất nhiều cơ sở y tế còn thiếu nhân lực thì trường học càng khó tìm nhân lực”, BS Hiệp cho hay.

Theo BS Phùng Thành Vinh, Phó trưởng khoa y tế công cộng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nhân viên y tế trường học nên tập trung về một đầu mối do phòng y tế quản lý để khắc phục những vướng mắc về thủ tục. Về chuyên môn, phòng y tế có thể tổ chức các lớp học đào tạo thêm, khắc phục trường hợp thủ quỹ, văn thư kiêm nhân viên y tế trường học vốn không phù hợp.

Bà Trần Hải Yến, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM đề nghị Sở Y tế và Sở GD-ĐT tổng hợp ý kiến và tham mưu cho UBND, HĐND TP.HCM đề xuất với trung ương. Bà Yến cho biết hiện Sở Y tế đã có 4 chính sách. Đầu tiên là cho đội ngũ bác sĩ vừa ra trường làm việc tại trạm y tế 18 tháng, và điều dưỡng là 9 tháng. Thu hút người có chuyên môn về y tế đã nghỉ hưu trở lại làm việc. Chính sách cho nhân viên đang làm việc tại trạm y tế được hưởng thu nhập tăng thêm… Nhưng các chính sách cần hài hòa với nhau, phù hợp với thực tiễn.

Phát biểu kết thúc hội thảo, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ ghi nhận tất những ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, đơn vị trường học. “Trên cơ sở đó, chúng tôi sẽ tổng hợp các ý kiến lại để trình các cơ quan có thẩm quyền để có các cơ chế đặc thù, khả thi. Chúng tôi cũng sẽ thực hiện ngay những việc thuộc thẩm quyền của mình, Sở Y tế sẽ giới thiệu nguồn lực cho các đơn vị trường học có nhu cầu tuyển dụng nhân viên y tế trường học”, ông Hưng cho hay và đề xuất với Sở GD-ĐT thành lập tổ xây dựng đề án, kiện toàn đầy đủ thông tin để đề xuất với cơ quan có thẩm quyền.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.