Ý thức không sẵn có

28/11/2017 06:01 GMT+7

Hôm qua, Thanh Niên đăng tin Hai vợ chồng ở Hà Tĩnh bị xử phạt 3 triệu vì treo rác lên tà u. Đây là kết quả xử lý của chính quyền TT.Hương Khê (H.Hương Khê, Hà Tĩnh) sau khi vào cuộc xác minh liên quan clip “Rác Hương Khê đi Sài Gòn” xuất hiện trên mạng xã hội.

Trước đó 1 ngày, Thanh Niên đăng tải trường hợp “Nhân viên môi trường bị phạt 5 triệu đồng vì đổ rác xuống sông” xảy ra ở H.Can Lộc (Hà Tĩnh). Thực tế, tình trạng vứt, đổ rác không đúng nơi quy định, vốn đang xảy ra nhan nhản nhiều nơi. Không chỉ người dân mà chính những người làm trong ngành môi trường cũng vi phạm như trường hợp ở H.Can Lộc. Và vi phạm không chỉ ở vùng nông thôn hay tỉnh nhỏ, mà còn tại các thành phố lớn.
Nhiều người giải thích đó là hậu quả của việc người dân vô ý thức, chứ ở các nước phát triển - điển hình không xa là Singapore - thì không như vậy. Quả thực, tình trạng trên rất ít xảy ra ở nhiều quốc gia phát triển. Nhưng để làm được như vậy, chẳng phải người dân ở các nước ấy đã có sẵn ý thức từ khi sinh ra.
Trong cuốn Bí quyết hóa rồng, ông Lý Quang Diệu (1923 - 2015), người được xem là “cha già lập quốc” của Singapore, đã kể lại quá trình gian nan để hình thành nền nếp sinh hoạt văn minh cho người dân về vứt rác, ăn uống trên phương tiện công cộng, hút thuốc... Đó là một quá trình lâu dài không chỉ nhờ tuyên truyền, giáo dục mà còn được điều chỉnh bằng các biện pháp chế tài mạnh mẽ. Đến nay, dù được đánh giá khá nền nếp, Singapore vẫn phải duy trì các mức xử phạt mạnh tay lên đến 500 SGD (gần 8 triệu đồng) hoặc hơn nếu ăn uống trên tàu điện ngầm, xả rác, hút thuốc sai quy định. Tương tự như thế, ở một số thành phố lớn tại bờ Đông nước Mỹ, việc xả rác hay hút thuốc không đúng nơi đúng chỗ, người vi phạm có thể đối mặt với mức phạt lên đến hàng ngàn USD. Lực lượng công vụ luôn sẵn sàng xử phạt nghiêm khắc khi bắt gặp các sai phạm. Nhờ đó, không khó hiểu khi một số người Việt đến các nước phát triển luôn tuân thủ các quy định.
Trong khi đó, ở VN thì không ít vi phạm đã được quy định rất rõ mức xử lý nhưng bị buông lỏng. Điển hình như việc xử lý xả rác, cấm hút thuốc sai quy định phần lớn cũng chỉ trông chờ vào sự tự giác của người dân. Hay câu chuyện “Rác Hương Khê đi Sài Gòn” cũng chỉ bị xử lý sau khi clip phản ánh xuất hiện rộng rãi trên mạng xã hội, chứ không phải chính quyền địa phương chủ động ra tay.
Chính vì thế, bên cạnh tuyên truyền, cần tăng cường xử phạt nghiêm khắc các vi phạm trên thì lâu dài mới hình thành ý thức chung cho cộng đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.