Trước hết, trách nhiệm của các quảng cáo “lố” như vậy thuộc về doanh nghiệp thiếu chính trực và kèm theo đó là trách nhiệm không thể chối cãi của các KOL trực tiếp quảng cáo. Lẽ ra, khi hiểu được sự ảnh hưởng đối với cộng đồng, các KOL càng phải ý thức đóng góp cho cộng đồng, thông tin chính xác để mọi người có những lựa chọn đúng đắn.
Để thể hiện ý thức trách nhiệm với cộng đồng, các KOL phải tìm hiểu nội dung quảng cáo và chỉ truyền đi những nội dung đúng đắn. Đặc biệt, đối với những sản phẩm liên quan sức khỏe, y tế thì càng cần phải cẩn trọng bởi có thể gây ra tác hại lớn đến người dùng, khách hàng. Cần nhớ những kết quả thí nghiệm liên quan vấn đề sức khỏe, y tế mà một số nhãn hàng giới thiệu về sản phẩm chỉ mang tính chất tham khảo thêm, chứ không thể thay thế những xác thực chính thức từ cơ quan có thẩm quyền. Mọi thông tin không được vượt quá sự xác thực của cơ quan thẩm quyền. Tất nhiên, bên cạnh sự hạn chế hiểu biết chuyên môn liên quan sản phẩm, không thể loại trừ những KOL vì lợi ích mà bất chấp. Như thế là đáng lên án!
Để giải quyết hiệu quả hơn tình trạng KOL quảng cáo “lố” và truyền bá các nội dung “bẩn”, Bộ TT-TT dự kiến sẽ tăng cường quản lý mở rộng các tài khoản trên mạng xã hội, đặc biệt là các tài khoản có trên 10.000 người theo dõi (follow). Cơ quan thẩm quyền cũng sẽ có biện pháp đối với những đại lý quảng cáo, nhãn hàng hợp tác với các nền tảng quảng cáo vi phạm. Đây là một biện pháp cần thiết để giải quyết tình trạng trên.
Tuy nhiên, ngay cả khi các biện pháp trên chưa được áp dụng, các nhãn hàng, doanh nghiệp để thể hiện sự chính trực cũng cần chủ động không hợp tác, đặt quảng cáo với những tài khoản, nền tảng có dấu hiệu gây ra những tác động tiêu cực đối với cộng đồng. Cần sẵn sàng từ chối đặt quảng cáo đối với những cá nhân, nền tảng thiếu tích cực ngay cả khi đó là kênh quảng cáo có hiệu ứng lan tỏa lớn.
Việc chủ động “né” những tài khoản, nền tảng như thế trước hết sẽ giúp cho doanh nghiệp, nhãn hàng tự bảo vệ trước những rủi ro bị liên lụy liên quan các sự cố do những tài khoản, nền tảng “không sạch” gây nên. Hơn thế nữa, việc chủ động không hợp tác như vậy còn là sự thể hiện mạnh mẽ nhất về trách nhiệm đối với cộng đồng, mà cụ thể ở đây là trách nhiệm chung tay lành mạnh hóa các nội dung trên mạng xã hội.
Đó chính là hành động thiết thực, cụ thể và thậm chí có giá trị hơn rất nhiều so với không ít nội dung mà nhiều doanh nghiệp đề cập trong các báo cáo trách nhiệm xã hội (CSR) được phát hành định kỳ.
Bình luận (0)