Kết luận điều tra của Bộ Công an cho rằng do chưa có quy định tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn “Sản xuất tại Việt Nam” nên việc gia công của doanh nghiệp rồi ghi nhãn “sản xuất”, “chế tạo”, “xuất xứ” Việt Nam là “phù hợp quy định”.
Từ vụ Khải silk trước đây, đến Asanzo này, hay nhan nhản hàng dệt may Trung Quốc gắn mác “made in Vietnam” trên thị trường hiện nay, cho thấy một khoảng trống pháp lý nghiêm trọng. Đang có sự vênh nhau không nhỏ giữa quy định luật pháp và sự hiểu biết thông thường về việc thế nào là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam. Nếu không làm rõ được điều này, không chỉ quyền lợi người tiêu dùng trong nước không đảm bảo, mà đừng nói đến duy trì và phát triển nền sản xuất trong nước, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đang tham gia ngày càng sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hiện nay, nếu đối chiếu với Hiệp định Tự do thương mại ASEAN và Trung Quốc thì sản phẩm mà không có nguồn gốc từ Việt Nam, không được ghi “made in Vietnam”. Tuy nhiên, với Hiệp định WTO mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên thì doanh nghiệp lại có thể được phép (nhấn mạnh là có thể - vì có loại trừ quy định khác của quốc gia). Bởi lẽ, nguyên tắc cộng gộp của WTO là hàng sản xuất cuối cùng ở quốc gia nào có nhập thiết bị từ một nước thứ 2 trong WTO thì có quyền ghi “made in” ở nước sản xuất cuối cùng.
Hội nhập toàn cầu là một cuộc chơi và chúng ta phải chấp nhận cả những luật chơi thua thiệt đó. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, cũng như bảo vệ ngành sản xuất trong nước, chúng tôi cho rằng việc nhập hàng hóa, linh kiện về lắp ráp đơn giản và gắn mác sản xuất tại Việt Nam phải được coi là gian lận ghi nhãn và phải xử lý nghiêm. Nó không chỉ gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà còn tác động rất lớn đến ngành sản xuất trong nước.
Lâu nay chúng ta vẫn kêu ca rằng Việt Nam không sản xuất được một con ốc vít, rằng tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp quá thấp, rằng Việt Nam thua khi không có một ngành công nghiệp phụ trợ. Nhưng chúng ta cũng lại sẵn sàng bỏ qua, thậm chí là bảo vệ cho hành vi nhập linh kiện, hàng hóa về lắp ráp thô sơ (kiểu như hàng điện tử Asanzo) và gắn nhãn hàng Việt Nam. Tại sao phải xây dựng nhà xưởng, nhập dây chuyền công nghệ đắt đỏ, phải đào tạo nhân lực tốn kém, trong khi có thể chọn cách rẻ hơn nhiều là nhập linh kiện (tới 98%) và “gia tăng” 2% lắp ráp là đã có một sản phẩm “made in Vietnam”?
Nhưng chúng ta được gì từ những sản phẩm Việt Nam “giả cầy” đó? Xin thưa, được một ngành sản xuất èo uột, một nền kinh tế phụ thuộc, hàm lượng chất xám thấp, ít giá trị gia tăng.
Vậy bạn và tôi, chúng ta phải chọn cái gì?
Bình luận (0)