Mới đây, lực lượng công an đã bắt giữ 18 nghi can của đường dây cung cấp giấy tờ giả và ước tính kể từ khi bắt đầu hoạt động từ năm 2017 đến nay, thì số lượng bán ra ước tính lên đến hàng chục ngàn bộ giấy tờ giả.
Đường dây này làm giả từ CMND, thẻ căn cước, bằng cấp trung học đến đại học, bằng bác sĩ, biển số, giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe…
Rõ ràng với hàng chục ngàn bộ giấy tờ giả như thế bị tuồn ra thị trường thì hậu quả rất nguy hại. Thế nhưng, không quá bất ngờ khi một đường dây tội phạm như vậy thoải mái hoạt động, mua bán giấy tờ giả với số lượng lớn! Bởi có một thực tế mà nhiều người không xa lạ là “chợ đen” chuyên mua bán những thứ phi pháp đang ngang nhiên hoạt động rầm rộ, công khai quảng cáo.
Cụ thể, mỗi ngày, không ít người nhận được tin nhắn qua điện thoại di động, đọc được các nội dung trên mạng xã hội... những lời giới thiệu về cung cấp bằng giả, giấy tờ giả và thậm chí là súng đạn, vũ khí hay đổi tiền giả.
Trước kia, các hoạt động này chỉ giới hạn ở mức độ “offline” nên còn hoạt động lén lút, thì nay thông qua “online” đã không ngừng bành trướng về phạm vi lẫn quy mô. Việc mua bán còn rất dễ dàng nhờ vào các dịch vụ giao nhận vốn đang bùng nổ. Thời gian qua, Thanh Niên cũng nhiều lần phản ánh về tình trạng này, dư luận cũng liên tục bức xúc.
Thế nhưng, sau nhiều phản ánh và bức xúc thì tình trạng này vẫn hoạt động rầm rộ. Điển hình là đường dây cung cấp giấy tờ giả ở trên, hay vào đầu tháng 8 thì Công an Tây Ninh triệt phá đường dây mua bán vũ khí liên tỉnh…
Nhìn lại những ngày dịch bệnh Covid-19 hoành hành, với quyết tâm chính trị từ T.Ư đến địa phương, những thông tin thất thiệt liên quan tình hình dịch bệnh đã được xử lý rất hiệu quả. Những người tung tin sai sự thật đã bị các cơ quan phối hợp xử lý nhanh chóng.
Thế thì tại sao, những “chợ đen”, “chợ ảo” bán hàng hóa phi pháp cứ rầm rộ hoạt động năm này qua tháng nọ? Khi tình trạng này vẫn không được giải quyết triệt để thì hậu quả mà xã hội phải gánh khó có thể tưởng tượng. Đó là bằng cấp giả, giấy tờ giả được đối tượng xấu tha hồ sử dụng. Đó là dao kiếm, súng đạn trên mạng được những kẻ tội phạm sử dụng để gây án…
Như vậy, trách nhiệm quản lý liên quan lĩnh vực thông tin truyền thông đang bị lơi lỏng một cách khó hiểu đối với sự lộng hành của “chợ đen”, “chợ ảo”.
Bình luận (0)