Khó lòng đồng thuận

Mai Hà
Mai Hà
26/08/2020 04:26 GMT+7

Cao tốc Nhật Tân - Nội Bài, Hà Nội - Thái Nguyên... có thể sẽ thu phí với người tham gia giao thông sau nhiều năm miễn phí.

Sự thay đổi bất ngờ này đang được dự thảo trong luật Giao thông đường bộ sửa đổi cũng như đề án thu phí đường cao tốc do ngân sách đầu tư đang được Bộ GTVT chủ trì soạn thảo.
Cách đây 7 năm, phí sử dụng đường bộ chỉ còn áp với các trạm BOT để hoàn vốn, 17 trạm thu phí trên các tuyến đường do ngân sách đầu tư đã được xóa bỏ do người dân đã đóng phí quỹ bảo trì đường bộ qua đầu phương tiện. Nay với dự thảo mới, người dân vừa phải đóng phí bảo trì, vừa đóng phí khi đi qua các trạm BOT (trên quốc lộ, cao tốc do doanh nghiệp đầu tư) để hoàn vốn và vừa đóng luôn phí cho các tuyến cao tốc do ngân sách đầu tư.
Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ khi giải thích về luật Giao thông đường bộ sửa đổi đã cho rằng tất cả cao tốc đều đã có đường song hành, nên thu phí đường cao tốc đầu tư bằng nguồn vốn nào cũng sẽ thu cả đời. Kể cả các dự án BOT sau này, khi hết thời hạn hoàn vốn, nhà nước sẽ bảo trì nên cũng tiếp tục thu phí.
Đành rằng việc thu phí sẽ mang tới nguồn thu hàng nghìn tỉ đồng cho ngân sách mỗi năm, từ đó có thêm nguồn để duy tu, bảo trì các tuyến đường hiện nay, song có 2 vấn đề lớn mà người dân khó lòng đồng thuận:
Thứ nhất, dù Bộ GTVT lý giải không có chuyện “phí chồng phí”, nếu không muốn đóng phí cao tốc có thể chọn các tuyến quốc lộ song hành. Song theo ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, người dân gần như không có sự lựa chọn đường đi, bởi nhiều tuyến đường song song với cao tốc hiện nay đều đã thu phí. Ví dụ nếu muốn tránh đóng phí cho cao tốc Nội Bài - Nhật Tân, thì tuyến đường song song là Bắc Thăng Long - Nội Bài cũng đang thu phí.
Thứ hai, các dự án sẽ thu phí trọn đời với lý do hoàn vốn và có nguồn bảo trì. Tuy nhiên, dự án đầu tư bằng nguồn nào, vốn ngân sách, vốn vay ODA hay vốn tư nhân đều có tổng mức đầu tư (đã tính cả phần bảo trì) có thể quy ra thời hạn thu phí, không thể thu bao lâu tùy thích. Chưa kể, nếu thu trọn đời, bên nào sẽ được giao thu phí, nguồn thu được sử dụng có đảm bảo minh bạch hay không, vai trò của Quỹ bảo trì đường bộ bao năm qua ra sao... có lẽ chính cơ quan soạn thảo là Bộ GTVT cũng khó trả lời. Trong văn bản góp ý, Bộ Tài chính cũng chỉ thẳng “phí sử dụng đường cao tốc chưa có sự phân biệt rõ ràng với phí sử dụng đường bộ đang thu qua đầu phương tiện hiện nay và không minh bạch về thời gian thu phí”.
Cần phải nhắc lại, chi phí logistics ở Việt Nam hiện ở mức 21%, thuộc nhóm cao trong khu vực và thế giới. Giảm chi phí logistics, trong đó có chi phí đường bộ là một giải pháp để thúc đẩy kinh tế phát triển, thay vì tăng chi phí, tạo sức ép lớn lên doanh nghiệp.
“Không có bữa ăn nào là miễn phí”, muốn đi đường đẹp hơn thì phải trả tiền. Điều này hoàn toàn đúng. Nhưng quyền lựa chọn của người dân phải được đảm bảo, hoặc đi đường xấu hơn nhưng miễn phí, hoặc “đóng phí trọn đời” thì phải tháo gánh nặng phí sử dụng đường bộ đóng qua phương tiện hằng năm hiện nay, không thể tận thu bằng mọi cách!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.