Bởi ngoài tác động trực tiếp của đợt tái phát dịch này, họ vẫn đang phải chống chọi với những khó khăn từ đợt dịch đầu tiên.
Nói một cách dễ hiểu là khó khăn liên tiếp, khó khăn nhân đôi... nên hệ quả của nó có thể còn gấp nhiều lần. Thế nên, không chỉ bồi thêm gói hỗ trợ thứ 2 mà điều quan trọng hơn là làm sao để các đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng phải tiếp cận nhanh được với gói hỗ trợ. Tránh rơi vào tình trạng "được vạ thì má đã sưng", làm giảm giá trị cũng như ý nghĩa của các gói hỗ trợ này. Thực tế ở gói hỗ trợ lần 1, dù được quyết định khá sớm với giá trị lớn nhất từ trước tới nay, người dân và doanh nghiệp (DN) cũng hết sức kỳ vọng, mong chờ nhưng khi triển khai thì lại khó khăn, thậm chí không tiếp cận được vì nhiều điều kiện quá khắt khe. Những yêu cầu như tài chính bằng không, không có quỹ dự phòng... mới được vay vốn ưu đãi... chẳng khác nào ép DN đường cùng. Bởi nếu đã đến mức này thì bản thân họ đã tiệm cận ngưỡng phá sản, có hỗ trợ cũng không phát huy được tác dụng. Như vậy vừa lãng phí ngân sách, vừa không đạt được mục tiêu đồng hành với người dân, DN khó khăn trong đại dịch của Chính phủ.
Đó là lý do, sau một thời gian triển khai, gói hỗ trợ đầu tiên phải “nới” lỏng điều kiện để đến được với người dân, DN dễ dàng hơn, hợp lý hơn.
Nói thế tất nhiên không phải cứ “bung” hết ra mà không có xem xét, rà soát cụ thể. Ngân sách có hạn, nên hỗ trợ phải chảy đúng nơi, đúng chỗ. Quan trọng hơn, trong bối cảnh nguồn lực có hạn thì phải tính làm sao cho đồng vốn đi ra đạt hiệu quả cao nhất. Đơn cử như hỗ trợ những ngành nghề, DN mà hoạt động của họ có tính lan tỏa, một DN sống có thể kéo theo nhiều DN khác được hồi sức. Hay các DN, những ngành nghề thiết yếu, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng cơ bản trong đời sống. Không lo thiếu cái ăn, cái mặc hay các sản phẩm phục vụ sức khỏe trong mùa dịch, để Chính phủ và người dân yên lòng đối phó dịch bệnh. Bên cạnh đó, khái niệm hỗ trợ cũng phải được mở rộng, không nhất thiết phải là vốn, là lãi suất ưu đãi... mà còn là tháo gỡ các vướng mắc kịp thời để các dự án có thể triển khai; các công trình dở dang, đắp chiếu hoạt động trở lại thì người lao động sẽ có việc làm, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng cao, sản xuất được kích hoạt...
Những vấn đề này cũng được nói khá nhiều từ đợt dịch trước. Chính phủ cũng quyết liệt, đốc thúc giải ngân đầu tư công để kích cầu dù chưa được như kỳ vọng. Nhưng vốn đầu tư cũng phải được khơi dậy thông qua tháo gỡ thủ tục, nút thắt để các chủ đầu tư, các DN tận dụng tối đa cơ hội từ trong khó khăn, từ các hiệp định mới ký kết...
Khó khăn vẫn còn ở phía trước, vì thế, gói hỗ trợ thứ 2 phải khắc phục được các hạn chế của gói thứ nhất để phát huy tối đa hiệu quả cũng như chuyển tải hết sự chia sẻ của Chính phủ với người dân, DN vượt qua đại dịch thế kỷ này.
Bình luận (0)