Ý tưởng khởi nghiệp giúp sinh viên 'sửa sai' khi mông lung với ngành học đã chọn

30/11/2022 11:11 GMT+7

Tham gia các cuộc thi khởi nghiệp, các sinh viên có thể trình bày ý tưởng nhằm giải quyết những vấn đề thực tế của xã hội, đồng thời trau dồi nhiều kỹ năng hữu ích.

Hiện nay, không ít chương trình tìm kiếm ý tưởng khởi nghiệp tiềm năng được tổ chức nhằm giới thiệu các nhóm sinh viên vào vườn ươm khởi nghiệp. Chẳng hạn, cuộc thi DoorS mới đây do Cộng đồng Khởi nghiệp trẻ tại Trường ĐH Ngoại Thương (cơ sở TP.HCM) (gọi tắt là Ehub) tổ chức thu hút sinh viên đến từ nhiều trường ĐH khác nhau.

Đề ra giải pháp cho các vấn đề thực tế

Sau đêm chung kết cuối tuần rồi, chương trình đã chọn ra một số dự án có tính khả thi nhất để đưa vào vườn ươm khởi nghiệp của Ehub: Bình nước thông minh cho trẻ; Hành trình chạm thực tế, trải nghiệm đến tương lai; sàn thương mại điện tử độc quyền cho thời trang nội địa và thời trang bền vững.

Tham cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp, sinh viên có cơ hội nghiên cứu thị trường rồi trình bày ý tưởng, giải pháp cho các vấn đề thực tế.

Chẳng hạn, trong dự án “Mommate-Bình nước thông minh cho trẻ” đạt giải ba chung cuộc, nhóm sinh viên Trường ĐH Ngoại thương và Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đưa ra giải pháp tối ưu giúp trẻ em Việt Nam tạo dựng thói quen uống nước.

Trưởng nhóm Mai Thị Nguyệt Ánh (sinh viên ngành kinh tế đối ngoại Trường ĐH Ngoại thương, cơ sở TP.HCM chia sẻ ý tưởng này là nhằm giúp phụ huynh kiểm soát được lượng nước mà trẻ phải uống khi đi học, hoạt động thể chất.

“Bình nước Mommate có tính năng chính là nhắc nhở trẻ uống nước bằng ánh sáng cảm biến, đồng thời tích hợp ứng dụng chăm sóc sức khoẻ thông minh trên điện thoại để phụ huynh dễ dàng theo dõi”, Nguyệt Ánh cho hay.

Phần thuyết trình về dự án “Mommate - Bình nước thông minh cho trẻ” của nhóm CAA

THÚY LIỄU

Dù trên thị trường đã có các sản phẩm với các tính năng tương tự, nhưng Nguyệt Ánh cho rằng ý tưởng của nhóm sẽ có cơ hội cạnh tranh vì bình nước được thiết kế có sử dụng công nghệ IoT, giúp tối ưu hóa sự hỗ trợ, tương tác của công nghệ (app điện thoại, ánh sáng cảm biến...) và vật dụng (bình nước) để tạo lập thói quen uống nước cho trẻ (6-10 tuổi).

Trong khi đó, dự án “FREJ” phát triển ứng dụng tạo môi trường trải nghiệm các vị trí ngành nghề bằng hình thức gamification (game hóa) cho sinh viên, lại được hình thành từ trải nghiệm của chính các thành viên nhóm sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM.

Trưởng nhóm Hồ Thị Kim Anh, sinh viên ngành kinh doanh quốc tế Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: “Dù đã học đến năm 2 nhưng tôi vẫn còn khá mông lung về cơ hội việc làm cũng như định hướng nghề nghiệp của ngành mà mình đang theo học, vì vậy, chúng tôi quyết định hình thành FREJ, nhằm giúp sinh viên trải nghiệm vị trí công việc cụ thể”.

Theo Kim Anh, FREJ là mô hình mô phỏng giả lập về môi trường làm việc, giúp người dùng trải nghiệm xem bản thân có phù hợp với yêu cầu nghề nghiệp hay không. Ngoài ra, FREJ cũng cung cấp các tài liệu về ngành học, công việc để người dùng tham khảo.

Lý giải vì sao dự án này chỉ nhắm đến người trẻ 18-25 tuổi, Kim Anh cho biết: “Đây là lứa tuổi luôn muốn học hỏi và phát triển nhưng lại sợ đưa ra các quyết định về nghề nghiệp, sợ thất bại nên FREJ là giải pháp phù hợp. Là mô hình trải nghiệm dưới hình thức “game hóa”, chúng tôi hy vọng có thể tạo được một hệ sinh thái giúp sinh viên có thể trải nghiệm các ngành nghề một cách cụ thể nhất”.

Bên cạnh Mommate và FREJ, các dự án đoạt giải khác sẽ được đưa vào vườn ươm khởi nghiệp của EHub. Từ đó, các dự án sẽ được giúp đỡ, hỗ trợ hoàn thiện trước khi “chinh chiến” tại các cuộc thi khởi nghiệp quy mô lớn hơn hoặc đưa ra thị trường.

Nhóm sinh viên thuyết trình dự án FREJ

THÚY LIỄU

Sân chơi hữu ích cho sinh viên

“Các đề tài tham gia năm nay khá đa dạng với nhiều chủ đề như chuyển đổi số, giáo dục, sức khỏe… Hầu hết các đội thi đều nắm bắt được xu hướng khởi nghiệp hiện hành và quan tâm đến khởi nghiệp bền vững, tạo tác động xã hội”, chị Thái Nguyễn Ngọc Hoa, Chủ nhiệm EHub, chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Võ Hoàng Nam, Giám đốc công nghệ Công ty Cổ phần Fundiin, giám khảo cuộc thi DoorS 2022, đánh giá: “Nhìn chung, các đội thi đã có sự tiến bộ về kiến thức so với khi mới tham gia cuộc thi. Dù chỉ là những dự án sinh viên tập tành khởi nghiệp nhưng các bạn đã có sự quan sát, nghiên cứu đề tài, đưa ra ý tưởng sao cho hợp lý, nhưng phần trình bày thì vẫn cần cải thiện”.

Theo ông Nam, các cuộc thi khởi nghiệp sẽ giúp sinh viên học được nhiều kỹ năng hữu ích như kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, thay đổi cách tiếp cận vấn đề. “Chương trình đặt thí sinh vào vị trí phải tìm cách giải quyết vấn đề của xã hội chứ không cố gắng tìm vấn đề rồi mới nghĩ cách xử lý. Đó là những kỹ năng mà các bạn sinh viên cần và phải được học sau các cuộc thi”, ông Nam nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.