Không phủ nhận ý tưởng tốt đẹp đối với “hệ giá trị nhân cách với các chuẩn mực rõ ràng về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử” cho người Hà Nội khi Sở VH-TT Hà Nội đưa ra dự thảo bộ quy tắc ứng xử trong cộng đồng và trong các cơ quan, tổ chức.
Với 90% số người được hỏi cho rằng bác sĩ, y tá, điều dưỡng và bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có hành vi ứng xử không phù hợp; 95% ý kiến cho rằng công chức, viên chức có hành vi ứng xử không phù hợp; có từ 50 - 70% lãnh đạo nhà trường, thầy cô giáo, cán bộ quản lý và nhân viên, học sinh, sinh viên có hành vi ứng xử không phù hợp... (điều tra xã hội học của Sở VH-TT Hà Nội), thì đúng là cần phải “làm gì đó” để cứu vãn văn hóa ứng xử.
Nhưng văn hóa ứng xử ở mức báo động ấy có nguyên nhân từ việc chúng ta đang thiếu các quy định, quy tắc hay không thì lại là một vấn đề cần phải bàn.
Đã là công chức phải có tác phong áo bỏ trong quần, đi giày, không cười đùa hoặc xem, chơi game trong giờ làm việc, ăn nói lễ độ, biết tôn trọng người lớn tuổi và lãnh đạo, đi làm đúng giờ giấc. Khi ứng xử với người dân, công chức được yêu cầu không gây căng thẳng, bức xúc, uy hiếp, tấn công người dân. Tại khu dân cư, công chức không tổ chức các hoạt động liên hoan, cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia, mừng thăng chức... linh đình, phô trương, lãng phí, ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư... là điều đúng cho mọi cán bộ, công chức.
Và tất cả những điều này đã được quy định rõ ràng trong Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước do Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2007. Vậy thì Hà Nội có cần thiết phải có quy tắc riêng cho công chức Hà Nội không, hay chỉ cần thực hiện nghiêm túc quy chế của Chính phủ là đủ?
Tại Canada, một đất nước nổi tiếng thanh lịch, nếu bạn la hét om sòm hay chửi thề nơi công cộng bạn sẽ bị phạt 150 USD. Ở Singapore, không cấm nhai kẹo cao su, nhưng bạn có thể bị phạt đến 500 USD nếu nhổ kẹo cao su bừa bãi trên phố.
Còn ở ta, hầu hết các quy định (luật pháp) liên quan đến văn minh đô thị, chuẩn mực ứng xử công cộng không được thực thi. Cấm hút thuốc nơi công cộng, cấm xả rác ra đường, cấm thả rông chó, cấm nói chuyện điện thoại khi lái xe... cũng chỉ để cho vui, hầu như không ai quan tâm, huống hồ là bộ quy tắc chung chung, không có chế tài.
Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận việc phải có các quy tắc ứng xử để liên tục giáo dục, nhắc nhở con người hoàn thiện bản thân. Nhưng mọi quy tắc ứng xử hằng ngày đều bắt nguồn từ việc giáo dục. Giám sát cộng đồng nên trả về cho cộng đồng. Còn việc của cơ quan nhà nước là phải ban hành các quy định mang tính pháp lý và bảo đảm thực thi bằng chế tài. Nếu chỉ ban hành cho có thì chỉ làm cho tình trạng nhờn luật thêm trầm trọng.
Bình luận (0)