Một lần, người bạn học cùng lớp bất chợt quay sang nhìn tôi và phán: “Trời ơi, con gái gì mà bàn tay xấu hoắc, gân guốc không hà!”.
Minh họa: Văn Nguyễn |
Mang nỗi mặc cảm bàn tay xấu, lại hay bị đổ mồ hôi trộm nên lòng bàn tay thường xuyên ẩm ướt, tôi giấu bàn tay mình bằng cách đan chúng vào nhau và hạn chế giao tiếp đôi tay với những người xung quanh.
Đến khi lấy chồng, tôi mới dần cởi bỏ được sự tự ti về đôi bàn tay nhiều khuyết điểm của mình. Lúc quen nhau, tôi luôn hạn chế tối đa sự tiếp xúc và thường rụt tay lại khi người yêu cầm tay nên anh không nhận ra vấn đề ở đôi bàn tay ấy. Lần đầu tiên cầm bàn tay vợ ướt át vì hồi hộp và mệt mỏi trong ngày cưới, chồng tôi mỉm cười nhẹ nhàng lau khô bằng chính chiếc áo vest anh đang mặc và hôn bàn tay vợ trước ánh mắt ngưỡng mộ của mọi người.
Trên xe lửa của chuyến trăng mật sau đám cưới, tay anh đan vào tay tôi, cùng thả mình ngắm cảnh và trò chuyện. Thỉnh thoảng anh lại lau khô mồ hôi và đặt vào lòng bàn tay một nụ hôn dài.
Mãi sau này khi bàn tay tôi đã quen với những nâng niu của chồng, có đôi khi theo quán tính tôi vẫn rụt tay lại đút vào túi áo. Những lúc ấy anh lại nhìn vợ đầy yêu thương rồi lôi đôi bàn tay ra khỏi túi áo, tay đan tay và thì thầm: “Cậu kỳ cục quá. Đôi tay này là của tớ chứ không phải của cậu đâu nhé. Đây là đôi tay đẹp nhất trên đời”. Khi nghe tôi kể về tuổi thơ lam lũ, hằng ngày cắt cây chuối, nấu cám, rửa ráy chuồng heo, gánh nước, chở trấu… cho bà và mẹ; anh càng thương hơn đôi bàn tay ấy. Đi bên nhau, dù là chốn đông người hay chỉ có hai vợ chồng, bàn tay anh luôn nắm chặt tay vợ.
Chính vì chữ thương sâu nặng dành cho vợ và cho cả đôi bàn tay xấu xí, từ ngày cưới nhau bao nhiêu việc anh đều gánh vác hết. Từ những việc nặng nhọc như bưng bê đồ đạc, sửa chữa cho đến những việc bình thường như giặt giũ, rửa chén, dắt xe… anh cũng giành làm. Vợ có muốn làm cùng cũng chỉ được phân công những việc không thể nhẹ nhàng hơn.
Tình yêu và sự trân trọng của chồng đã giúp tôi tự tin và chiến thắng bản thân mình. Từ chỗ trước đây tôi vin vào nguyên tắc “phụ nữ là người chìa tay ra trước” để né việc bắt tay xã giao, giờ đây tôi đã hoàn toàn thoải mái trong vấn đề này. Với công việc đối ngoại ở một công ty nước ngoài, mỗi ngày tôi giao tiếp với nhiều người, và trong những tình huống chẳng đặng đừng khi đối diện một phụ nữ hoặc nam giới lớn tuổi hơn, tôi đành phải chìa tay ra đáp lễ với thái độ dè dặt và yếm thế. Giờ thì tôi có thể ý nhị áp lòng bàn tay phải vào cánh tay trái để lau khô một cách kín đáo rồi hướng về phía họ, siết nhẹ bàn tay và mỉm cười. Bây giờ, tôi đã thật sự tin rằng đôi bàn tay mình không hề xấu xí.
Bình luận (0)