Yêu cầu Cục Hàng không nêu quan điểm về lập hãng bay của 'vua hàng hiệu'

Mai Hà
Mai Hà
19/06/2021 18:23 GMT+7

Bộ GTVT vừa có công văn gửi Cục Hàng không Việt Nam về chủ trương đầu tư dự án thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo của tỷ phú Jonathan Nguyễn Hạnh.

Để có cơ sở xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo với mục tiêu xây dựng một hãng hàng không vận chuyển hàng hóa, Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu và tham gia ý kiến.
Trong đó, xác định dự án thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo có thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, cho phép đầu tư của Thủ tướng Chính phủ theo quy định của pháp luật về hàng không hay không?
Trước đó, theo kiến nghị của Cục Hàng không Việt Nam về việc giai đoạn từ nay đến năm 2022, tạm thời chưa xem xét cấp Giấy phép kinh doanh vận tải hàng không cho các hãng hàng không mới, Bộ GTVT có văn bản số 4620/BGTVT-VT ngày 14.5.2020 về việc rà soát, xem xét việc thành lập thêm những hãng hàng không trong tình hình mới nhằm đảm bảo quản lý nhà nước về hàng không, phát triển bền vững.
Trong đó, Bộ GTVT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, trước mắt, tập trung phục hồi thị trường vận tải hàng không trong nước và quốc tế, tháo gỡ khó khăn cho các hãng hàng không Việt Nam đang hoạt động; việc thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến 2022).
Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam với vai trò là nhà chức trách hàng không Việt Nam có quan điểm về việc thành lập thêm một hãng hàng không mới vận chuyển hàng hóa trong tình hình hiện nay.
Như Thanh Niên đã đưa tin, Công ty cổ phần IPP Air Cargo - thành viên của Tập đoàn IPPG của tỉ phú Jonathan Hạnh Nguyễn vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng một số bộ, ngành liên quan xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo.
Mục tiêu của IPP Air Cargo là thành lập một hãng hàng không vận tải hàng hóa hoạt động trong phạm vi nội địa và quốc tế. Dự án này có tổng mức đầu tư 2.400 tỉ đồng, tương đương 100 triệu USD, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.