Yêu cầu mới nhất về học bạ số lớp 1 toàn TP.HCM

Thúy Hằng
Thúy Hằng
22/06/2024 19:14 GMT+7

Năm học 2023 - 2024 triển khai thí điểm học bạ số đối với học sinh lớp 1 trên địa bàn TP.HCM. Tới nay, 22.6.2024, việc thực hiện như thế nào? Lưu ý mới nhất từ Sở GD-ĐT ra sao?

Yêu cầu mới nhất về học bạ số lớp 1 toàn TP.HCM- Ảnh 1.

Học sinh lớp 1 ở TP.HCM

DẠ THẢO

Đã có Quy chế tạm thời về học bạ số

Sở GD-ĐT TP.HCM vừa ban hành Quy chế tạm thời quản lý, sử dụng hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số ngành GD-ĐT TP.HCM (gọi tắt là Quy chế) gồm 7 chương, 5 phụ lục.

Trong Quy chế này nêu rõ những quy định chung; những điều khoản về quản lý và sử dụng chữ ký số, chứng thư số; quy định về sử dụng hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh; quy định về vận hành, quản lý, sử dụng hệ thống học bạ số…

Quy chế hướng dẫn cụ thể về truyền, nhận dữ liệu khi học sinh chuyển trường (chuyển trường từ các trường trong cùng TP.HCM hoặc từ các trường ở tỉnh thành khác về TP.HCM); hay cách quản lý học bạ số khi giáo viên nghỉ việc, chuyển trường.

Quy chế nêu rõ trách nhiệm thực hiện của Sở GD-ĐT và các phòng thuộc Sở; trách nhiệm của phòng GD-ĐT; trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị giáo dục; trách nhiệm của các giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn; của cán bộ quản trị hệ thống; của nhân viên học vụ, văn thư; trách nhiệm của học sinh, cha mẹ học sinh...

Sở GD-ĐT TP.HCM quy định, năm học 2023 - 2024, triển khai thí điểm học bạ số đối với khoảng 132.000 học sinh lớp 1 trên toàn TP.

Năm học 2024 - 2025, triển khai thí điểm đối với học sinh lớp 6 và số hóa dữ liệu học bạ cấp tiểu học, THCS. Năm học 2025 - 2026, triển khai thí điểm đối với học sinh lớp 10 và số hóa dữ liệu học bạ cấp THPT. Tùy vào điều kiện kỹ thuật, thể chế pháp lý có thể rút ngắn tiến độ thực hiện đồng bộ trên toàn TP.

Yêu cầu mới nhất về học bạ số lớp 1 toàn TP.HCM- Ảnh 2.

Học sinh một trường tiểu học tại TP.HCM

THÚY HẰNG

Trước 30.6 phải hoàn thành xong rà soát dữ liệu học sinh lớp 1

Sau khi Sở GD-ĐT ban hành Quy chế tạm thời về học bạ số, phòng GD-ĐT các địa phương đã xây dựng kế hoạch triển khai thí điểm học bạ số. Như Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình đã xây dựng kế hoạch thành lập ban chỉ đạo triển khai thí điểm hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh và học bạ số tại địa phương.

Năm học 2023-2024 (đã kết thúc) phải thí điểm học bạ số với lớp 1 ở tất cả các trường trên địa bàn thành phố. Do đó, Phòng GD-ĐT Q.Tân Bình đề nghị các cơ sở giáo dục toàn quận, phối hợp công an 15 phường rà soát, đảm bảo 100% học sinh lớp 1 được cấp mã định danh cá nhân, cập nhật đầy đủ thông tin. Trường hợp học sinh chưa được cấp mã định danh, thủ trưởng đơn vị báo cáo Phòng GD-ĐT để có phương án giải quyết.

Các cơ sở giáo dục cũng phải rà soát cơ sở vật chất, hạ tầng triển khai học bạ số, đảm bảo pháp lý của chứng thư số…, đảm bảo phần mềm học bạ số được kết nối với cơ sở dữ liệu học bạ số của ngành GD-ĐT TP. Các việc rà soát này phải hoàn thành trước 30.6.2024.

Trong tháng 7.2024, Q.Tân Bình tổ chức hội nghị trực tuyến hướng dẫn triển khai thí điểm học bạ số lớp 1. Sau đó, việc triển khai cấp học bạ số lớp 1 năm học 2023-2024 được các trường học, đơn vị thực hiện, được triển khai tới hết ngày 15.8.2024.

Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, học bạ số là hệ thống dữ liệu học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử của cá nhân và tổ chức có thẩm quyền, có giá trị pháp lý để sử dụng trên môi trường số. Học bạ số đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong quá trình học tập tại. Đồng thời đảm bảo nhất quán, toàn vẹn thông tin khi học bạ đã được phát hành (không thể thay đổi thông tin).

Trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm thế nào khi làm học bạ số?

Theo Quy chế:

  1. Cập nhật danh sách và sơ yếu lý lịch học sinh vào đầu năm học hoặc ngay khi có sự thay đổi thông tin học sinh; cập nhật, theo dõi nghỉ học và các mặt hoạt động giáo dục của học sinh hàng tuần; cập nhật xếp loại hạnh kiểm, năng lực, phẩm chất học sinh của lớp vào cuối mỗi học kỳ, cuối năm học vào hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh theo quy định của thủ trưởng đơn vị;
  2. Kiểm tra điểm trung bình các môn, xếp loại học lực, danh hiệu cuối mỗi học kỳ và cả năm học đối với học sinh;
  3. Kiểm tra hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh của lớp; giúp thủ trưởng đơn vị theo dõi việc kiểm tra cho điểm, đánh giá theo quy định của Bộ GD-ĐT;
  4. Kiểm tra lại các kết quả đánh giá, xếp loại hạnh kiểm và học lực từng học kỳ, cả năm học của học sinh trên hệ thống. Lập danh sách học sinh đề nghị cho lên lớp, không được lên lớp; học sinh được công nhận danh hiệu học sinh giỏi, học sinh tiên tiến; học sinh phải kiểm tra lại các môn học, học sinh phải rèn luyện về hạnh kiểm...;
  5. Theo dõi, kiểm tra và ký số xác nhận trên hệ thống theo dõi, đánh giá học sinh;
  6. Nhận xét đánh giá kết quả rèn luyện từng mặt và toàn diện của học sinh trực tiếp trên hệ thống phục vụ cho thông tin trực tuyến và phiếu điểm để gửi phụ huynh học sinh;
  7. Rà soát, đối chiếu các thông tin, dữ liệu trong học bạ số trên hệ thống; lấy chữ ký xác nhận của từng giáo viên bộ môn; ký phê duyệt của lãnh đạo nhà trường.

Quy chế cũng nêu rõ trách nhiệm của giáo viên bộ môn, từ việc thực hiện đầy đủ số điểm kiểm tra, đánh giá và cho điểm theo quy chế của Bộ GD-ĐT; nhập điểm kiểm tra; kiểm tra điểm trung bình môn theo học kỳ, cả năm của học sinh do lớp mình phụ trách; nhận xét tuần về nền nếp học tập của học sinh; ký xác nhận điểm trong học bạ số…

Giáo viên bộ môn nghỉ hưu theo chế độ, nghỉ thai sản hoặc các lý do khác phải thực hiện bàn giao nội dung công việc có liên quan đến các nhiệm vụ nêu trên cho giáo viên được phân công thay thế.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.