Yếu đuối như các nhà khoa học nữ!

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
07/03/2019 18:59 GMT+7

Dù là anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới hay giành nhiều giải thưởng quốc tế thì tận trong sâu thẳm họ vẫn là những người phụ nữ với đầy đủ những tình cảm, lo lắng và yếu đuối rất đời thường.

CŨNG LÀ MỘT NGƯỜI VỢ, NGƯỜI MẸ

 
Anh hùng lao động Nguyễn Thị Nguyệt nhớ lại năm 1992, khi còn là kỹ sư Tổng công ty thiết bị điện Đông Anh, đã xung phong nhận trọng trách thực hiện đề tài khoa học cấp nhà nước “Nghiên cứu thiết kế, công nghệ chế tạo máy biến áp 25.000kVA-110kV”. Từ một kỹ sư “không biết máy biến áplà gì”, sau hơn 1 năm miệt mài nghiên cứu, tìm tòi tài liệu, lăn xả vào những công trình mày mò, thử nghiệm rồi vận dụng hết mọi kiến thức, trí tuệ, chiếc máy biến áp 110kV đầu tiên nặng 62 tấn đã ra đời. Chiếc máy này được lắp đặt và vận hành tại Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) đã chấm dứt thời kỳ nhập khẩu máy biến áp 110kV ở VN, và đưa VN trở thành một trong 12 nước trên thế giới chế tạo được máy biến áp. 
 
Anh hùng lao động Nguyễn thị Nguyệt (ảnh NVCC)
Tiếp tục thành công vang dội, người phụ nữ này lại lao vào nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy biến áp 220kV và 500kV. “Nó lớn hơn nhiều máy biến áp 110 kV. Tôi còn nhớ sau khi lắp ráp xong phần ruột máy chờ sấy, lúc đó mới có thời gian để suy nghĩ... Tự nhiên tôi khóc òa lên như đứa trẻ vì lo rằng nếu có một lỗi nào đó thì sẽ thất bại, lúc đó công ty sẽ bị thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Còn khi nghiên cứu máy 500 kV, suốt một năm rưỡi tôi làm việc như người bị thôi miên”. 
Thời kỳ đó, kinh tế khó khăn, nhà máy ít việc, công nhân không có việc làm phải sản xuất cả than tổ ong để bán. Nếu chị Nguyệt thất bại thì sẽ không cứu được nhà máy. Vì thế, chị lao vào công việc, ngày nào cũng miệt mài ở nhà máy đến 7, 8 giờ tối mới về. “Rất nhiều lần trên đường từ nhà máy về nhà, khi trời đã tối mịt, tôi chợt nhớ hôm nay nhà hết gạo, thức ăn cũng hết. Về tới đầu ngõ, tôi dừng lại nghe ngóng xem trong nhà chồng con đang làm gì, có tiếng la mắng, cáu gắt gì không. Không gian thật im ắng. Lúc bấy giờ tôi mới vội vàng sang nhà hàng xóm vay tạm mấy lon gạo rồi lẳng lặng đi thẳng xuống bếp lấy nồi bắc cơm. Những lúc như thế, tôi chợt nhận ra mình còn là một người vợ, người mẹ, mình còn có một gia đình đang cần mình trở về”, chị Nguyệt bồi hồi. 

NHIỀU LÚC THẤY CÓ LỖI VỚI CON

Giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Thị Lang, nghiên cứu viên cao cấp của Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trưởng bộ môn công nghệ sinh học, Trường ĐH Cửu Long, là tác giả của hàng trăm giống lúa, trong đó hơn 30 giống được công nhận chuẩn quốc gia. Khinói về công việc nghiên cứu, chị nhìn nhận: “Người phụ nữ có thiên chức làm vợ, làm mẹ, nếu chọn công việc nghiên cứu, phải hy sinh rất nhiều. Trong khi đàn ông ra ngoài xã hội làm công việc gì cũng có gia đình hậu thuẫn, thì phụ nữ nhiều khi vô cùng đơn độc. Xã hội bao đời nay quan niệm người phụ nữ khi đã làm dâu, làm vợ, làm mẹ thì phải chu toàn mọi thứ. Vì thế, phụ nữ làm khoa học phải vất vả gấp đôi, gấp ba đàn ông”.
Giáo sư Nguyễn Thị Lang (ảnh NVCC)

Giáo sư Lang kể lại, thời điểm chị làm Phó phòng Kế hoạch khoa học tỉnh Bến Tre, phải xây dựng kế hoạch khoa học cho toàn tỉnh, chị có bầu 9 tháng vẫn đứng ra tổ chức hội nghị. Khi thấy chị vác bụng bầu vượt mặt lên hội nghị báo cáo, rồi trả lời phỏng vấn… ai cũng tròn mắt. 10 giờ sáng hôm sau thì chị vào bệnh viện sinh. Sinh con đúng 2 tháng sau đi làm, phải gửi con ở nhà trẻ. “Nhiều lúc thấy có lỗi với con. Chỉ vì mẹ đam mê công việc nghiên cứu nên con chịu rất nhiều thiệt thòi, không được như những đứa trẻ có mẹ làm công việc khác. Chồng tôi cũng thường xuyên động viên vợ, bảo nếu vất vả quá thì nghỉ ngơi ít ngày rồi làm tiếp. Nhưng do đam mê, tôi cứ lao vào không dừng lại được. Muốn có một ai đó kéo mình lại, nhưng tôi cứ thế bị cuốn đi. Mỗi một công trình nghiên cứu, mỗi một giống lúa tôi coi như đứa con của mình, không bỏ được, gắn bó, yêu thương…”, Giáo sư Lang tâm sự.

Được biết đến như một trong những nhà khoa học nghiên cứu ứng dụng tế bào gốc hàng đầu VN khi mới hơn 30 tuổi, tiến sĩ Vũ Bích Ngọc (Viện Tế bào gốc, Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu có ý nghĩa quan trọng trong y học. Tiến sĩ Bích Ngọc cũng phải chấp nhận những thiệt thòi vì trót đam mê nghiên cứu. “Những ngày này mình đang mang bầu, nhưng đúng thời điểm phải hỗ trợ sinh viên báo cáo tốt nghiệp và thực hiện đề tài tạo sản phẩm tế bào gốc ứng dụng trong điều trị bệnh, nên nhiều hôm về trễ. Đó là chưa kể phải tiếp xúc với phòng thí nghiệm, trong môi trường có tia UV, tia sóng tần số thấp, dẫn đến khả năng hít thở không được bình thường do không khí lưu thông không liên tục. Bên cạnh đó, còn có nguy cơ lây nhiễm cao nên chồng mình rất lo lắng”, tiến sĩ Ngọc chia sẻ. 

Chỉ vì đam mê, chỉ vì muốn phấn đấu cho sự nghiệp, khẳng định mình, đóng góp cho xã hội, mà những người phụ nữ làm khoa học chấp nhận “nặng gánh hai vai” dù nhiều lúc cũng yếu đuối lắm, muốn gục ngã trước quá nhiều khó khăn. Đó là khi thiên chức làm vợ, làm mẹ lên tiếng “đòi công bằng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.