Tình theo năm tháng
Hà Nội đủ cung bậc cảm xúc để tôi nghĩ, tôi nhớ, tôi mơ. Hà Nội một tình yêu khó diễn tả bằng lời từ một cậu học trò bé nhỏ đến một chàng sinh viên và trở thành một người thầy. Và tình yêu ấy càng lớn dần theo tháng năm.
Tôi yêu Hà Nội từ những bài học trong bài viết, bức ảnh qua trang sách, tờ báo, radio từ thời thôn quê chưa có ti vi. Tôi yêu Hà Nội từ những bài hát, bộ phim xem qua màn ảnh rộng cũng từ thời đó. Với một cậu bé nhà quê, mong ước được ra Hà Nội là “mơ về nơi … xa lắm” theo nhiều phương diện. Mơ về Hà Nội là mơ tới… thiên đường, là “Hà Nội xa xăm, Hà Nội sáng rực vui vẻ và huyên náo” mà Thạch Lam mô tả. Theo thời gian, khi ti vi phổ biến, đường sá dễ đi lại hơn, Hà Nội càng gần gũi hơn.
Ở những dòng tâm sự này, tôi muốn viết về một phương diện của tình yêu Hà Nội trong trái tim tôi. Âm nhạc - những tình khúc Hà Nội đã chạm vào trái tim của một cậu học trò. Những tình khúc Hà Nội, tôi loáng thoáng nghe đâu đó, chưa một lần trọn vẹn từ radio. Khi tôi còn học phổ thông, khu nhà có gia đình chiếu phim thu tiền, trẻ con 100đ, người lớn 200đ. Trong lúc chờ khách tới nhiều, chủ mở băng hình về những bài hát về Hà Nội. Đó là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy Hà Nội qua … màn hình. Tôi nhớ nhất là một nữ ca sĩ hát bài Hà Nội mùa thu trong chiếc áo dài dịu dàng, thướt tha Nghe bài hát, nhìn phong cảnh, yêu lắm!
Hà Nội, trái tim hồng của đất nước, có biết bao bản tình ca một thời và mãi mãi. Những bản tình ca ấy đưa tôi gần với Hà Nội hơn, yêu Hà Nội hơn. Hà Nội cổ kính, trầm mặc, chính vì thế có biết bao tình khúc lay động lòng người, sâu lắng và diết da. Dù viết đề tài chiến tranh, vẻ đẹp thiên nhiên và con người, tình yêu lứa đôi… Hà Nội mang một nét rất riêng, không pha lẫn thành phố nào.
Trong tim có nhạc
Những lời ca hùng tráng, rất đỗi tự hào: Hà Nội đó niềm tin yêu hy vọng/Của núi sông hôm nay và mai sau/ Chân ta bước lòng ung dung tự hào. Xao xuyến biết bao khi nghe những ca từ Như bâng khuâng nghe gió đưa/Vang vọng giữa Ba Đình/Lời Người thu năm ấy/Màu cờ thu năm ấy/Vẫn đây xanh trời mây. Rồi những tình khúc Nhớ mùa thu Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Hướng về Hà Nội, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Mơ về nơi xa lắm, Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, Im lặng đêm Hà Nội, Mưa chiều Hà Nội, Có phải em mùa thu Hà Nội, Đêm đông Hà Nội nữa. Kể làm sao hết những tình khúc ấy, nói làm sao hết cái hay, cái đẹp, cái gần gũi, bình dị và thân thương.
Hai ca khúc chạm vào trái tim tôi “sâu” nhất là Hà Nội đêm trở gió và Hà Nội và tôi. Với Hà Nội đêm trở gió, lần đầu tiên tôi được nghe ca sĩ Mỹ Linh hát trên truyền hình, năm đó tôi học lớp 11. Lần đầu nghe ca khúc này với ca từ đẹp, lại đang độ tuổi đẹp và mơ mộng nhất của thời áo trắng, cùng với giọng ca Mỹ Linh, tất cả quyện hòa, “xoáy sâu” trong trái tim tôi. Tôi cứ ngỡ mình đang là cậu học trò của Hà Nội. Có lần đang làm ruộng, nghe giọng hát của chị Mỹ Linh cất lên từ... loa phát thanh của xã, tôi dừng lại để chìm đắm trong âm nhạc (vì rất hiếm hoi mới có cơ hội nghe).
Sau này khi được nghe NSND Trung Đức hát bài Hà Nội và tôi, tình yêu Hà Nội lại khắc sâu thêm trong tim tôi. Nghe bài hát, tôi chẳng khác nào một người con đã trưởng thành khi xa Hà Nội. Càng nghe, càng nhớ và càng muốn trở về. Yêu biết mấy lời mở đầu “ngõ nhỏ phố nhỏ nhà tôi ở đó”, bởi cái mộc mạc khiến cho những người con xa quê bồi hồi, nhớ mãi, tiếc nuối, thôi thúc, khắc khoải trong trái tim. Tôi yêu lắm giọng ca trầm ấm và cũng rất đỉnh của nghệ sĩ Trung Đức. Giọng ca ấy, lời ca ấy như thay lời muốn nói trong tôi.
Hà Nội của hôm qua, của hôm nay và của ngày mai mãi là trái tim hồng, là niềm in và hy vọng. Và những tình khúc viết về Hà Nội mãi là những tình khúc đẹp mãi với thời gian. Càng nghe càng thấm, càng yêu, càng tự hào về Hà Nội.
Và với tôi, những tình khúc Hà Nội đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi một tình yêu Hà Nội thiêng liêng và sâu nặng. Và đó cũng là lý do tôi thường nghe và hát những tình khúc Hà Nội nhiều nhất. Nhiều người tưởng tôi là người Hà Nội cũng vì hay hát những tình khúc này. Tự hào biết mấy, Hà Nội trong trái tim tôi!
|
Bình luận (0)