Yêu lắm con sông Thạch quê tôi

16/09/2020 08:00 GMT+7

“Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà. Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi…”. Ký ức tuổi thơ tôi gắn liền với dòng sông Thạch Hãn êm đềm. Quê tôi Bích Khê nằm dọc theo triền sông Thạch Hãn thơ mộng.

Bến sông Thạch là nơi chứng kiến biết bao sinh hoạt cuộc sống của làng tôi. Nội tôi bảo con sông này, ngày xưa có bến nước dân làng thường ra gánh nước và giặt giũ, hò vè đối đáp dưới trăng thanh. Những câu chuyện tình đẹp hay man mác buồn trên bến nước này đã để lại những hình ảnh thân thương, ký ức đẹp trong lòng mỗi người. Nhưng do sự sạt lở nên bến nước này không còn nữa. Điều này đã trở thành ký ức của nhiều người trong đó có nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, người con của làng quê tôi đã viết nên rằng:
Đường xưa lối cũ, có ánh trăng, ánh trăng soi đường đi...
Đường xưa lối cũ, có tiếng ca, tiếng ca trên sông dài…”
Cũng như bà nội tôi, con sông đã trở thành một người bạn tâm giao của tôi suốt cả thời thơ ấu. Nước sông Thạch Hãn quê tôi trong xanh mát lạnh. Mùa hè, chúng tôi thường đi tắm sông. Cả bọn tha hồ bơi lội, quẫy đạp lung tung trong tiếng cười đùa lanh lảnh giữa làn nước xanh khuấy động cả một khúc sông chiều. Xa xa, những chiếc thuyền đánh cá đang buông chài, tung lưới. Giữa sông những chiếc sà lan chở đầy cát vàng đang lừ lừ chạy. Tiếng động cơ nổ vang dội cả hai bờ.
Con sông này còn in dấu bến đò ngang, xưa kia cách trở bởi một chuyến đò ngang, cắt chia dòng sông làm hai bờ thương nhớ. Đứng bên ni sông là làng tôi, ngó qua bên kia sông là làng Trung Kiên, bến đò ngang ấy vẫn là ấn tượng khó có thể nhòa phai trong ký ức. Ở đó có o lái đò nhỏ nhắn với chiếc thuyền cũ kỹ nhuộm màu mưa nắng, cứ buộc hờ bên dưới gốc cây si cổ thụ, lầm lũi ngày đêm chèo thuyền đưa khách qua sông rồi chở khách quay về. Những chuyến đò khách qua sông cứ đều đều. Bóng o lái đò trên chiếc thuyền con, neo dưới gốc cây si cũng già cỗi theo thời gian.
Tôi nhớ những lần qua chuyến đò ngang, lóc cóc chạy theo bà nội để được sang bên kia chùa Xuân An cầu kinh lễ phật. Mỗi lần sang sông bà xách nào làn bánh, hương hoa. Ngồi trên đò ngắm cảnh vật trên sông như một bức tranh thủy mặc, đậm chất thơ mà không lúc nào tôi quên được. Chiều nay ra đứng bờ sông thấy chiếc đò ngang nào đang trôi giữa dòng sông Thạch Hãn, dáng ai lái đò giữa dòng nước trong xanh làm tôi chạnh nhớ về o lái đò năm xưa đến nao lòng, o còn không hay đã trôi về dĩ vãng? Ngày nay hiện hữu trên dòng sông Thạch Hãn nối đôi bờ Bắc - Nam là cây cầu Thành Cổ, được khánh thành vào đúng dịp kỷ niệm 70 năm ngày Thương binh liệt sĩ. Cây cầu như một món quà tri ân các anh hùng liệt sĩ và tặng cho nhân dân Quảng Trị từng hứng chịu nhiều mất mát đau thương.

Lễ viếng các anh hùng, liệt sĩ tại Thành cổ Quảng Trị

Ảnh: Độc Lập

Sông Thạch Hãn không chỉ là con sông của ký ức tuổi thơ tôi mà còn là con sông huyền thoại của đất nước. Như chưa hề hứng chịu đau thương, Thạch Hãn vẫn trong xanh, hiền hòa ôm vào lòng mình mảnh đất thiêng liêng. Năm tháng qua đi, vết thương lòng lắng đọng, sông vẫn vỗ về đôi bờ trong câu hát bình yên. Cũng trên dòng sông này, ngày ngày có những con người thầm lặng, làm những điều tưởng chừng chỉ dòng sông mới hiểu. Chứng tích của 81 ngày đêm Thành cổ Quảng Trị rực lửa, đẫm máu và nhiệt huyết tuổi thanh xuân là đây. Mỗi gốc cây, ngọn cỏ nơi dòng sông này là một linh hồn người lính đang yên nghỉ. Những người con vĩ đại của đất nước đã vĩnh viễn nằm lại dưới đáy sông. Máu của các anh đã thấm đẫm lên từng nhành cây, ngọn cỏ, hòa vào dòng chảy của sông, để rồi sông Thạch Hãn tự hào mang trong mình là “Dòng sông hoa lửa”. Cả một khúc sông trong ánh hoàng hôn đang chầm chậm buông vừa trang nghiêm vừa trầm lặng đến xao lòng. Tiếng chuông chiều ở tháp chuông vọng mãi trên triền sông, một thanh âm trong trẻo, vang vọng đâu đây lúc xa, lúc gần nối nhịp quá khứ của ngày hôm qua, hôm nay và ngày mai.
Thạch Hãn ngày ngày vẫn đón ngàn hoa, ghi nhận nghĩa cử tri ân của những tấm lòng thành kính. Sông vẫn chảy như suối nguồn bất tận, hoa vẫn trôi như dòng chảy trong tâm thức mỗi chúng ta, đất nước luôn bên các anh.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.