Đó là hai câu trong ca từ bài Bến giang đầu của nhạc sĩ Lê Trọng Nguyễn viết cách đây trên 60 năm tại Quảng Nam. “Thuyền hoa” ở đây là thuyền được kết hoa đẹp, dùng để đưa hoặc rước cô dâu về nhà chồng.
Đám cưới thường diễn ra giữa mùa đông mà làng quê Quảng Nam ngày ấy đường sá còn rất lầy lội, không tiện cho việc đưa đón dâu. Người bạn gái của ông Lê Trọng Nguyễn xuống thuyền hoa, đi ngược dòng chảy của sông Thu về nhà chồng đâu đó ở Duy Xuyên, Đại Lộc.
tin liên quan
Lũ miền Tây rút: Mùa cá linh lại về nhưng còn đâu cá ngày xưaThời điểm nước rút là mùa cá linh, loài cá gắn liền với mùa nước nổi ở Tây Nam bộ. Ngày xưa, cá bơi rào rào xanh các mặt sông bắt không hết. Còn bây giờ…
Bảy mươi tuổi rồi, nhiều khi tôi vẫn lãng mạn tìm về những bờ bến của sông Thu, mong tìm ra một chiếc thuyền hoa đám cưới đưa dâu đi trên dòng nước mùa đông lạnh lẽo. Đường sá quê nhà nay đã được mở rộng, sạch sẽ; cầu đã được bắc qua các dòng sông.
Người ta có đưa đón dâu thì chỉ dùng đến các loại xe hơi đời mới lịch sự sang trọng, nhanh gọn và tiện lợi, chẳng còn ai phải dùng đến thuyền hoa trong việc tổ chức cưới hỏi. Hình ảnh thơ mộng của chiếc thuyền hoa vì vậy mà phai mờ dần trong tâm tưởng của con người. Người ta có yêu bài hát của Lê Trọng Nguyễn thì cũng không thể mường tượng ra hình ảnh ấy.
Thế nhưng, hình ảnh thuyền hoa ở đồng bằng sông Cửu Long thì lại rất chân thực. Hệ thống sông Cửu Long với chín dòng sông lớn, tỏa ra hàng trăm phụ lưu, hàng ngàn kênh rạch. Đường bộ, cầu cống của đồng bằng rất tốt nhưng đất đồng bằng vốn là đất phù sa, có những vùng bưng biền sâu chưa thể làm đường nhựa hay đường tráng xi măng.
Mấy trăm năm qua, phương tiện giao thông phổ biến nhất trong những vùng sâu vùng xa của đồng bằng vẫn là xuồng, tắc ráng, vỏ lãi, thuyền ghe. Đám cưới ở đồng bằng đương nhiên phải nhờ đến các phương tiện giao thông đường thủy đó.
Rất nhiều gia đình ở đồng bằng sống về nghề buôn bán trên sông rạch - gọi là thương hồ. Chiếc thuyền của họ có thể khá lớn, cũng có thể nhỏ nhưng bà con bố trí rất tài tình, có đủ chỗ ngủ, chỗ ăn, chỗ buôn bán, chỗ sinh hoạt. Đặc biệt, cái ti vi hay cái máy hát để giải trí thì không thể thiếu.
Ta có thể hình dung đó là những “ngôi nhà” di động trên mặt nước, đi đến đâu sống và làm ăn buôn bán đến đó. Con cái họ đến tuổi trưởng thành thì họ phải dựng vợ, gả chồng. Ngày cưới, hai chiếc thuyền thương hồ của hai bên trai gái phải được trang trí đẹp, giăng đèn kết hoa rực rỡ. Đó là thuyền hoa vậy.
Trên hai đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, có rất nhiều gia đình sống với nghề nuôi cá. Mỗi bè cá là một căn nhà nổi trên mặt nước, phía trên được xây dựng bán kiên cố với các phòng ốc khang trang như căn nhà trên mặt đất, phía dưới là những lồng bè thả cá. Trên các đầu nguồn Hồng Ngự, Tam Nông (Đồng Tháp) hay Châu Phú, An Phú (An Giang), nghề nuôi cá tra, cá ba sa xuất khẩu đã hình thành các làng bè làm ăn quy mô, tạo ra những tỉ phú sông nước trọng nghĩa khinh tài.
Họ cũng có con cái trưởng thành đến tuổi dựng vợ gả chồng. Trước và trong ngày cưới, những lồng bè của hai họ trở thành những ngôi nhà nổi đầy màu sắc rực rỡ. Hễ lồng bè giàu thì đám cưới của con cái cũng sang. Họ thuê thuyền hoa đón dâu đưa về bè của mình, thuê đủ thợ trang trí, thợ chụp ảnh quay phim, mời luôn cả ca sĩ về ca hát trong tiệc cưới.
Vui nhất là họ mời khách đi dự tiệc cưới. Khách có thể là các chủ lồng bè khác, cũng có thể là bà con thân tộc đang sống trên… bộ. Ai cũng đi đến tiệc cưới bằng một chiếc xuồng ba lá, vỏ lãi, tắc ráng, có hộ còn chơi luôn cả một chiếc đò máy to để đi cả bốn, năm chục người. Các loại xuồng ghe đó đậu quanh lồng bè, biến lồng bè ngày cưới trở thành một ngày hội văn hóa hồn nhiên, nhộn nhịp trên sông nước mênh mông.
Bạn có thể hình dung ra một cảnh đưa dâu trên sông nước đồng bằng không? Vui và lạ cực kỳ ! Họ đi một đoàn ghe hoặc thuyền lớn có khi đến cả chục chiếc trang trí màu sắc rực rỡ. Mọi người đều ăn mặc đẹp, rể veston cà vạt, dâu soirée trắng hoặc hồng. Thuyền đi đầu là thuyền dâu rể, có khi gồm cả cha mẹ hai bên và hai “chuyên viên” quay phim chụp ảnh.
Các thuyền đi tiếp thường là anh chị em, thân tộc, khách khứa. Thuyền đi giữa là thuyền… âm nhạc đủ cả phương tiện khuếch âm và một chiếc… máy nổ nhỏ phát điện. Nhạc có khi là nhạc sống với vài ba anh em chơi, có khi là… nhạc chín phát các đĩa hát tân nhạc hay cải lương mùi mẫn.
Đám cưới thuyền hoa đi đến đâu vui đến đó. Hai bên sông, những người buôn bán, đánh cá, đưa đò ngang đều dừng lại để xem và nghe. Trên bờ đường, mọi người, đông nhất là trẻ em, đều nhìn theo cười nói hay reo hò.
Có những đám cưới do chủ bè yêu văn hóa văn nghệ rước luôn hẳn một ban đờn ca tài tử. Thôi thì, ba nam, sáu bắc, bảy bài, bốn oán - 20 bản tổ đờn ca tài tử vang lừng sông nước, từ nhà trai đến đường sông, từ đường sông đến nhà gái. Đoàn thuyền hoa đám cưới vụt trở thành một sân khấu nổi di động biểu diễn văn nghệ miễn phí.
Rừng Nhum có cô Kiều Hạnh,
Quán Dốc có chị Ba Bèo,
Xóm Bời Lời có thím Tư Phong.
Cái đầu bèo nhèo, cái đít láng mướt.
Cái đầu bèo nhèo, cái đít láng mướt.
Có con mà chưa có chồng.
Quán Dốc có chị Ba Bèo,
Xóm Bời Lời có thím Tư Phong.
Cái đầu bèo nhèo, cái đít láng mướt.
Cái đầu bèo nhèo, cái đít láng mướt.
Có con mà chưa có chồng.
Vì sao đầu và đít khác nhau như vậy? Đầu bèo nhèo bởi ngày xưa không có thuốc gội đầu, không có xà bông tắm nên ba phụ nữ nói trên ít khi tắm gội, chải tóc. Đít láng mướt bởi ba phụ nữ trên đều mặc quần bằng vải satin bóng. Đờn ca tài tử ca đó, vui hết biết!
Tóm lại, ai ở vùng sông rạch chằng chịt, vùng sâu vùng xa giữa bưng biền đồng bằng sông Cửu Long cũng có thể chơi thuyền hoa trong ngày tổ chức đám cưới cho con cái mình. Giàu chơi nhiều thuyền hoa, nghèo chơi ít thuyền hoa nhưng “Phải có thuyền hoa mới ra đám cưới”.
Nhiều vị chủ bè giàu có còn vào mạng, săn tìm địa chỉ một số nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng để… mời họ về dự đám cưới cho xôm. Những khách này được gởi thù lao đàng hoàng, thông thường là chừng chục triệu đồng trở lên. Khách chẳng cần làm gì hết, chỉ cần có mặt để người ta giới thiệu “Đặc biệt hôm nay, có nhạc sĩ X tác giả của những bài YZ đến dự với chúng ta”, đứng lên gật đầu chào là đã có thù lao.
Tôi đã được vài vị chủ bè ưu ái mời dự đám cưới như vậy nhưng đều lễ phép xin lỗi vì… đi hổng được. Đi hổng được không phải là do chân cẳng tôi bị bệnh gì mà vì tôi sợ phải uống rượu! Trời ơi, những đám cưới ở đồng bằng uống rượu thấy mà kính phục luôn.
Có những đám uống đến ba, bốn trăm lít rượu đế! Hễ khách đến đủ bàn là chủ nhà cho dọn tiệc nhậu ra, cứ vậy mà ăn uống nhậu nhẹt cho đến khi lết bánh xe, què bánh lái; gục tại chỗ thì đổ trên bè, tỉnh trên ghe xin mời uống tiếp. Bởi lẽ:
Đến đây, không hát thời hò,
Đâu phải con cò cắm cúi mà ăn.
Đâu phải con cò cắm cúi mà ăn.
Đồng bằng sông Cửu Long đang vào mùa đám cưới rộn rã. Từ giữa tháng mười âm lịch, thuyền hoa cưới đã tấp nập đi lại trên sông, vàm, kênh, rạch. Họ tổ chức lễ cưới từ đó cho đến trước tết. Nắng ấm phương Nam làm cho những tình yêu lứa đôi, những lễ cưới thêm nồng ấm.
Thôi hãy vui lên cùng sống đời bên nhau!
Em phải biết anh
Một thanh niên có học lại chân tình
Về xin cưới hỏi em đàng hoàng
Chớ anh đâu phải là đứa lang bang…
Đờn ca tài tử hát vậy đó!
Em phải biết anh
Một thanh niên có học lại chân tình
Về xin cưới hỏi em đàng hoàng
Chớ anh đâu phải là đứa lang bang…
Đờn ca tài tử hát vậy đó!
Bình luận (0)