Yêu sử qua ký họa chiến trường

06/06/2022 13:24 GMT+7

Những bức ký họa đẫm mùi khói lửa chiến tranh của họa sĩ - nhà điêu khắc Phạm Hồng được trưng bày làm tư liệu để giáo dục , nhắc nhở thế hệ trẻ về sự cống hiến xương máu của cha anh và giúp học sinh thêm yêu môn lịch sử.

Mang cọ vẽ xin vào chiến trường

Trở về từ chiến trường Khu V, hành trang mà họa sĩ - nhà điêu khắc Phạm Hồng (quê Hà Tây, hiện sinh sống và làm việc tại TP.Đà Nẵng) mang theo là những bức ký họa về quân, dân ta trong những ngày khói lửa chiến tranh chống Mỹ.

Họa sĩ Phạm Hồng giới thiệu tác phẩm ký họa với học sinh Trường THCS Nguyễn Văn Linh

Ở tuổi 80 tuổi, họa sĩ - nhà điêu khắc Phạm Hồng với mái tóc bạc trắng vẫn rất minh mẫn và đầy cảm xúc khi chạm đến ký ức về một thời chiến đấu và “tung bút” trong mưa bom bão đạn. Ông kể, năm 1965, khi tốt nghiệp loại giỏi Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội, được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài nhưng ông từ chối, xin được vào miền Nam công tác. Đến cuối năm 1967, ông tình nguyện đi thực tế chiến trường, công tác ở Tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn Khu ủy V. Hành trang mà chàng trai trẻ ngày ấy mang theo là giấy vẽ, bột màu, cọ... và lòng căm thù giặc.
Gần 10 năm công tác tại chiến trường khu V (1967-1976), họa sĩ Hồng đã xuống cơ sở cùng các đơn vị bộ đội, gặp gỡ bà con nhân dân để ký họa những cảnh người dân sản xuất, cảnh chiến đấu, những cuộc đấu tranh chính trị, cảnh chị em du kích và dân quân hành quân xuống vùng ven chiến đấu… “Trong những bức ký họa của tôi có những nhân vật anh hùng, những người dân quả cảm, những ông bố bà mẹ đào hầm nuôi giấu cán bộ… Họ hy sinh tất cả để giành độc lập, hòa bình”, ông Hồng kể.

Tác phẩm “Tổ chốt tại trung tâm Tiên Phước”, họa sĩ Phạm Hồng vẽ năm 1972

NGỌC HÂN

Trong chuyến công tác năm 1972, ông Hồng bị trúng mìn của địch, hàng chục mảnh găm vào tay, chân... Đến năm 1973, địch trút bom đạn xuống các vùng trung du tỉnh Quảng Nam. Lúc đó, ông cùng du kích địa phương đánh địch chống lấn chiếm, tham gia tải đạn gùi gạo và tất nhiên không quên ký họa các gương điển hình trong chiến đấu. Nhiều tác phẩm được ông sáng tác và triển lãm ngay dưới làn đạn của quân thù để khích lệ tinh thần chiến đấu. “Ký họa chiến trường được tôi vẽ khá nhanh, đến giờ tôi cũng không biết lúc đó sao tôi lại vẽ nhanh đến thế. Tôi muốn tri ân cho những bà mẹ, những chị em du kích đã anh dũng hy sinh. Đau đớn hơn, nhiều nhân vật trong tác phẩm của tôi không còn mấy người sống sót”, họa sĩ Phạm Hồng xúc động.

Thêm hình thức dạy môn lịch sử

Dịp 30.4 năm nay, tại TrườngTHCS Nguyễn Văn Linh (H.Hòa Vang), Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã mở triển lãm “Ký họa chiến trường khu V”. Hơn 40 bức ký họa của họa sĩ Phạm Hồng cùng đồng đội tại chiến trường khu V ngày ấy được trưng bày tại đây, mang đến góc nhìn chân thật hơn về một thời chiến đấu anh dũng vào khuôn viên nhà trường. Họa sĩ Phạm Hồng hy vọng các tác phẩm của mình và đồng nghiệp sẽ là cơ sở để tuyên truyền, giáo dục lịch sử cho học sinh. Những bức ký họa chân thật sẽ trở thành “nhân chứng” để thế hệ trẻ hiểu hơn về sự khốc liệt của chiến tranh.

Học sinh say mê với những bức ký họa được vẽ tại chiến trường

NGỌC HÂN

Ngắm những bức họa từng được vẽ dưới mưa bom bão đạn, em Nguyễn Thị Tường Vy (học sinh lớp 9/1 trường THCS Nguyễn Văn Linh) cho biết cho đến khi xem những tác phẩm này và nghe kể câu chuyện hy sinh xương máu trên chiến trường năm xưa, em mới hiểu hết về sự khốc liệt của chiến tranh và thêm yêu quê hương. “Chúng em tự dặn lòng sẽ ý thức hơn, phải gắng học tập”, Tường Vy nói.
Cô Trương Thị Thảo Nguyên, giáo viên môn lịch sử (Trường THCS Nguyễn Văn Linh) cho hay sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo nhà trường để có thêm nhiều hình thức dạy môn lịch sử. “Từ đó, giúp các em có thêm sự hứng thú, yêu thích môn học và hiểu thật rõ về lịch sử dân tộc ”, cô giáo Nguyên nói.
Ông Phan Hữu Dũng, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Hòa Vang, nhìn nhận sự kiện triển lãm ký họa rất bổ ích, tạo hình ảnh trực quan sinh động để học sinh trang bị thêm kiến thức. “Trong thời gian tới, Phòng GD-ĐT H.Hòa Vang sẽ tăng cường phối hợp các đơn vị thực hiện thêm các hoạt động ngoại khóa về lịch sử nói chung và lịch sử địa phương nói riêng, để học sinh có nhiều cách học lịch sử hay hơn và thú vị hơn”, ông Dũng nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.