Khi đó, tâm hồn trẻ thơ giàu tưởng tượng, trong đêm tối dưới ánh sáng tù mù của ngọn đèn dầu, tôi mơ đến một thành phố vui tươi, sặc sỡ sắc màu. Trước ngưỡng cửa vào đại học, tôi muốn học làm cô giáo, tại ngôi trường lớn của Sài Gòn, để được sống ở thành phố của ước mơ xưa. Nhưng kỳ thi đó tôi không đủ điểm đậu, đành chuyển về học gần nhà.
Tuy vậy, ước mơ vẫn còn ấp ủ. Sau khi rời giảng đường, tôi lại tiếp tục đăng ký thi tuyển sau đại học vào chính ngôi trường mình đã trượt. Thần may mắn lần này mở cửa cho tôi. Chính quãng thời gian học tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đã lưu giữ cho tôi tình yêu vô bờ bến đối với thành phố này, nhưng không phải chỉ bởi sự phồn hoa bậc nhất của thành phố phương Nam, mà chính từ tình người nồng ấm.
|
Người đầu tiên mà tôi mang nặng ân nghĩa, vẫn đang sinh sống tại thành phố mang tên Bác, chính là thầy tôi, Thầy Trịnh Sâm – nguyên Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Khởi nguồn dẫn đến kỷ niệm đẹp của tình thầy trò chính là việc tôi mang thai trong quá trình học. Ngày thi môn cuối cùng của chương trình học trùng với ngày tôi dự sanh. Trong tâm trạng của người phụ nữ trước lúc sinh nở, cộng thêm lo lắng chuyện thi cử, tôi gọi điện thoại cho thầy để trình bày hoàn cảnh khó khăn, xin được xem xét dời thi với lớp sau. Mãi đến bây giờ, khi đứa con gái trong bụng tôi năm đó nay đã lên lớp 3, hơn 8 năm rồi, mỗi lần nhớ về thầy, tôi vẫn nhớ như in lời thầy nói: “Đứa con là tác phẩm cuộc đời, có ý nghĩa quan trọng hơn cả, em cứ an tâm sinh nở. Chuyện thi cử tính sau”.
Nhờ có những lời động viên của thầy mà tôi an tâm vượt cạn. Thầy Trịnh Sâm cũng chính là người hướng dẫn tôi thực hiện luận văn thạc sĩ ngôn ngữ học. Trong quá trình làm luận văn, biết tôi ở xa, lại phải tranh thủ nghỉ việc ở cơ quan, từ Cần Thơ lên xuống gặp thầy nên đều đặn mỗi tuần thầy dành trọn 1 buổi gặp tôi, hướng dẫn chỉnh sửa ý tứ, bố cục, từng câu, từng đoạn. Tôi cứ ái ngại sợ làm phiền thầy, vì nghĩ bụng, thầy với học hàm phó giáo sư, là Trưởng khoa, vừa làm công tác quản lý, vừa giảng dạy, thời gian là vàng bạc, vậy mà thầy dành thời gian, nhọc công vì đứa học trò miền quê như mình. Thế nên, mỗi lần đến nhà thầy, biết bà xã của thầy người miền Tây, ở Vĩnh Long, nên trên đường xe ghé trạm dừng chân, tôi hay mua quà quê lên biếu cô thầy ăn lấy thảo. Lần nào cũng vậy, cô và thầy đều rầy tôi bày đặt. Nhắc đến thầy, nhất là những học trò được thầy hướng dẫn luận văn, đều nhớ đến sự tận tình chỉ dạy của một tấm lòng thanh cao. Một chị bạn cùng khóa kể, bữa nọ, chị đến nhà thầy trình đề cương luận văn, có kẹp trong đó một phong bì tiền. Trước khi chị ra về, thầy phát hiện được, nổi giận ném đề cương cùng xấp tiền ra hành lang và nghiêm giọng mắng, nếu còn làm vậy nữa thì nghỉ luôn chứ đừng gặp lại thầy. Chị biết lỗi, xin lỗi thầy rối rít. Sau quá trình thầy hướng dẫn luận văn, cả chị và tôi, đều đạt kết quả cao.
Thời gian qua đi, tôi không còn nhớ rõ nhân diện nhưng vẫn nhớ rõ tình cảm thân tình của cô Trưởng trạm y tế phường 3 ở quận 5. Có lần tôi mang con lên thành phố, đến ngày phải tiêm ngừa các bệnh thường gặp cho trẻ, tôi ẵm con đến trạm y tế phường, kể hoàn cảnh của mình với cô. Cô trưởng trạm đã linh hoạt giúp đỡ mẹ con tôi tận tình, cho bé được tiêm ngừa tại trạm, còn gọi điện thoại hỏi thăm sau mỗi lần tiêm. Ở thành phố ấy, còn có chị bạn, chuyên gom nhặt các chú chó, mèo bị bỏ rơi đem về nhà nuôi. Hai mẹ con chị chăm các “cô cậu chó mèo” như đối với những đứa con bé bỏng. Và ở thành phố ấy, có những người bạn tôi bén duyên với đất, với người Sài thành, phải lòng thương nên không muốn rời xa.
Tôi thì đang sinh sống ở thành phố khác, nhưng nhớ về Sài Gòn – TP. HCM – TP mang tên Bác, trong tôi luôn trỗi lòng thương, về một thành phố xinh đẹp, phát triển và nghĩa tình, nhất là tình người nồng ấm.
|
Bình luận (0)