Ngôi nhà của tình yêu
Bên con dốc ven QL14E, qua khỏi cổng chào của H.Hiệp Đức có một tấm bảng đã cũ, cố gắng lắm mới đọc rõ những dòng chữ “Trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức, khối phố An Đông, thị trấn Tân An...”. Chạy xe khắp thị trấn, dừng lại hỏi nhiều người, chúng tôi mới tìm thấy nơi mình cần đến.
Bác sĩ Trương Văn Huy, Trưởng khoa Đông y ở Bệnh viện Vĩnh Đức, từng nhiều năm tâm huyết lập một trung tâm dưỡng lão ở thị xã đồng bằng Điện Bàn, nhưng vẫn chưa tìm ra vị trí và mô hình ưng ý. Khi biết ở vùng trung du Hiệp Đức lại tồn tại một trung tâm như vậy đã hơn chục năm nay, anh liền rủ tôi đến thăm.
|
Đó là những dãy nhà cấp 4 quần tụ trên một khu đồi rộng nửa héc ta trông khá ngăn nắp, được bố trí xen kẽ với các mảnh vườn nhỏ trồng rau xanh. Nhà tứ giác làm nơi nghỉ ngơi và nhiều cây cảnh đẹp. Ngoài căn phòng bên ngoài để làm việc và tiếp khách, có nhà bếp, phòng ăn, các khu phòng ở riêng biệt cho nam và nữ. Mỗi căn phòng rộng khoảng 15 - 20 m2, có nhà vệ sinh riêng. Giường sắt hoặc inox có giá treo mùng, chiếu trải thẳng thớm...
Khi chúng tôi đến, trung tâm đang nuôi dưỡng 36 cụ già từ 68 đến 103 tuổi. Họ là những người neo đơn không nơi nương tựa, đến từ Hà Giang, Hà Nội, Quảng Bình, Khánh Hòa và cả những người ở địa phương. Có đến 13 người nằm tại chỗ, 6 người bệnh thần kinh, 3 người mù lòa, chỉ 11 người có khả năng tự phục vụ... Anh Nguyễn Hùng Sơn (nhân viên trung tâm) đưa tôi đi thăm các phòng, gặp các cụ già.
Cụ bà tên Hiền, 103 tuổi, quê Khánh Hòa, nằm co trên chiếc giường, đã lẫn, ăn uống vệ sinh phải có người giúp. Cụ bà Giang Thị Rúc, người địa phương vừa nhận quà và giấy mừng thọ 99 tuổi, đang ngủ say. Anh Sơn bảo đây là 2 cụ mà đến bữa các nhân viên phải đút cơm. Trong dãy nhà cấp 4 do các nhà hảo tâm ở Đà Nẵng và Quảng Nam giúp xây dựng mấy năm trước, các cụ không nói được gì, nhưng khuôn mặt họ có vẻ hài lòng. Ở các phòng gần đó, mấy cụ bà khác thấy chúng tôi đều hỏi chào vui vẻ.
|
Cụ Phạm Ngọc Sơn, 78 tuổi, quê ở xã Cảnh Dương, H.Quảng Trạch, Quảng Bình, vợ mất, con cái ở đảo Phú Quốc cũng nghèo túng, đi làm thuê, ở nhà trọ. Mấy năm trước, cụ từng vào thăm con nhưng thấy chúng cũng quá khó khăn nên về lại, “coi như không còn nơi nương tựa”. Nghe tin có trung tâm dưỡng lão, năm 2014, cụ tìm vào xin ở. Cụ còn đi lại sinh hoạt được nên thường phụ giúp trung tâm sửa vườn tược, trồng rau xanh. Ngày ăn ba bữa, sáng mì gói, trưa chiều cơm có cá thịt, tối xem ti vi nghe đài..., cũng khuây khỏa. “Các con không biết tôi ở đây. Nhưng tôi cũng thấy ri là vui vẻ lắm rồi!”, cụ nói.
Cả trung tâm ngoài một giám đốc kiêm chủ đầu tư còn có 6 nhân viên, 4 lao động thời vụ. Trong khu nhà bếp và phòng ăn, tôi gặp chị Nguyễn Thị Minh Hồng, một tiểu thương thuộc CLB dưỡng sinh TT.Tân An. Chị Hồng và các bạn mỗi tháng 2 lần vào mùng 2 và 16 đều mua sắm, nấu nướng và mang thức ăn vào trung tâm giúp các cụ, với sự đồng hành của chồng con. Chị Hồng tiết lộ, giám đốc là bà Trịnh Thị Lời, 62 tuổi, bị ung thư tụy mấy năm nay, nên ai cũng yêu thương và cùng chung tay để lo cho các cụ già.
Giám đốc mồ côi
Tôi tìm gặp bà Lời. Trông bà gầy hơn trong tấm ảnh treo ở phòng làm việc. Bà nói đó là hậu quả của hơn một năm hóa trị tại bệnh viện Huế. Bà kể: “Ba tôi bị tù đày tra tấn, bị đổ xà phòng vào dạ dày rồi bị ung thư khi ra tù. Mẹ tôi bị đột tử khi mới 36 tuổi, để lại 5 đứa con lúc tôi mới 5 tuổi, họ hàng mỗi nhà giúp nuôi một đứa. Từ Thăng Bình, tôi được gửi vô Tam Kỳ ở với dì và được đi học. Năm 1975 tôi đang học nữ trung học Quảng Tín, lần đầu tiên được người ta tặng cho chiếc xe đạp, tôi khóc vì cảm động và tự hứa sau này phải làm được điều gì đó để giúp đỡ lại người khác. Tôi xin đi học khóa sư phạm cấp tốc để đi dạy tiểu học và đỡ gánh nặng cho gia đình dì nuôi, sau đó được đưa đi học sư phạm tiểu học ở Đà Nẵng, tiếp tục về trường cấp 1 Bình Tú rồi về trường cấp 1 - 2 Phù Đổng...”.
Sự nghiệp dạy học và dạy ở nông thôn đã giúp cô giáo Lời tiếp xúc được nhiều học sinh nghèo khó và thôi thúc cô thực hiện giấc mơ của mình. Chồng cô cũng là giáo viên. Năm 1990, chồng cô xin nghỉ dạy để ra làm xây dựng. Rồi cô giáo cũng xin nghỉ dạy để chăm sóc các con. Khi đời sống kinh tế gia đình tạm ổn thì giấc mơ từ thời trẻ lại cứ thôi thúc. Đầu năm 2007, bà bàn với chồng bán căn nhà ở TT.Hà Lam (Thăng Bình) được 1 tỉ đồng và lập dự án làm Trung tâm dưỡng lão và dạy nghề cho thiếu nhi khuyết tật ở Thăng Bình. Sau bao nhiêu lần trình bày dự án, trả lời phản biện, chứng minh tài sản vẫn không qua được các bước thủ tục nhiêu khê... Trong lúc đang nản chí, UBND H.Hiệp Đức cử người xuống mời gọi.
Bà Lời mang hồ sơ vượt mấy chục cây số lên Tân An trình bày, ra các cuộc họp của UBND huyện để trả lời nhiều câu hỏi chất vấn. Cuối cùng, huyện đồng ý phê duyệt dự án, lập hồ sơ cấp đất đứng tên Trịnh Thị Lời. Đến đây, bà đã khiến lãnh đạo địa phương “ngã ngửa” khi quyết xin không đứng tên trong sổ đỏ, mà xin ghi chủ đất với pháp nhân “Trung tâm dưỡng lão và dạy nghề”. “Lỡ mai mốt tôi không làm thì đất vẫn là của chung, người thay thế sẽ tiếp tục phát triển trung tâm này”, bà nói.
Đầu năm 2008, trung tâm đi vào hoạt động với 2 lớp dạy nghề thợ may, cắt tóc và lớp dạy chữ nổi cho trẻ em mù. Dãy nhà A cho các cụ già neo đơn bắt đầu tiếp nhận các “khách hàng” đầu tiên là công dân trong huyện... Giám đốc Lời kể lại: “Giờ chúng tôi không dạy nghề cho trẻ khuyết tật nữa. Những em ngày ấy giờ đã có việc làm, lập gia đình và họ thường quay về trung tâm như trở về nhà với lòng biết ơn”.
“Yêu thương còn mãi”
Chúng tôi đi quanh Trung tâm dưỡng lão Hiệp Đức và bần thần nhận ra ở phía ngoài cùng của trung tâm, bên cạnh mảng tường có ghi dòng chữ trắng “Yêu thương trao đi là yêu thương còn mãi” là ngôi nhà lợp ngói 3 gian như một nhà thờ. Gian giữa có bàn thờ chính, thờ Phật. Phía sau và cả hai gian bên là bàn thờ chung, bài vị, lư hương và 32 di ảnh của các cụ già. Anh bạn Nguyễn Hùng Sơn đi bên cạnh tôi kể: “Đây là các cụ già neo đơn từng ở trung tâm này và đã qua đời. Khi các cụ mất, chúng tôi tổ chức tang lễ và chôn cất họ trong khu vực dành riêng ở nghĩa trang nhân dân của thị trấn. Và tất cả được thờ ở đây”.
Phải rất lâu tôi mới dám hỏi bà Lời về bệnh tật. Bà tỏ ra rất bình thản, kể mình bị ung thư tụy đã hơn 1 năm. Lúc đầu bà cũng rất bi quan và lo sợ ước mơ của mình dang dở. Bà vô TP.HCM điều trị hết 6 tháng, sau đó vì quá tốn kém nên các bác sĩ tư vấn về TP.Huế để tiếp tục. Cứ nửa tháng ra Huế xạ trị 1 lần, đã 12 lần như thế. Đến tháng 5 tới sẽ lại ra kiểm tra sau 3 tháng hồi phục...
Lần đầu tiên tôi thấy bà khóc. Khóc và nói trong nước mắt: “Có lẽ phép mầu anh ạ! Tuy tinh thần tôi rất lạc quan, nhưng tôi tin đã có phép mầu. Mọi người đều nói bị bệnh này cứ 100 ca thì có đến 99 ca không qua khỏi. Vậy mà tôi lại thuộc cái 1% đó... Cách đây mấy tháng, khi tôi trở về báo tin cho nhân viên và các cụ là bệnh mình đã khỏi, các cụ đã ôm chầm lấy tôi và khóc ré lên. Cả trung tâm, phòng nào cũng khóc theo. Có cụ nói: Con ơi đừng chết, đừng bỏ mẹ bơ vơ thêm lần nữa nghe con…!”.
Trong những tháng điều trị bệnh, chồng bà cũng bỏ bê cả việc làm ăn ở công ty cây xanh mà ông làm giám đốc mấy năm nay. Bà kể, ngoài số tiền 1 tỉ đồng bán nhà từ năm 2007 để xây dựng cơ sở ban đầu, thu nhập của chồng cũng đóng góp vào đây mỗi tháng vài chục triệu đồng để trả lương cho anh chị em giúp việc và chủ động lương thực cho các cụ.
Bà nói với tôi: “Nhiều nhà hảo tâm cũng nghe tin và tìm đến. Có đơn vị giúp xây dựng thêm phòng ở, mái bạt che nắng mưa trước nhà ở và giúp thêm thịt cá, mắm, dầu để tăng cường chất lượng bữa ăn cho các cụ. Chính quý mạnh thường quân ở khắp nơi là một nguồn động viên lớn để duy trì hoạt động tại đây. Cái đó tôi nghĩ cũng nhờ trời. Cũng như những quà tặng cho đứa bé mồ côi cha mẹ từ lúc 5 tuổi đã giúp tôi trưởng thành như ngày nay. Có lẽ tình yêu thương ấy sẽ còn mãi thôi”.
Bình luận (0)