Không đa dạng sắc màu trong từng họa tiết, không phức tạp trong các thao tác, dệt zèng A Lưới của người Tà Ôi (huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên-Huế) mang nét đẹp giản đơn, mộc mạc như chính con người nơi đây.
Những nghệ nhân dệt zèng A Lưới - Ảnh: Tuyết Khoa
|
Học nghề truyền thống
Zèng là tên gọi thổ cẩm của người Tà Ôi. Dệt zèng có từ xa xưa, được truyền từ đời này sang đời khác. Zèng được dệt từ sợi bông, vừa mát vừa bền. Ngày xưa, đối với người phụ nữ Tà Ôi, dệt zèng không chỉ phục vụ cuộc sống mà còn là chuẩn mực để đánh giá một người phụ nữ khéo léo, đảm đang… Theo bà Mai Thi Hợp, Tổ trưởng tổ dệt zèng A Lưới, những bức zèng mang vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng với hoa văn mô phỏng những con suối, con dốc, cây cỏ và cả những loài chim rừng đang cất tiếng hót…Zèng A Lưới có trên 70 hoa văn khác nhau, gồm ba loại hình chủ yếu là hình tam giác, hình thoi và hình đường thẳng với phức hệ hoa văn về thực vật, động vật, đồ vật, con người và thế giới xung quanh. Ngoài thời gian lên rẫy, phụ nữ thường ngồi bên khung cửi dệt vải may áo cho chồng cho con. Chiếc khung cửi với những thanh gỗ được đan xen gọn gàng với nhau, tháo ra lắp vào linh động. Mỗi bộ phận của khung cửi thực hiện một chức năng riêng biệt nhưng lại phối hợp rất nhịp nhàng với nhau. Với bàn tay khéo léo của người thợ dệt, khung cửi đơn sơ có thể dệt trên 10 loại zèng khác nhau với các tên gọi aratang, atoang, pahiêng, vivat… Mỗi loại có một đặc điểm khác nhau, nếu như aratang hấp dẫn bởi hình ảnh đầy hình tượng của nhưng viên cườm nhỏ xíu được xâu vào vải khi đang dệt thì vivat giản dị với hình dáng của những ngọn núi trùng điệp ẩn hiện trong từng sợi chỉ…
Thế nhưng, những năm gần đây, do nhu cầu giảm nên nghề dệt zèng đang dần mai một. Trong những năm qua, Sở VH-TT-DL Thừa Thiên-Huế phối hợp với H.A Lưới thực hiện các dự án khôi phục nghề này. Bà Hợp là một người tâm huyết với nghề dệt zèng, đã có nhiều đóng góp cho việc phát triển nghề dệt zèng của địa phương. “Năm 2004, được sự hỗ trợ của chính quyền, tôi và 5 người khác thành lập tổ hợp dệt zèng để phát triển nghề dệt vốn chỉ tự cung tự cấp mấy trăm năm nay. Dệt zèng là nghề truyền thống của người Tà Ôi, nó như là một báu vật của cộng đồng dân tộc Tà Ôi. Tuy nhiên, muốn mở rộng ra cộng đồng thì phải dạy nghề cho các chị em dân Pa Hy, Pa Kô, C’tu…để mọi người mới biết đến zèng nhiều hơn. Việc này khiến nhiều người trong cộng đồng phản đối. Tuy vậy, cuối cùng, dân bản cũng đồng thuận mở lớp dạy dệt zèng cho chị em các bản khác. Nay, tổ hợp đã trên 40 chị em”, bà Hợp chia sẻ.
Giấc mơ về phố
Trong dịp Festival nghề truyền thống Huế 2013, các nghệ nhân dệt zèng A Lưới lần đầu tiên mang khung cửi xuống phố. Tại công viên Tứ Tượng (TP.Huế), gian hàng zèng A Lưới thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước. Các nghệ nhân trong trang phục truyền thống ngồi chăm chỉ dệt zèng. Đôi bàn tay thô ráp bởi quanh năm làm nương rẫy trở nên thoăn thoắt, khéo léo chèn cườm kết hợp với sự phối hợp màu sắc trên nền vải một cách hài hòa. Chèn cườm là một trong nhưng nét độc đáo của zèng A Lưới, là một công đoạn phức tạp đòi hỏi tay nghề cao mới thực hiện được. Màu đen của vải làm nổi bật những hạt cườm cùng sự đan xen của những sợi vải màu xanh, đỏ, vàng. Cũng trong dịp này, lần đầu tiên zèng A Lưới lên sân khấu thời trang qua bộ sưu tập “Sự biến đổi kỳ diệu” của nhà thiết kế Minh Hạnh. Lấy cảm hứng từ những tấm zèng mộc mạc, từng bộ trang phục của Minh Hạnh gây ấn tượng mạnh với người xem. Các người mẫu trong trang phục được làm từ chất liệu zèng trở nên đẹp lạ, dung dị nhưng đầy tính nghệ thuật và phong cách độc đáo.
Chị Rapat Thị Nhàn, một nghệ nhân dệt zèng cho biết: “Từ trước đến nay, zèng chỉ ở trên núi thôi. Thời gian sau này, chị em tổ chức dệt zèng để bán kiếm tiền thì zèng mới có dịp đi đến một số nơi như Quảng Trị, Quảng Nam... Ngoài zèng để may quần áo thì còn có những sản phẩm như ví, túi xách, thảm. Trung bình một tấm zèng được bán từ 300 ngàn đồng - 1,5 triệu đồng. Ngoài đi rẫy thì mỗi tháng một phụ nữ cùng kiếm thêm khoảng 2 triệu đồng để trang trải cuộc sống…”.
Bình luận (0)