'Giá vàng còn tăng nóng, chênh lệch có thể lên 20 triệu đồng/lượng'

04/05/2024 19:16 GMT+7

Nhiều chuyên gia dự báo, nếu tình trạng cung vàng miếng SJC không đủ cầu vẫn tiếp diễn, giá vàng trong nước sẽ còn tăng 'nóng'. Chênh lệch giá vàng SJC với giá thế giới có thể quay trở lại mức 18 - 20 triệu đồng/lượng.

Thất bại tăng cung qua đấu thầu vàng

Trái ngược với kỳ vọng ban đầu là tiến hành đấu thầu vàng SJC nhằm bình ổn thị trường, kéo giảm chênh lệch giá vàng SJC trong nước với giá vàng thế giới, sau 4 phiên đấu thầu vàng vừa qua của Ngân hàng Nhà nước (3 phiên bị hủy bỏ và 1 phiên ế vàng - PV), giá vàng trong nước liên tục tăng cao.

Nếu tình trạng cung vàng miếng SJC không đủ cầu vẫn tiếp diễn, giá vàng trong nước sẽ còn tăng 'nóng'

Nếu tình trạng cung vàng miếng SJC không đủ cầu vẫn tiếp diễn, giá vàng trong nước sẽ còn tăng "nóng"

ĐT

Thậm chí, những ngày gần đây, giá vàng SJC còn lập đỉnh mới bất chấp giá vàng thế giới có lúc giảm hoặc đi ngang.

Các phiên đấu thầu vàng vừa qua có tới 3/4 phiên phải hủy, theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, điều đó cho thấy mục đích tăng cung vàng ra thị trường của cơ quan quản lý đã thất bại.

Mấu chốt là bởi lượng tối thiểu một đơn vị dự thầu phải đặt mua lên tới 1.400 lượng vàng. "Ôm" lượng vàng lớn như vậy trong bối cảnh giá vàng thế giới có nhiều biến động sẽ khiến các doanh nghiệp trong nước đối mặt rủi ro quá lớn.

Thủ tướng chỉ đạo thực hiện ngay thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng

Trao đổi với Thanh Niên, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh nhìn nhận, tình hình 4 phiên đấu thầu vàng vừa qua cho thấy sự can thiệp của Ngân hàng Nhà nước vào thị trường vàng chưa thành công.

Lấy ví dụ ngay phiên đấu thầu mới nhất diễn ra ngày 3.5, ông Khánh cho rằng, giá đấu thầu cao khiến các đơn vị tham gia khó mua nổi. Thời gian đấu thầu diễn ra vào thứ sáu, đầu tuần sau các đơn vị mới được lấy hàng sẽ khiến rủi ro càng lớn với đơn vị trúng thầu. Đó là lý do khiến các đơn vị không dám bỏ ra tới hơn 100 tỉ đồng (số tiền mua tối thiểu 1.400 lượng vàng - PV) để "ôm" vàng.

Năm nay, Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần thông báo lịch đấu thầu vàng miếng SJC vào các ngày 22.4, 23.4, 25.4 và 3.5; mỗi lần đều đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng SJC. Phiên đấu thầu ngày 23.4 khá ế ẩm khi chỉ 2 thành viên trúng thầu 3.400 lượng vàng.

Trong khi đó, các phiên đấu thầu còn lại đều bị hủy. Phiên đấu thầu ngày 22.4 bị hủy bởi không đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc. Hai phiên đấu thầu còn lại bị hủy bởi cùng lý do là chỉ có 1 đơn vị nộp phiếu dự thầu.

Chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu phân tích, cả 4 phiên đấu thầu vàng, hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đều không mặn mà.

Thông thường, các đơn vị sẽ kỳ vọng có thể mua lượng vàng hợp lý, giá hấp dẫn để bán ra có lời. Tuy nhiên, với mức yêu cầu phải mua tối thiểu 1.400 lượng vàng, rủi ro sẽ rất lớn. Nếu có trúng thầu, thời gian nhận vàng, bán vàng sẽ kéo dài, trong khi giá vàng thế giới biến động khó lường.

Chênh lệch giá vàng có thể trở lại 18 - 20 triệu đồng/lượng

Bày tỏ lo ngại mục tiêu Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước có giải pháp thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng SJC trong nước với giá vàng thế giới không đạt được, ông Long nhấn mạnh: "Đây là điều vô cùng phi lý, cần có câu trả lời từ phía Ngân hàng Nhà nước".

Trong khi đó, ông Hiếu dự báo, với mức lợi nhuận dao động khoảng 10%, thời gian tới, vàng vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn. Không chỉ vì lợi nhuận, nhiều nhà đầu tư chọn vàng bởi đây là kênh trú ẩn an toàn, thanh khoản cao; đặc biệt trong bối cảnh chứng khoán vẫn nhiều biến động thất thường, bất động sản xập xình, lãi suất tiền gửi thấp…

"Giá vàng sẽ còn tăng rất nóng thời gian tới nếu sự can thiệp của cơ quan quản lý không giải quyết được nguồn cung vàng; đồng thời, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng chưa được sửa đổi", ông Hiếu nói.

Ông Khánh cũng đưa ra nhận định: "Thời gian tới, nếu Ngân hàng Nhà nước không thay đổi, điều chỉnh quy định trong đấu thầu vàng, cụ thể là về giá và lượng mua tối thiểu thì tình trạng cung vàng miếng SJC không đủ cầu sẽ tiếp diễn. Khi đó, chênh lệch giữa giá vàng SJC và giá vàng quốc tế sẽ tăng trở lại mức 18 - 20 triệu đồng/lượng như trước đây".

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhiều lần trao đổi với Thanh Niên đều nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu đặt mua tối thiểu 1.400 lượng vàng là quá khó, rủi ro cao. Để các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng mặn mà hơn với đấu thầu vàng, Ngân hàng Nhà nước cần xem xét sửa đổi điều kiện yêu cầu mua tối thiểu còn khoảng 400 - 500 lượng vàng…

Sáng 4.5, giá vàng trong nước tăng nhẹ. Vàng miếng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) được mua vào và bán ra lần lượt ở mức giá 83,5 triệu đồng/lượng và 85,9 triệu đồng/lượng, cao nhất trong lịch sử. 

So với cuối ngày hôm qua 3.5, vàng SJC giữ nguyên giá mua vào nhưng tăng 100.000 đồng/lượng ở chiều bán ra.

Trong khi đó, giá vàng thế giới đi ngang phiên cuối tuần ở mức 2.302,2 USD/ounce. Hiện mỗi lượng vàng miếng SJC đắt hơn thế giới 14,5 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn cùng thương hiệu cao hơn 4,15 triệu đồng/lượng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.