Sáng 21.4, giá vàng trong nước ghi nhận một tuần gia tăng. Cụ thể, vàng miếng được Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 82 triệu đồng/lượng và bán ra 84 triệu đồng. So với cuối tuần trước, mỗi lượng vàng miếng SJC tăng 1,4 triệu đồng ở chiều mua vào và tăng 900.000 đồng ở chiều bán ra. Mức tăng không đều nói trên khiến chênh lệch giữa giá mua và bán vàng miếng SJC giảm còn 2 triệu đồng/lượng thay vì 2,5 triệu đồng như tuần trước.
Tương tự, vàng nhẫn 4 số 9 được SJC mua vào 74,6 triệu đồng và bán ra 76,7 triệu đồng, tăng 300.000 đồng ở chiều mua vào và tăng 500.000 đồng ở chiều bán ra. Điều này đẩy chênh lệch giá mua và bán vàng nhẫn SJC tăng vọt lên 2,1 triệu đồng thay vì chỉ ở mức 1,9 triệu đồng như cuối tuần trước. Đáng chú ý là chênh lệch mua bán vàng nhẫn của SJC cũng vượt mặt chênh lệch mua bán của vàng miếng cùng thương hiệu.
Công ty Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) mua vàng nhẫn là 75,36 triệu đồng và bán ra 77,06 triệu đồng, tăng gần 1 triệu đồng sau một tuần. Tập đoàn Doji mua vàng nhẫn với giá 75,55 triệu đồng và bán ra 77,35 triệu đồng, cao hơn 1,2 triệu đồng so với cuối tuần trước và đây cũng là mức giá bán ra cao nhất trên thị trường. Chênh lệch giá mua và bán vàng nhẫn tại Doji hiện ở mức 1,8 triệu đồng/lượng...
Giá đấu thầu vàng có thể quanh mức 82,5 triệu đồng/lượng?
Giá vàng thế giới đứng ở mức 2.392,2 USD/ounce, tăng gần 50 USD so với cuối tuần trước. Vàng miếng SJC hiện đắt hơn thế giới 10,5 triệu đồng trong khi vàng nhẫn cùng thương hiệu cao hơn 3,2 triệu đồng/lượng.
Kim loại quý thế giới đã ghi nhận tuần thứ 5 tăng liên tiếp. Tình hình xung đột tại Trung Đông đang leo thang được xem là nguyên nhân chính thúc đẩy giá vàng đi lên. Nhiều nhà đầu tư lớn vẫn lựa chọn vàng là tài sản an toàn để trú ẩn. Nhu cầu về vàng tăng cao trên thị trường quốc tế thời gian qua bất chấp việc nhiều quan chức Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cho rằng nên duy trì lãi suất cao thêm một thời gian...
Bình luận (0)