Chiến lược phát triển đại học ưu tú

11/09/2019 21:09 GMT+7

Trong bối cảnh toàn cầu hóa thì các trường đại học đóng vai trò then chốt cho sự hội nhập và phát triển của quốc gia. Một quốc gia có nhiều trường đại học ưu tú đẳng cấp thế giới (đại học ưu tú) không chỉ chứng tỏ sự tiến bộ về khoa học công nghệ mà còn khẳng định sự vượt trội về mặt trí tuệ của dân tộc đó.

Vì thế, việc đầu tư xây dựng các trường đại học ưu tú, nhất là đối với các nước đang phát triển là cần thiết hơn bao giờ hết.
Trong giai đoạn vừa qua, thế giới chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của các quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế tri thức với nhân lực là điểm tựa và khoa học công nghệ là đòn bẩy. Một trong những nguyên nhân thúc đẩy cho sự phát triển vượt bậc này chính là chiến lược đầu tư phát triển giáo dục đại học. Điều này gợi mở nhiều vấn đề cho giáo đại học  Việt Nam

Nhận diện thông qua bảng xếp hạng quốc tế

Theo Philip G. Altbach (ĐH Boston, Mỹ), một trường đại học  ưu tú là trường có hoạt động nghiên cứu khoa học xuất sắc, sở hữu các giáo sư hàng đầu, có môi trường học thuật tự do, khơi gợi được sự phấn khích trong việc sáng tạo tri thức mới, sở hữu mô hình quản trị hiệu quả, có đầy đủ cơ sở vật chất và các quỹ tài chính hùng hậu. Jamil Salmi (cựu chuyên gia cao cấp của ngân hàng thế giới), cho rằng đại học ưu tú là nơi tập trung cao độ của các tài năng (giảng viên và sinh viên), có nguồn tài nguyên dồi dào cho môi trường học tập và nghiên cứu, đặt trong một hệ thống quản trị hiệu quả. Cũng theo tác giả này, các quốc gia có thể xây dựng đại học ưu tú theo 3 cách, bao gồm: nâng cấp trường  đại học hiện hữu; sát nhập một số trường đại học ; và thành lập một trường đại học mới. Mỗi cách tiếp cận có những ưu và khuyết điểm.
Tuy có sự khác biệt trong cách diễn đạt về đại học ưu tú nhưng hầu hết các tác giả đều đồng thuận về cách nhận diện đại học ưu tú thông qua vị trí trên các bảng xếp hạng quốc tế. Không chỉ vậy, vị trí trên bảng xếp hạng còn được các quốc gia sử dụng để ưu tiên đầu tư xây dựng; để sinh viên lựa chọn trường; để các nhà khoa học lựa chọn nơi làm việc; để đối tác thiết lập quan hệ. Có 3 bảng xếp hạng chính được các quốc gia ưu tiên lựa chọn: QS, THE của Vương quốc Anh và ARWU của trường ĐH Giao thông Thượng Hải, Trung Quốc.

Ưu tiên cấp ngân sách nhóm các trường chọn lọc

Nhận thức được tầm quan trọng của các đại học  ưu tú, giá trị của bảng xếp hạng, nhiều quốc gia đã xây dựng và ban hành chiến lược xây dựng và phát triển các đại học ưu tú, hướng đến có vị trí cao trong các bảng xếp hạng.
 
 
Như trong bảng 1, có thể khẳng định rằng cả 4 quốc gia và vùng lãnh thổ đều có chiến lược phát triển đại học ưu tú bằng cách ưu tiên cấp ngân sách cho một nhóm các trường chọn lọc.
Đầu tư lớn nhất là Trung Quốc với ngân sách lên đến 10 tỉ USD. Về thời gian, ngoại trừ Đài Loan thì cả Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều bắt đầu chiến lược cách đây khoảng 20 năm, bao gồm 2 giai đoạn. Về mục tiêu, Trung Quốc và Đài Loan đều muốn có trường đại học  lọt vào top 100 các trường ĐH hàng đầu thế giới thông qua chiến lược nghiên cứu khoa học đỉnh cao và xây dựng danh tiếng học thuật quốc tế. Nhật Bản đặt mục tiêu quốc tế hoá giáo dục đại học và thu hút 300.000 sinh viên quốc tế. Hàn Quốc có tham vọng đào tạo những nhà lãnh đạo toàn cầu thông qua các chương trình tiến sĩ, huấn luyện lãnh đạo toàn cầu tương lai.
 
Các kết quả thực hiện chiến lược phát triển đại học ưu tú đã được minh chứng thông qua việc tăng số lượng xuất bản khoa học trên các tạp chí quốc tế (SCI, SSCI) cũng như cải thiện số lượng và vị trí trên các bảng xếp hạng đại học. Số lượng bài báo khoa học xuất bản trong giai đoạn 2005-2014 đăng trên tạp chí đều tăng trong đó Hàn Quốc và Đài Loan có tốc độ tăng nhanh, riêng Trung Quốc tăng rất nhanh.
Về xếp hạng, tính đến năm 2018 trong top 100 của bảng xếp hạng QS thì Nhật Bản có 5, Trung Quốc có 6, Hàn Quốc có 5 và Đài Loan có 1 trường ĐH. Bảng xếp hạng QS 2020 (công bố năm 2019), trường ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh của Trung Quốc đã vươn lên vị trí 16 và 22. Vị trí của 2 trường này trên bảng xếp hạng ARWU vừa mới công bố lần lượt là 22 và 53. Như vậy có thể nói, mục tiêu có ít nhất 1 trường đại học nằm trong top 100 đã đạt được.
 
Hình trên  cho thấy bước tiến liên tục của ĐH Thanh hoa và ĐH Bắc Kinh, những trường được tham gia dự án 985. Năm 2019, vị trí trên bảng xếp hạng THE của 2 trường này lần lượt là 22 và 31.
 Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế. Đóng góp cho sự phát triển ấy có vai trò lớn của các trường đại học. Vì vậy việc xác định tầm nhìn và chiến lược phát triển đại học ưu tú ở tầm vĩ mô của các quốc gia là cần thiết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.