Giúp học sinh lựa chọn ngành học phù hợp

05/04/2021 06:44 GMT+7

Ngày 4.4, chương trình Tư vấn mùa thi do Báo Thanh Niên phối hợp với Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng tổ chức đã diễn ra tại Trường THPT Đức Trọng và Trường THPT Di Linh với rất nhiều câu hỏi liên quan đến ngành nghề.

Buổi tư vấn diễn ra trong bối cảnh chỉ còn khoảng gần 3 tuần thí sinh bắt đầu nộp hồ sơ đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đồng thời đăng ký xét tuyển đại học (ĐH) nên nhiều câu hỏi về lựa chọn ngành nghề được gửi đến chương trình.

Chọn sai ngành, phải làm sao ?

Ngay khi chương trình tư vấn diễn ra tại H.Di Linh, Hoàng Phúc, học sinh (HS) lớp 12A4 Trường THPT Di Linh, đã quan tâm ngay đến việc chọn ngành. Phúc băn khoăn: "Em thấy có nhiều người không chọn được ngành phù hợp nên học đại một ngành nào đó, sau này ra trường có khi lại làm trái ngành. Vậy làm thế nào để chọn ngành đúng?".

Nếu bạn muốn chọn ngành học để sau này chỉ cần có một nghề nghiệp thỏa mãn nhu cầu vật chất thì đó chưa phải là đam mê mà chỉ là công việc đơn thuần. Nhưng khi bạn luôn đau đáu vì nó, muốn làm tốt hơn, luôn tìm tòi sáng tạo và sống với nó bằng tất cả cảm xúc vui buồn thì đó chính là đam mê

QUANG TRỌNG MINH (thủ khoa đầu ra năm 2020 của Trường ĐH Mở TP.HCM)

Giải đáp cho thắc mắc này, GS-TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng để thành công trong bất kỳ ngành nghề nào thì người học cũng cần phải có đam mê, nhưng ngành đó phải phù hợp với tính cách, sở trường của bản thân. "Các em có thể nhờ ba mẹ, anh chị, thầy cô - là những người đi trước, đưa ra lời khuyên. Các em cũng không nên chọn ngành theo phong trào hay bạn bè. Không ít bạn đậu ĐH rồi, sau khi học mới thấy mình không phù hợp. Tại một số trường ĐH, sau khi học được một năm, nếu thấy không phù hợp, các em có thể làm đơn xin chuyển ngành khác với điều kiện phải đạt được ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành em muốn chuyển. Còn một cách khác để "sửa sai", đó là các em có thể đăng ký học thêm ngành học thứ 2, là ngành mà em nghĩ sẽ phù hợp hơn, ở ngay tại trường", GS-TS Kiên lưu ý.
Cùng liên quan đến chọn ngành, một HS gửi câu hỏi lên chương trình: "Mọi người nói em hãy theo đuổi ước mơ, nhưng liệu khi em chọn ngành theo ước mơ của em thì sau này em có hối hận hay không?". Thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng HS không nên quá căng thẳng đặt câu hỏi liệu mình chọn ngành đó có sai lầm hay không, mà hãy nghĩ mình đã có sự chuẩn bị đầy đủ hay chưa. "Bởi vì khi các em chưa trải nghiệm thì chưa thể trả lời chính xác câu hỏi đó. Các em hãy sử dụng các bài trắc nghiệm, là các bộ công cụ đánh giá năng lực và sở thích của mình, sẽ cho ra kết quả tương đối về việc mình phù hợp với ngành nào. Bên cạnh đó, các em còn phải quan tâm tới điều kiện về tài chính và nhu cầu nhân lực. Đặc biệt, phải có sự kiên trì theo đuổi và tập trung đầu tư nghiêm túc cho ngành mình đã học. Việc làm trái ngành cũng không sao, vì mọi thứ còn phụ thuộc vào điều kiện thực tế sau khi học. Nhưng dù làm việc ở bất cứ môi trường nào, nếu các em chịu học hỏi và tiếp nhận kiến thức, có sự linh hoạt, thích nghi thì vẫn có thể phát triển nghề nghiệp", thạc sĩ Trần Vũ chia sẻ.
Trong khi đó, thủ khoa đầu ra năm 2020 của Trường ĐH Mở TP.HCM - Quang Trọng Minh cho rằng chọn ngành mới chỉ là bước đầu tiên trong cả quãng đường dài phía trước. "Đam mê đôi khi không tự nhiên mà có, mà nó xuất phát từ sự gắn bó, trải nghiệm. Nếu bạn muốn chọn ngành học để sau này chỉ cần có một nghề nghiệp thỏa mãn nhu cầu vật chất thì đó chưa phải là đam mê mà chỉ là công việc đơn thuần. Nhưng khi bạn luôn đau đáu vì nó, muốn làm tốt hơn, luôn tìm tòi sáng tạo và sống với nó bằng tất cả cảm xúc vui buồn thì đó chính là đam mê. Chúng ta hãy cho phép mình thử một lần, trải nghiệm nó, thì mới biết ngành nghề có phù hợp hay không", Quang Trọng Minh nhận định.

Ngành ngoài sư phạm có đi dạy được không ?

Mở đầu chương trình tại Trường THPT Đức Trọng, thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đã có chia sẻ thông tin về cơ hội việc làm các ngành đào tạo giáo viên. Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, các ngành đào tạo giáo viên hiện nay đang được tuyển sinh dựa trên cơ sở quan trọng là nhu cầu giáo viên thực tế của các địa phương cụ thể và chỉ tiêu này do Bộ GD-ĐT phân bổ từng năm. “Với thí sinh trúng tuyển ĐH năm nay, sau 4 năm sẽ là thế hệ vàng để đáp ứng nhu cầu giáo viên của chương trình giáo dục phổ thông mới, bên cạnh lực lượng giáo viên hiện hành đang được bồi dưỡng”, thạc sĩ Quốc thông tin.
Báo Thanh Niên xin cảm ơn các nhà tài trợ đã hỗ trợ để tổ chức thành công chương trình:  Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, UBND H.Đức Trọng, Trường THPT Đức Trọng, Trường THPT Di Linh (Lâm Đồng), Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lâm Đồng, MobiFone Lâm Đồng, Viettel Lâm Đồng, Trung tâm kinh doanh VNPT Lâm Đồng, Ngân hàng Công thương chi nhánh Lâm Đồng. Các đơn vị trao học bổng Nguyễn Thái Bình cho HS học giỏi, vượt khó mỗi suất 1 triệu đồng gồm: UBND H.Đức Trọng, Trường ĐH Đà Lạt, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM. Công ty Vietravel đã đưa đón đoàn tư vấn.
Chia sẻ thêm về việc lựa chọn nghề giáo, theo thạc sĩ Quốc, để trở thành giáo viên thì không chỉ cần tốt nghiệp ngành sư phạm mà còn cần thêm các năng lực cần có. Thực tế hiện nay các trường chuyên đang rất thiếu giáo viên và có nhiều nơi tuyển giáo viên yêu cầu tốt nghiệp loại giỏi, ưu tiên người có khả năng ngoại ngữ tốt. Người học ngành này cần xem xét vị trí việc làm, cơ hội và năng lực bản thân.
Với câu hỏi học ngành ngôn ngữ Anh nhưng muốn đi dạy của một HS Trường THPT Đức Trọng, thạc sĩ Quốc cho biết các trường phổ thông hiện không tuyển dụng người tốt nghiệp ngành này để trở thành giáo viên dạy tiếng Anh. Tuy nhiên, sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể học thêm chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm dành cho các giảng viên ĐH, CĐ để tham gia giảng dạy ngoại ngữ tại các trung tâm.
Liên quan ngành ngôn ngữ Anh, thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết nhiều sinh viên tốt nghiệp ngành này tại trường được tuyển dụng để trở thành giáo viên các trường quốc tế, dạy tiếng Anh chương trình VN, đồng thời trở thành trợ giảng các chương trình quốc tế. Ông Tư cho biết ngành học này tại trường có 2 chuyên ngành gồm tiếng Anh thương mại và tiếng Anh giảng dạy. Trong đó, việc trở thành giáo viên giảng dạy trong hệ thống các trường ngoài công lập, trường quốc tế là cơ hội lớn cho người học chuyên ngành theo hướng giảng dạy.
Đặt câu hỏi tại chương trình, một HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám (Lâm Đồng) cho biết quan tâm chuyên ngành quan hệ công chúng trong ngành quốc tế học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. HS này băn khoăn sự khác nhau giữa cùng một ngành ngoài sư phạm nhưng được đào tạo ở các trường hiện nay và nên chọn ngành hay chuyên ngành. Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, cùng một ngành ngoài sư phạm được đào tạo ở các trường khác nhau sẽ có định hướng khác biệt ở các chuyên ngành cụ thể. Do vậy, tùy định hướng cụ thể ngành nghề mà HS nên chọn trường đào tạo phù hợp.

Nhiều băn khoăn về khối ngành công nghệ, kỹ thuật

Các ngành công nghệ kỹ thuật cũng được nhiều HS quan tâm đặt câu hỏi trong chương trình. Một HS gửi đến ban tư vấn hỏi về ngành kỹ thuật hạt nhân và cơ hội việc làm của ngành học này. Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên có thể làm việc tại các trung tâm ứng dụng hạt nhân hoặc các đơn vị có ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong cuộc sống, nông nghiệp, công nghiệp và các lĩnh vực khác.

Mong HS có được những khoảnh khắc bổ ích khi tham dự chương trình

Các em đang sống trong bối cảnh rất bất ổn - chưa bao giờ dịch Covid-19 ảnh hưởng như hiện nay. Chúng ta ngồi ở đây là rất hạnh phúc khi nhiều người không được bình yên ngồi bên nhau như chúng ta. Mong các em HS có được những khoảnh khắc bổ ích khi tham dự chương trình hôm nay, đón nhận nhiều thông tin bổ ích để có những định hướng trong cuộc đời của mình.
 Ông Huỳnh Quang Long (Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng)
“Tuy nhiên, để học tập và làm việc tốt trong lĩnh vực này, HS cần có nền tảng kiến thức khoa học tự nhiên, đặc biệt là môn vật lý. Bên cạnh đó, người học cần có ngoại ngữ, ít nhất tiếng Anh cần đảm bảo để có thể tham gia học tập với các chuyên gia nước ngoài”, tiến sĩ Duy chia sẻ.
Cũng đào tạo ngành học liên quan đến kỹ thuật hạt nhân và vật lý y khoa, thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, thông tin thêm hiện nay ngành hạt nhân không chỉ ứng dụng trong lĩnh vực nguyên tử mà còn nhiều lĩnh vực khác trong đời sống. Tốt nghiệp các ngành học này, sinh viên ngoài làm việc tại viện nghiên cứu, lò phản ứng hạt nhân thì còn có thể làm việc trong các bệnh viện liên quan đến điều trị bệnh bằng phóng xạ. Ngoài ra, nhiều công ty kiểm định và xuất khẩu hiện nay rất cần nhân viên kỹ thuật tính toán liều chiếu. “Điểm chuẩn ngành này khá thấp, thí sinh có nhiều cơ hội xét tuyển cũng là một điểm cần chú ý ở ngành học này”, thạc sĩ Vũ nhấn mạnh.
HS Nguyễn Ngọc Ánh (Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Lâm Đồng) băn khoăn về việc đào tạo và cơ hội việc làm ngành trí tuệ nhân tạo. GS-TS Nguyễn Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết ngành robot và trí tuệ nhân tạo của trường đang dạy miễn phí, dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh nhưng điểm chuẩn khá cao. Ngoài ngành học này, hiện các chương trình đào tạo khác của trường đều có đưa môn học liên quan đến trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy. Trong khi đó, Trường ĐH Khoa học tự nhiên thời gian tới dự kiến sẽ mở ngành đào tạo riêng về lĩnh vực này.
Tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân cho biết ngành IoT và trí tuệ nhân tạo đã được đào tạo năm thứ 3. “Ở ngành học còn khá mới này, người học cần có năng lực toán và tư duy logic tốt, cộng với niềm đam mê nhất định mới trở thành những người có thể thu nhập cao 5.000 - 10.000 USD/tháng”, tiến sĩ Nhân định hướng.
Liên quan đến ngành khoa học máy tính, tiến sĩ Vũ Quốc Huy, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Việt Đức, cho biết trường ĐH này có kỳ thi riêng để tuyển sinh vào ngày 15.5 tới. Trong đó, để xét tuyển vào ngành khoa học máy tính, thí sinh sẽ làm bài thi có kiến thức chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực này.
Trả lời câu hỏi về ngành thương mại điện tử, thạc sĩ Cao Quảng Tư cho biết đây là sự kết hợp giữa công nghệ thông tin và quản trị kinh doanh. Ngành học này cần người trẻ giỏi kiến thức kinh doanh và có tư duy công nghệ tốt, ra trường làm việc trong một lĩnh vực kinh doanh dù mới nhưng đã phát triển khá mạnh trong thời gian qua.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.