Học sinh sẽ không học theo thời khóa biểu lặp lại hằng tuần

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
25/12/2020 07:02 GMT+7

Không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần; đổi mới theo hướng dạy học tích hợp, tự chọn với đội ngũ giáo viên hiện có...

Đó là những thay đổi quan trọng trong kế hoạch giáo dục của các nhà trường mà PGS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), đã trao đổi với PV Thanh Niên.

Cho phép có môn học kết thúc sớm hơn

Hướng dẫn mà Bộ GD-ĐT vừa ban hành đã trao quyền chủ động, sáng tạo cho các nhà trường và giáo viên (GV) rất nhiều. Ví dụ, không nhất thiết phải dạy môn học ở tất cả các tuần. Vậy ngược lại, nếu trường nào đó muốn dạy cả tuần chỉ 1 - 2 môn để kết thúc trước môn học đó thì có được phép không, thưa ông?
Học sinh sẽ không học theo thời khóa biểu lặp lại hằng tuần1
PGS Nguyễn Xuân Thành        
Không thể làm như vậy được vì trong văn bản hướng dẫn đã nêu rất rõ yêu cầu với các cơ sở giáo dục là khi xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường thì thời gian dạy học phải đảm bảo tính khoa học, sư phạm và không gây áp lực đối với học sinh (HS). Do vậy, việc không yêu cầu dạy môn học ở tất cả các tuần là để các nhà trường được linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức các bài học sao cho phù hợp với kế hoạch thực tiễn của nhà trường chứ không phải dồn ép dạy cho xong.
Việc Bộ cho phép không dạy môn học ở tất cả các tuần vì thực tiễn cho thấy sự cần thiết của điều này. Ví dụ, khi dạy một nội dung bài học nhưng phải dạy trong nhiều tiết, nếu nhà trường và GV muốn dạy học liền mạch, không cắt rời mạch kiến thức để HS dễ nhớ, dễ vận dụng thì có thể dạy liền trong khoảng 2 tiết học thay vì tuần này dạy 1 tiết nhưng đến tuần sau mới có tiết học của môn học đó để học tiếp nội dung ấy. Như vậy, các trường phải hình dung là việc xây dựng thời khóa biểu sẽ không theo chu kỳ tuần như bây giờ mà kế hoạch dài hơi hơn, có thể là 8 tuần (nửa học kỳ).
Như vậy, có những môn học sẽ kết thúc sớm hơn thời gian kết thúc học kỳ, năm học thay vì đồng loạt như hiện nay?
Đúng như vậy, vì trong “ma trận” kế hoạch dạy học cả một nửa hoặc một học kỳ ấy, theo hướng dẫn mới của Bộ thì các môn học có thể bắt đầu sớm hơn hoặc muộn hơn, và như vậy sẽ kết thúc chương trình môn học không giống nhau. Hiện nay, chu kỳ thời khóa biểu là theo tuần, nghĩa là nếu thứ hai tiết 3 có toán, tiết 5 có văn thì tuần sau lặp lại y hệt như vậy. Điều lệ mới không hướng dẫn theo hướng bắt buộc như vậy mà việc xây dựng thời khóa biểu cần tổng thể hơn theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục

Trao quyền chủ động, sáng tạo cũng đồng nghĩa với việc kiểm tra, dự giờ, đánh giá giờ dạy hoặc kế hoạch dạy học của GV phải cởi mở hơn. Nếu thanh tra phê bình một trường nào đó dạy "trước chương trình" như đã từng xảy ra trong thực tế thì giờ đây có phù hợp nữa không, thưa ông?
Hiệu trưởng tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học bắt buộc, môn học tự chọn, môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn, hoạt động giáo dục bắt buộc, nội dung giáo dục địa phương bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình. Xây dựng kế hoạch giáo dục của mỗi nhà trường đã dựa trên cơ sở GV, tổ chuyên môn đã bàn thảo kỹ lưỡng, đảm bảo tính khoa học, sư phạm, phù hợp điều kiện dạy học của nhà trường, phù hợp với đối tượng HS.
Học sinh sẽ không học theo thời khóa biểu lặp lại hằng tuần

Sắp tới học sinh có thể theo thời khóa biểu không theo chu kỳ tuần như bây giờ mà có thể là 8 tuần (nửa học kỳ)

ẢNH: NGỌC DƯƠNG

Hơn nữa, trước khi triển khai thực tế thì các nhà trường đã phải gửi các kế hoạch giáo dục nhà trường lên cấp phòng, cấp sở để báo cáo. Do vậy, kiểm tra, đánh giá phải căn cứ, bám sát vào kế hoạch giáo dục của từng trường chứ không phải bắt tất cả các trường phải thực hiện kế hoạch giáo dục như nhau như trước kia.

Khi dạy một nội dung bài học nhưng phải dạy trong nhiều tiết, nếu nhà trường và giáo viên muốn dạy học liền mạch, không cắt rời mạch kiến thức để học sinh dễ nhớ, dễ vận dụng thì có thể dạy liền trong khoảng 2 tiết học thay vì tuần này dạy 1 tiết nhưng đến tuần sau mới có tiết học của môn học đó để học tiếp nội dung ấy

PGS Nguyễn Xuân Thành (Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT)

Tất nhiên, để triển khai thực hiện thì Bộ sẽ phải lồng ghép để nhấn mạnh điều này trong quá trình tập huấn cán bộ quản lý và GV. Tránh tình trạng đi kiểm tra vẫn bắt tất cả các trường phải thực hiện một “thời khóa biểu” giống nhau, ngày nào giờ nào thì phải bắt đầu và kết thúc môn học như trước. Có như vậy, các trường mới phát huy được quyền chủ động, linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch giáo dục.

Dạy học tích hợp, tự chọn ra sao ?

Làm thế nào để phát huy quyền chủ động của nhà trường nhưng bản thân HS cũng có quyền lựa chọn phù hợp, không quá tải, áp lực với chính HS?
Điều này sẽ nhận thấy rất rõ ở cấp THPT khi HS được học tự chọn nhiều hơn. Trong dạy học ở cấp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì sẽ dạy học theo định hướng nghề nghiệp. Chính vì vậy, trong văn bản hướng dẫn cũng đưa ra có 3 nhóm môn tự chọn.
Vì chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp nên thường sẽ có xu hướng chọn theo từng nhóm môn mà các môn trong đó phải có liên quan, bổ trợ lẫn nhau và hướng tới một nghề nghiệp nào đó theo năng lực của từng HS trong tương lai. Tổ hợp ấy phải giúp HS có các cơ hội đăng ký lựa chọn nhưng nhà trường cũng phải xây dựng tổ hợp ấy sao cho phù hợp với điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ của nhà trường.
Việc dạy học tự chọn theo chương trình mới đang khiến GV băn khoăn liệu môn học mình dạy có rơi vào tình trạng nhiều HS chọn quá hoặc ngược lại. Bộ giải đáp ra sao về băn khoăn này?
Đúng là hiện nay nhiều GV đang có lo lắng hoặc môn học của mình bị quá tải hoặc ít HS chọn quá thì không có việc để làm. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ thì điều này sẽ không xảy ra. Tất nhiên, có những tổ hợp sẽ nhiều HS lựa chọn hơn nhưng trường phải tổ chức thực hiện sao cho không có tình trạng quá nhiều hoặc quá ít. Nhà trường phải xây dựng các tổ hợp như đã nói ở trên đồng thời cũng tổ chức cho HS đăng ký lựa chọn sao cho phù hợp với điều kiện của mỗi nhà trường. Vì cấp THPT không còn là cấp học phổ cập nữa mà có sự tuyển lựa đầu vào, do vậy các trường có quyền đặt ra các chỉ tiêu, tiêu chí cho từng tổ hợp môn để HS lựa chọn phù hợp với khả năng học tập của mình.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với cấp THCS có thay đổi lớn nhất là dạy học tích hợp (thực hiện bắt đầu từ lớp 6 năm học 2021-2022 tới). Dù dạy học tích hợp, liên môn nhưng đội ngũ GV hiện vẫn dạy đơn môn, do vậy các cơ sở giáo dục đang rất trong chờ vào hướng dẫn và tập huấn của Bộ GD-ĐT để triển khai dạy học tích hợp?
Đối với mỗi mạch kiến thức trong các môn khoa học tự nhiên, lịch sử và địa lý cấp THCS có thể được bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kỳ của năm học. Cụ thể, mỗi mạch nội dung của môn khoa học tự nhiên có thể phân công cho một GV có chuyên môn phù hợp (hóa học: chất và sự biến đổi chất; sinh học: vật sống; vật lý: năng lượng và sự biến đổi, trái đất và bầu trời) để bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng 1/2 học kỳ của năm học; mỗi mạch nội dung của môn lịch sử và địa lý có thể phân công cho một GV lịch sử và một GV địa lý để bắt đầu thực hiện và hoàn thành trong từng học kỳ của năm học. Với cách dạy học tích hợp như vậy thì vẫn vừa tận dụng được đội ngũ GV hiện có ở tất cả các đơn môn, vừa không yêu cầu GV phải thay đổi quá đột ngột khi đang dạy đơn môn phải chuyển sang dạy tích hợp.
Tập huấn để cán bộ quản lý và giáo viên thực hiện được
Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, ngoài việc ban hành văn bản hướng dẫn thì Bộ rất chú trọng đến việc tập huấn cho chính đội ngũ sẽ thực hiện những chủ trương đổi mới này.
Trong chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ GV và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (ETEP) có một modun riêng cho việc tập huấn cán bộ quản lý và GV về xây dựng kế hoạch giáo dục, dự kiến sẽ tiến hành vào đầu năm tới. Tài liệu tập huấn hiện đã được các trường đại học sư phạm tham gia chương trình ETEP phát triển, trong đó cụ thể hóa các nội dung của hướng dẫn mà Bộ vừa ban hành. Khi triển khai tập huấn thì không chỉ có thuyết trình mà sẽ có hình thức sinh hoạt chuyên môn ngay tại trường, cụm trường để cán bộ quản lý và GV thực hành luôn tại cơ sở giáo dục.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.