Học sinh tử vong vì bị bỏ quên trên xe: Báo động đỏ việc đưa đón học sinh

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
07/08/2019 16:40 GMT+7

Liên quan đến vụ học sinh tử vong vì bị bỏ quên trên xe tại Hà Nội, trao đổi với phóng viên Thanh Niên , quản lý các hệ thống trường tư, trường quốc tế đều cho rằng cần làm rõ quy trình đưa đón học sinh.

Đêm qua là một đêm mất ngủ của nhiều phụ huynh Trường Gateway vì chuyện học sinh tử vong do bị bỏ quên trên xe. Một phụ huynh có 2 con học tại đây cho biết cả đêm chị và nhiều phụ huynh trong trường đau lòng không ngủ được. Sáng nay, chị đã cho 2 con tạm nghỉ để bình tâm lại trước sự việc này. Một số phụ huynh còn nghĩ đến việc chuyển trường cho con.

Nỗi hoang mang ở trường quốc tế Gateway sau vụ bé trai chết vì bị bỏ quên

Không thể hiểu nổi quy trình đưa đón
Nhiều người đang quản lý các trường phổ thông khác cũng trải qua một đêm khó ngủ. Vì quy trình đưa đón học sinh tại các trường đều khá chặt chẽ, khó xảy ra sự việc như vậy.
Ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch Tập đoàn giáo dục Nam Việt, cho biết chuyện học sinh bị bỏ quên trên xe là không thể chấp nhận. Điều này khiến cả những người quản lý trường cũng khó tin và bức xúc. Nó chứng tỏ sự quan tâm đến học sinh quá yếu. . 
Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Chủ tịch Trường quốc tế Canada, cho biết tối hôm qua đọc tin xong bà không thể ngủ được, vì không thể tin rằng chuyện này có thể xảy ra. Trước đây rất lâu trường có hợp đồng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe của đơn vị bên ngoài. Nhưng lãnh đạo trường nhận thấy như vậy thì không kiểm soát được lái xe. Vì vậy, sau đó trường tự mua xe, tự quản lý đội xe. Lái xe là trường tự tuyển dụng và tập huấn thường xuyên thao tác đưa đón học sinh: lên xe, ngồi trên xe, giao trả học sinh, kiểm tra khi học sinh vắng mặt. Xe nào cũng có danh sách học sinh, có người chịu trách nhiệm... Nếu cha mẹ không đón được con, đón trễ... phải có xác nhận trực tiếp với nhà trường. 
"Sự việc này thật sự đến từ sự tắc trách. Không biết có uẩn khúc gì khác trong chuyện này không. Vì để sự việc xảy ra là cực kỳ vô lý. Xe buýt đưa đón học sinh của trường tôi đến 29 chỗ, thường đưa đón khoảng 20 - 25 học sinh. Nguyên tắc đưa đón là sau khi chở học sinh đến trường, lái xe phải lên kiểm tra xe. Nếu học sinh vắng, giáo viên phải liên hệ ngay cha mẹ để hỏi rõ", bà Oanh cho biết.

Vụ án bé trai trường Gateway tử vong và những câu hỏi chưa giải đáp

Ngay tối ngày 6.8, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie (Hà Nội) đã ra thông báo "báo động đỏ" trên toàn hệ thống về việc đưa đón học sinh bằng xe buýt của trường. Theo đó, thông báo đưa ra các lưu ý quan trọng cho người làm công tác đưa đón tại trường. Một là học sinh có thể ngủ quên trên xe. Vì vậy, trưởng xe và lái xe phải kiểm tra xe trước khi đưa xe về bãi tập kết. Đồng thời báo cáo về trung tâm quản lý xe theo quy định. Hai là học sinh có thể ngã hoặc va vào phương tiện khác khi lên xuống xe. Vì vậy, lái xe cần đỗ sát vào vỉa hè và quan sát kỹ trước khi đóng/mở cửa xe và chuyển bánh. Ba là xe có thể đụng vào học sinh khi xe ra/vào nơi tập kết đón học sinh lúc tan trường. Do đó, lái xe phải đi chậm và tuân theo sự dẫn dắt của giám thị. 

Trường Gateway, nơi xảy ra sự việc

Trần Cường

Lê Thanh Vy, một giáo viên cho biết: "Là một giáo viên THPT và làm công tác chủ nhiệm đã 5 năm, mình thấm thía sự chặt chẽ của quy trình điểm danh. Nếu học sinh vắng không phép thì dù mình không có ở trường, tin nhắn vẫn được gửi đến số điện thoại mình. Con mình đi học trễ, dù chỉ là học vẽ hay học toán ở trung tâm, cô giáo đã gọi điện hỏi. Vậy thì làm sao một quy trình, một đội ngũ hùng hậu từ cô giáo chủ nhiệm, giám thị, bảo mẫu, lái xe, bảo vệ... có thể để một đứa bé mới vào lớp 1 chết ngạt trên xe từ sáng đến chiều?". 

Áp dụng công nghệ như thế nào?

Theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, hiện nay tất cả các xe của trường đều có hộp đen theo dõi hành trình và gắn camera quan sát. Cuối tháng 8 này, trường sẽ đưa vào sử dụng một phần mềm dành riêng cho phụ huynh theo dõi việc đưa đón con. Với phần mềm này, phụ huynh sẽ biết con lên xe, xuống xe, con đang ở đâu... 

Ông Nguyễn Đức Quốc cho biết hiện nay, khi học sinh bước xuống từ xe đưa đón, phải quét vân tay trước khi vào cổng trường. Học sinh không quét vân tay thì nửa tiếng sau, bộ phận IT, bộ phận điều hành, quản trị đã biết. Học sinh không đi học thì người biết đầu tiên là phụ huynh. Việc áp dụng công nghệ thông tin cũng là điều rất cần thiết để bố mẹ có thể yên tâm trong việc giao con cho trường đưa đón. 

Theo một phụ huynh, xe buýt đưa đón học sinh ở Mỹ thường có một máy cảnh báo đặt ở cuối xe. Máy này sẽ tự động kêu khi xe dừng, buộc tài xế phải đi xuống hàng ghế cuối cùng để tắt. Ở một số bang, đây là yêu cầu nằm trong luật để đảm bảo trẻ em không bị bỏ quên trong xe. Đưa đón trẻ em không chỉ là chuyện của ngành giáo dục mà còn là chuyện của hệ thống giao thông và an toàn. Có lẽ đã đến lúc xe đưa đón học sinh của Việt Nam cần lắp đặt máy cảnh báo như vậy. 

Liên quan đến vụ học sinh tử vong vì bị bỏ quên trên xe, Bộ GD-ĐT cũng vừa có ý kiến yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn có hợp đồng xe ô tô đưa đón học sinh phải lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ có uy tín, xe đảm bảo chất lượng, yêu cầu kỹ thuật để vận hành an toàn; lái xe phải có ý thức tốt, giao tiếp, ứng xử với học sinh có văn hóa; và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.