Học sinh tử vong vì bị bỏ quên trên xe: Bảo mẫu cần được đào tạo bài bản

09/08/2019 08:07 GMT+7

Sự việc học sinh tử vong do để quên trên xe đưa đón tại Trường liên cấp quốc tế Gateway (Hà Nội) lại cho thấy một kẽ hở trong việc đào tạo lực lượng bảo mẫu hay người chăm sóc học sinh.

Lấy giáo viên làm... bảo mẫu

Thông thường bảo mẫu được tuyển dụng từ những người tốt nghiệp các ngành đào tạo giáo viên (GV). Tuy nhiên có những nơi ưu tiên sử dụng chính GV của trường làm bảo mẫu do thời gian làm việc của 2 người này không diễn ra cùng lúc. Khi đó một GV kiêm bảo mẫu làm hết công suất sẽ khoảng 10 tiếng/ngày từ 6 giờ 30 - 17 giờ 30.
Trước thực trạng GV kiêm bảo mẫu, lãnh đạo một trường ĐH có đào tạo GV tiểu học tại TP.HCM, nói: “Không thể sử dụng GV để làm bảo mẫu do đặc thù công việc của họ rất khác nhau. Trong khi GV có vai trò chính là dạy dỗ thì bảo mẫu là chăm sóc, đảm bảo sự an toàn cho người học. Để đảm bảo tối ưu công việc, bảo mẫu cần được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Thực tế cho thấy đã có bao nhiêu chuyện xảy ra do bảo mẫu chưa có chuyên môn nghiệp vụ cần thiết”.
Hiệu trưởng một trường tư thục lớn tại TP.HCM cho biết hiện nay trường nào cũng thực hiện dịch vụ đưa đón học sinh (HS) tự phát. Dịch vụ chuyên chở HS cũng như bảo mẫu đều không chuyên nghiệp.

Các trường tự tập huấn

Theo vị hiệu trưởng tư thục này, hiện nay có 2 dạng bảo mẫu chăm sóc HS theo xe. Một là sử dụng các trợ giảng ở các lớp, hai là tuyển những người có kinh nghiệm chăm sóc HS. Do thời gian làm công việc này thường vào sáng sớm và chiều tối, khoảng thời gian còn lại trống nên nhiều trường tận dụng lực lượng trợ giảng hoặc ký hợp đồng bán thời gian với những người bên ngoài. “Thời gian cuối tuần, bảo mẫu của trường sẽ được tập huấn. Trường còn mời cả những chuyên gia chăm sóc trẻ em về nói chuyện với các cô”, vị hiệu trưởng này cho biết.
Ông Nguyễn Đức Quốc, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn giáo dục Nam Việt, cho biết trường có đến 7 cơ sở nên tuyển dụng khá lớn số lượng bảo mẫu chăm sóc HS khi lên xuống xe. Những người này khi được tuyển dụng sẽ được trường tập huấn. Ông Quốc cũng cho biết ngoài thái độ hỗ trợ HS cần có, bảo mẫu bắt buộc phải làm theo quy trình đưa đón của nhà trường. Phải điểm danh từng HS khi lên xuống xe, dẫn HS đi theo hàng lúc lên xe cũng như khi xuống xe để vào trường. Sau khi xuống xe, bảo mẫu hướng dẫn HS phải quét vân tay trước khi vào cổng trường. Bảo mẫu cũng phải dắt HS đưa tận tay phụ huynh khi đến nhà.
“Các bảo mẫu làm công việc này cũng bắt buộc phải có chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm. Mỗi bảo mẫu tuyển dụng mới cũng phải được tập huấn về quy trình đưa đón học HS”, ông Quốc nói.

Việc đào tạo này là do các trường sư phạm tự xây dựng chương trình, và trường tự cấp chứng nhận, vì thế, vấn đề kiểm soát từ cơ quan chức năng gần như không có

Phạm Thu Hương (Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM)

Không đào tạo do không có vị trí việc làm

Một số trường ĐH có đào tạo GV tại TP.HCM cho biết hiện chưa có ngành đào tạo bảo mẫu, người chăm sóc HS ở bậc ĐH.
Theo PGS-TS Phạm Hoàng Quân, Hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, trường này hiện không có ngành đào tạo ĐH với bảo mẫu. Trường hiện chỉ có khóa học ngắn hạn khoảng 3 tháng với hơn 200 tiết để cấp giấy chứng nhận bảo mẫu. Tương tự, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM hiện cũng không có ngành đào tạo này.
Lý giải về việc này, lãnh đạo một trường ĐH có đào tạo GV, cho biết các trường không thể đào tạo bảo mẫu vì đào tạo ra sinh viên sẽ không thể xin được việc làm. Không phải nhu cầu không có nhưng vị trí việc làm trong trường học hiện nay không có bảo mẫu. Các trường tuyển dụng bảo mẫu hiện phải sử dụng hợp đồng khoán việc với mức lương 3,5 - 4,5 triệu đồng/tháng chứ không phải hợp đồng viên chức.
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cũng thông tin, hiện trường ĐH này chưa có chương trình đào tạo về bảo mẫu. Ông Duy nói: “Chưa tính tới việc mở ngành này để đào tạo ở bậc ĐH thì trước mắt bảo mẫu cần thiết được tham gia khóa huấn luyện nghề nghiệp để trang bị các kỹ năng cần thiết. Đặc biệt là khả năng xử lý với nhiều tình huống và trong các môi trường khác nhau”.

Chỉ có các lớp ngắn hạn nhưng chất lượng phập phù

Bà Phạm Thu Hương, phụ trách Trung tâm bồi dưỡng khoa học giáo dục, Trường CĐ Sư phạm trung ương TP.HCM, cho biết: “Trung tâm của trường có lớp ngắn hạn dành cho nhân viên nuôi dưỡng trẻ (bảo mẫu) làm việc trong trường học mầm non cũng như tiểu học. Tuy nhiên, từ 2 năm nay, số người học hầu như không còn nữa. Thời gian trước mỗi năm cũng tổ chức được 3 lớp, mỗi lớp 60 học viên với chương trình học là 300 tiết, tương đương với trình độ sơ cấp”. Theo bà Hương, hiện có một số trung tâm tư nhân có dạy cho nhân viên bảo mẫu, tuy nhiên, họ liên kết với các trường ở nhiều nơi để cấp chứng nhận, trong đó có trường tận Hà Nội, nên chất lượng “không biết liệu có đảm bảo”. “Việc đào tạo này là do các trường sư phạm tự xây dựng chương trình, và trường tự cấp chứng nhận, vì thế, vấn đề kiểm soát từ cơ quan chức năng gần như không có. Một chương trình đạt chuẩn phải đủ ít nhất 300 tiết. Hiện nay các trường mầm non hay tiểu học cũng tuyển người có chứng chỉ, tuy nhiên, không phải chứng chỉ nào cũng đạt chất lượng”, bà Hương nhìn nhận.
Bà Hương cho rằng nếu người chăm sóc, dẫn dắt trẻ ở các trường mầm non và tiểu học không được đào tạo bài bản với những kiến thức, cách thức xử lý tình huống cụ thể thì trong quá trình làm việc sẽ gặp rủi ro rất cao.
Trường trung cấp Bách khoa Sài Gòn hiện cũng có đào tạo các khóa ngắn hạn cấp chứng chỉ Bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em. Thạc sĩ Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng, thông tin: “Chương trình học gồm 300 tiết với các kiến thức như cho trẻ ăn uống, vệ sinh, vui chơi, sinh hoạt đúng cách, khoa học và an toàn... Tuy nhiên, sau vụ việc trẻ bị bỏ quên trên xe của trường dẫn đến tử vong, tôi cho rằng đó là do người chăm sóc - đưa đón trẻ hôm đó, cũng như tài xế quá vô tâm, hoặc là chưa được huấn luyện kỹ năng bài bản. Từ thực tế này, trong thời gian tới, trường sẽ đưa nội dung đưa đón trẻ em vào chương trình học, thời lượng khoảng 15 tiết. Vì rõ ràng việc đưa đón trẻ mầm non và tiểu học hiện nay là một công việc quan trọng mà một người làm công việc bảo mẫu cần phải được trang bị kiến thức đầy đủ”.

Giải pháp an toàn đưa đón học sinh

Về hoạt động xe đưa đón HS tại TP.HCM, bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho hay các trường công lập của TP tổ chức cho HS tham gia xe đưa rước theo văn bản ký kết liên tịch giữa Sở GD-ĐT và Sở GTVT. Theo đó, khi HS đăng ký tham gia xe đưa rước tại trường sẽ được trợ giá của UBND TP, tùy vào tuyến đường, tùy từng khu vực quận, huyện. Bà Thu cho biết chương trình phối hợp giữa hai sở được xây dựng thành quy chế thực hiện và trong văn bản ký kết thực hiện chương trình luôn nhấn mạnh yếu tố đảm bảo an toàn cho HS.
Theo bà Thu, với các trường ngoài công lập, việc tổ chức đưa đón HS là một dịch vụ thực hiện trong mỗi trường. Khi tổ chức, nhà trường dựa trên nhu cầu của phụ huynh và cam kết với phụ huynh việc đảm bảo an toàn cho HS.
Chị Hoàng Thị Hương, một phụ huynh có con đang học tại Trường quốc tế Singapore (Hà Nội), đề nghị cho phụ huynh được ký nhận khi đưa con lên xe, nhận con xuống xe, đồng thời cũng có chữ ký của cô giáo. Chị Nguyễn Thị Minh Uyên, Hiệu trưởng Trường mầm non Việt Đức (TP.HCM), cũng đồng tình với quan điểm, bắt buộc phải có biên bản, danh sách HS lên xe - xuống xe hằng ngày, trong đó phải có chữ ký của phụ huynh, cô bảo mẫu và cô chủ nhiệm, để kiểm soát chặt chẽ HS, điểm danh không bị sót, tránh các vụ việc đáng tiếc.
Một trường tư thục tại TP.HCM có kế hoạch bắt buộc tất cả các xe của trường đều có hộp đen theo dõi hành trình và gắn camera quan sát. Cuối tháng 8 này, trường sẽ nghiệm thu và đưa vào sử dụng một phần mềm dành riêng cho phụ huynh theo dõi việc đưa đón con. Với phần mềm này, phụ huynh sẽ biết con lên xe, xuống xe, con đang ở đâu...
Bích Thanh - Thúy Hằng - Đăng Nguyên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.