Học sinh chưa ngoan vì đâu?
Không chỉ là xúc phạm người khác trên mạng xã hội, còn rất nhiều hành vi khác mà học sinh hằng ngày vẫn vi phạm khiến bị liệt vào danh sách “học sinh chưa ngoan” như không học bài, đánh nhau, đi học trễ, bỏ học…
Lý giải về nguyên nhân khiến "học sinh chưa ngoan", tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan, Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục, khoa Giáo dục, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết: “Đây là đặc trưng của lứa tuổi. Khi các em bước vào tuổi 13, 14, tâm sinh lý thay đổi, các em luôn muốn thể hiện bản thân, khẳng định cái tôi cá nhân trước mọi người. Trong khi các em lại non nớt chưa biết đúng sai, nên rất dễ có những lời nói, hành động lệch lạc, thậm chí đi ngược với chuẩn mực một cách hồn nhiên”.
Hơn thế nữa, theo tiến sĩ Phan, tuổi này rất dễ bắt chước và bị ảnh hưởng bởi người khác. Chẳng hạn lên mạng xã hội, các em thấy người khác văng tục chửi thề, thóa mạ người khác, thì các em cho rằng như thế rất “ngầu” nên học theo. Ra ngoài đường, các em thấy người lớn vi phạm giao thông, đánh nhau, phụ huynh thậm chí cũng chửi bới thầy cô, thì khi vào trong trường học, ít nhiều những hành vi xấu đó cũng ảnh hưởng tới suy nghĩ và hành động của các em.
Cô Nguyễn Thúy Nga, giáo viên Trường THCS Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng nhìn nhận: “Phần lớn học sinh chưa ngoan là vì các em học những hành vi sai trái từ người lớn, do người lớn chưa gương mẫu. Tuổi mới lớn, các em chưa thể phân biệt được đúng sai, vì thế, lỗi một phần thuộc về cách ứng xử của những người xung quanh, trong đó có ba mẹ, người thân, người các em tiếp xúc ngoài xã hội…”.
Không nên dùng hình phạt gây tổn thương tâm lý
Theo anh Phạm Quý Thuận, phụ huynh có con học lớp 7, Trường THCS Lê Anh Xuân (Q.Tân Phú, TP.HCM), việc giáo dục trẻ, trong đó có lứa tuổi học sinh, mỗi thời kỳ thì có một cách khác nhau. “Nhưng chung quy là để các em thay đổi theo hướng tích cực. Tôi không phản đối việc phạt quỳ, xin lỗi trước toàn trường hay là đình chỉ học tập nếu như học sinh đó mắc lỗi lớn. Tuy nhiên, nhà trường phải nghĩ đến diễn biến tâm lý của học sinh sau khi bị phạt liệu có thay đổi theo hướng tích cực hay không, hay là các cháu sẽ sợ hãi, tự ti, xấu hổ, ảnh hưởng đến học tập và phát triển tâm lý”.
Anh Thuận tìm hiểu quy định về xử phạt học sinh thì được biết các trường vẫn đang thực hiện theo thông tư được ban hành từ năm 1988. Trong đó có các hình thức khiển trách trước lớp, trước hội đồng kỷ luật, cảnh cáo trước toàn trường và đình chỉ học 1 tuần cho đến 1 năm tùy vào mức độ vi phạm. “Tôi nghĩ thông tư này đã quá cũ rồi, cần bổ sung chỉnh sửa cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện hiện tại. Sau khi xử phạt xong thì giáo viên cũng cần phối hợp với gia đình để phân tích, giúp học sinh nhận ra điều sai để sửa chữa, tránh để các con có hành động phản kháng hoặc liều lĩnh do tâm lý xấu hổ”.
Anh Trương Tiến Sĩ (công tác tại Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM) cho rằng có những lỗi vi phạm nhà trường chỉ nên dừng lại ở mức độ nhắc nhở, chỉ ra việc làm đó của HS là không phù hợp chuẩn mực đạo đức, nội quy để rút kinh nghiệm vì có nhiều việc các em chưa ý thức được đúng sai.
Nhìn nhận về việc này, tiến sĩ Nguyễn Hồng Phan cho biết: “Để xứ lý một lỗi vi phạm của học sinh, giáo viên và nhà trường trước hết phải đưa ra cách thức phù hợp vì tuổi này các em rất dễ bị ảnh hưởng tâm lý. Bêu tên, cảnh cáo trước toàn trường có thể sẽ khiến các em tự ti, xấu hổ hoặc càng ngấm ngầm chống đối, phản kháng. Nếu các em xúc phạm người khác, mà chúng ta lại dùng một hình phạt mang tính xúc phạm, dù nhẹ, để phạt thì sẽ phản tác dụng. Cần phối hợp với cha mẹ để phân tích, tác động tới nhận thức, cho các em thấy hành vi hay lời nói đó là sai. Phải có sự kiên trì, nhẫn nại thì mới có kết quả tốt đẹp”.
Bình luận (0)