Nhiều địa phương sẽ khai giảng không bóng bay

20/08/2019 08:08 GMT+7

Các địa phương đang nỗ lực chuẩn bị cho năm học mới dù mỗi nơi đều phải đối mặt với không ít khó khăn. Tuy vậy trong những điểm nổi bật là nhiều địa phương sẵn sàng cho mùa khai giảng không bóng bay nhằm bảo vệ môi trường.

 

Đồng bằng sông Cửu Long ngổn ngang nỗi lo

Ngày 18.8, ông Đặng Văn Phục, Hiệu trưởng Trường TH-THCS Hưng Điền A (H.Vĩnh Hưng, Long An), cho biết trường hiện có hơn 550 học sinh (HS) theo học. Ngoài ra, còn có một điểm phổ cập tiểu học cho 14 em, do bộ đội biên phòng tham gia dạy. Hầu hết các em là diện di dân tự do từ Campuchia về sinh sống ở xã biên giới. Khá đông HS gần đến ngày khai giảng vẫn chưa có cặp, tập vở và quần áo mới.
Các giáo viên cho biết do nhà xa nên nhiều em phải đi “quá giang” xe người lớn, nhưng ngày có ngày không, có em đi bộ từ nhà tới trường gần 5 km. Đi và về cũng mất 10 km, quãng đường xa quá, các em còn nhỏ sợ chịu không nổi phải bỏ học. Do vùng biên giới, đường sá cũng lầy lội nên có em đi học đến trường hoặc về nhà quần áo như tắm bùn. “Cái cần nhất và trường đang đau đầu là làm sao mua BHYT cho gần 80 HS là con hộ nghèo, cận nghèo”, ông Phục thông tin.
Năm học mới ngành giáo dục Đồng Tháp cũng còn nhiều khó khăn. Tại điểm Trường tiểu học Bình Thành 1 (H.Thanh Bình), tình trạng sạt lở đất dọc kênh Cái Dầu đã làm hư hỏng nặng đoạn đường dài hơn 100 m trước cổng trường. Ở các huyện đầu nguồn vùng lũ như Hồng Ngự, Tam Nông năm nay nước lũ không về địa phương không phải rước HS đi học bằng xuồng như trước nhưng ở một số cụm dân cư vùng sâu, vùng xa phải tiếp tục tổ chức dạy lớp ghép.

Gấp rút khắc phục sạt lở trước cổng Trường tiểu học Bình Thành 1, H.Thanh Bình, Đồng Tháp để kịp khai giảng

ẢNH: TRẦN NGỌC

Ông Đỗ Văn Tuân, Phó trưởng phòng GD-ĐT H.Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết năm học 2019 - 2020 ngành giáo dục Phú Quốc tiếp tục gặp nhiều khó khăn do lượng HS tăng cao và giáo viên thiếu nhiều. Cụ thể, tính tới thời điểm này, số HS bậc mầm non, tiểu học và THCS đã lên đến 23.547 HS, tăng 1.796 so với năm học trước. Dự kiến từ nay tới ngày khai giảng sẽ còn tăng thêm do có nhiều HS từ đất liền chuyển đến. Trong khi đó, số giáo viên hiện tại chỉ 1.066, còn thiếu 176 biên chế so với định mức. Bên cạnh đó, số phòng học vẫn còn thiếu khá nhiều so với nhu cầu thực tế, đặc biệt là phòng học dành cho các lớp học 2 buổi/ngày của khối tiểu học.

Thừa Thiên-Huế nhập học sớm 2 tuần để phòng lụt bão

Tại Thừa Thiên-Huế, từ hôm qua 19.8, các trường trên địa bàn tỉnh đều đã nhập học để dự phòng thời gian bị thiên tai bão lụt. Ngoài ra, thực hiện khẩu hiệu “Hãy hành động để Thừa Thiên-Huế thêm xanh - sạch - sáng” do UBND tỉnh phát động, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo tất cả trường học trên địa bàn đều tổ chức khai giảng trên tinh thần gọn nhẹ, không thả bóng bay.

Học sinh Trường THCS Phạm Văn Đồng, TP.Huế (Thừa Thiên-Huế) nhập học từ ngày 19.8

ẢNH: ANH HOÀNG

Ông Đặng Phước Mỹ, Phó giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Thừa Thiên-Huế, cho biết việc thả bóng bay trong ngày khai giảng hằng năm “không giải quyết được vấn đề gì” mà còn gây ô nhiễm. Chủ trương này cũng được các trường trên địa bàn đồng tình. “Năm nay các trường lên phương án tổ chức khai giảng gọn nhẹ, chủ yếu là hoạt động văn nghệ, thể thao cho HS”, ông Đặng Phước Mỹ nói.
Trước đó, Sở GD-ĐT Đồng Nai ban hành kế hoạch khai giảng yêu cầu các trường không tổ chức thả bóng bay để bảo vệ môi trường. Ngày 3.8, ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Tháp, cho biết giám đốc sở này vừa ký thư kêu gọi gửi đến các cán bộ quản lý, thầy cô giáo, phụ huynh, HS trong tỉnh có nội dung kêu gọi các cơ sở giáo dục hạn chế và tiến tới chấm dứt thả bóng bay trong ngày khai giảng.

Đà Nẵng kiểm tra 100% nhà vệ sinh

Ngày 19.8, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng, cho biết Sở sẽ kiểm tra 100% nhà vệ sinh trường học công lập các cấp, đảm bảo khâu vệ sinh trước khi HS nhập học. Trả lời PV Thanh Niên, bà Thuận khẳng định năm học 2019 - 2020 sẽ không để “vấn đề nhức nhối nhà vệ sinh” ảnh hưởng đến môi trường học tập của HS.

Học sinh Trường tiểu học Núi Thành (Đà Nẵng) thực hành phân loại rác

ẢNH: AN DY

“Bên cạnh đảm bảo cơ sở vật chất, các trường sẽ tăng cường ý thức cho HS trong vấn đề vệ sinh cá nhân, thói quen giữ gìn vệ sinh chung chứ không ỷ lại vào các nhân viên vệ sinh”, bà Thuận nói.
Đáng chú ý, một điểm mới khác cũng được triển khai ngay từ đầu năm học 2019 - 2020 là phân loại và thu gom rác tại nguồn. Ngoài ra, Sở GD-ĐT TP.Đà Nẵng cũng đã ban hành kế hoạch chuẩn bị khai giảng ngắn gọn trong 1 tiết học (45 phút), chủ trương không sử dụng bóng bay trong lễ khai giảng…
Năm học 2019 - 2020, Đà Nẵng có 207 trường mầm non (tăng 2 trường), 101 trường tiểu học, 60 trường THCS (tăng 1 trường), 32 trường THPT và trường nhiều cấp học; 3 trung tâm giáo dục thường xuyên.
Hà Nội giảm HS trái tuyến
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm học này toàn TP có 2.713 trường mầm non, phổ thông và trung cấp chuyên nghiệp, 58.422 nhóm lớp, 1.983.435 HS. Chuẩn bị cho năm học mới, TP đã xây dựng 70 trường học mới và sửa chữa 387 trường với kinh phí trên 5.000 tỉ đồng, phấn đấu năm 2020 TP có hơn 70% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng, dân số cơ học tăng nhanh, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp tiếp tục xây mới, gây tình trạng thiếu trường, lớp học. Một số địa phương chưa triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch mạng lưới, phát triển trường lớp.
Ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết năm nay, Hà Nội chú ý giảm HS trái tuyến và có kết quả tốt dù chưa thống kê cụ thể. Những lớp đông HS không còn nhiều như những năm trước. Tuy nhiên, ở một số quận như Hoàng Mai, Cầu Giấy, Hà Đông, do đô thị hóa nhanh dẫn tới HS tăng quá nhiều, từ 50.000 - 70.000 HS mỗi năm nên trường lớp không “theo” kịp và Sở GD-ĐT Hà Nội sẽ có những giải pháp ổn định, nâng cao chất lượng dạy và học ở những khu vực đó. 
Tuệ Nguyễn
TP.HCM áp lực tăng dân số cơ học
Áp lực của việc tăng dân số cơ học khiến ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng giáo dục, điều kiện cơ sở vật chất để HS phát triển toàn diện là vấn đề được lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM đặt ra vào năm học mới.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, năm học 2019 - 2020, dự kiến TP tăng khoảng 75.434 HS. Trong đó, mầm non tăng 7.293, tiểu học tăng 21.711, THCS tăng 26.435 và THPT tăng 19.995. Để chuẩn bị cho năm học mới, TP sẽ đưa vào sử dụng 1.476 phòng học mới với tổng kinh phí gần 5.000 tỉ đồng. Bà Bùi Thị Diễm Thu, Phó giám đốc Sở GD-ĐT, đánh giá số HS tăng nhiều ở bậc tiểu học và THCS đồng thời tập trung tại một số quận như 7, 9, 12, Gò Vấp, Tân Phú, Bình Tân, Thủ Đức và huyện ngoại thành Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT cũng cho hay, những năm gần đây, tính trung bình, mỗi năm TP xây thêm gần 1.500 phòng học mới. Tuy nhiên, con số trên không giải quyết được vấn đề với số HS tăng cao “chóng mặt”. Và áp lực từ việc mỗi năm có hàng trăm ngàn HS không có hộ khẩu khiến sĩ số lớp học không thể đáp ứng yêu cầu đặt ra, tỷ lệ HS tham gia học 2 buổi/ngày - điều kiện cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục, cũng phải giảm. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện... đều co hẹp lại, gây khó khăn cho các trường.
Ông Nguyễn Thành Trung, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT, cho hay năm học mới TP triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để hoàn thành các mục tiêu, khắc phục những hạn chế mà xã hội quan tâm. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, dân chủ, kỷ cương, tăng cường an ninh, an toàn trường học. Chú trọng công tác giáo dục thể chất, y tế trường học, xây dựng văn hóa học đường, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho HS. 
Bích Thanh
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.