Nữ trưởng phòng ở Đắk Lắk mượn bằng tốt nghiệp để thăng quan: vi phạm tội gì?

Đăng Nguyên
Đăng Nguyên
05/10/2019 18:55 GMT+7

Xét theo quy định của pháp luật , bà Trần Thị Ngọc Ái Thảo mượn bằng tốt nghiệp THPT của chị gái Trần Thị Ngọc Ái Sa để thăng quan vi phạm tội gì?

Liên quan đến vụ việc bà Trần Thị Ngọc Ái Thảo (sinh năm 1975) sử dụng bằng tốt nghiệp THPT của chị gái Trần Thị Ngọc Ái Sa và được thăng quan lên đến chức vụ Trưởng phòng Hành chính - Quản trị Văn phòng Tỉnh ủy Đăk Lăk, nơi này sẽ có hình thức kỷ luật về mặt chính quyền và Đảng đối với bà. Người phát ngôn của Tỉnh ủy cũng cho biết sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người giới thiệu, người đi thẩm tra, xác minh kết nạp Đảng và cả quy trình bổ nhiệm đối với bà. 
Tuy nhiên, xét theo quy định của pháp luật, có nhiều điều đáng bàn về vụ việc này. 
Theo tiến sĩ Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cách đây 20 năm, khi tư vấn luật cho một doanh nghiệp nước ngoài, ông đã gặp một trường hợp mượn bằng tốt nghiệp của người khác tương tự. Sau nhiều năm, trường hợp này được quy định trong luật vẫn chưa có nhiều thay đổi. 
Đầu tiên cần xác định rằng bà Ái Thảo sử dụng bằng tốt nghiệp thật có tên Ái Sa chứ không phải sử dụng bằng giả. Vì vậy, không thể khép vào "Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo Bộ luật hình sự năm 2015. Vì vậy, chỉ có thể xử phạt hành chính đối với hành vi này mà không thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Việc xử phạt hành chính sẽ căn cứ vào các quy định hiện hành đối với hành vi này. 
Tuy nhiên, cần phải rà soát kỹ là những giấy tờ nhân thân của bà này như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân... bà Ái Thảo sử dụng có phải là giấy tờ thật của bà Ái Sa hay không? Nếu tất cả là thật thì không có vấn đề gì. Nhưng nếu bà Thảo có hành vi đổi tên các giấy tờ nhân thân có tên Ái Thảo thành Ái Sa thì hành vi này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo "Tội sửa chữa, sử dụng giấy chứng nhận và các tài liệu của cơ quan, tổ chức" theo quy định của Bộ luật hình sự 2015. 
Ngoài ra, theo tiến sĩ Sơn, trong trường hợp trước đây ông từng trực tiếp tư vấn cho doanh nghiệp xử lý thì bên cạnh đuổi việc, để nghị cơ quan chức năng xử phạt hành chính, doanh nghiệp có thể đề nghị người vi phạm phải trả lại toàn bộ tiền lương do công ty trả từ khi bắt đầu vào làm đến khi nghỉ việc. Lý do là tiền lương này không phải trả theo tên của người này mà tên của người khác trong bằng tốt nghiệp và giấy tờ khác. Từ khi sử dụng bằng tốt nghiệp của người khác để làm việc, mọi hợp đồng giữa hai bên đã trở thành vô giá trị. 
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa.
(Khoản 2 Điều 16 Nghị định 138/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục)
Người nào sửa chữa, làm sai lệch nội dung hộ chiếu, thị thực, hộ khẩu, hộ tịch hoặc các loại giấy chứng nhận và tài liệu khác của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ đó thực hiện hành vi trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng,  cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
(Điều 340 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội sửa chữa và sử dụng giấy chứng nhận, các tài liệu của cơ quan, tổ chức)
"Vì vậy, trong vụ mượn bằng tốt nghiệp của chị gái để thăng quan này, các cơ quan chức năng có thể yêu cầu bà Ái Thảo trả lại tất cả lương đã nhận từ năm 1999 khi xin vào làm nhân viên hợp đồng tại Công ty Xuất nhập khẩu cà phê 2-9 (Đắk Lắk). Kể từ thời điểm đó, hợp đồng lao động của bà với các cơ quan không có giá trị vì hợp đồng ký với bà Ái Sa theo tên trên bằng tốt nghiệp chứ không phải bà Ái Thảo", ông Sơn cho biết. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.