Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Tháng 7.2020 phải công bố phương án thi năm 2021

25/09/2019 22:26 GMT+7

Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam , việc thi THTP quốc gia trên máy tính từ sau năm 2020 nằm trong lộ trình đã được bàn từ cách đây 5 năm, vì thế bây giờ không bàn lùi là sau năm 2025 mới thực hiện.

Trong cuộc họp với Bộ GD-ĐT hôm nay, 25.9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó chủ tịch Hội đồng quốc gia về giáo dụcphát triển nguồn nhân lực, đã có những chỉ đạo liên quan tới việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, yêu cầu Bộ GD-ĐT phải sớm triển khai.
Sau khi nghe ông Mai Văn Trinh (Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng) đại diện Bộ GD-ĐT trình bày về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh sau năm 2020, Phó thủ tướng cho rằng, dự kiến của Bộ GD-ĐT là chậm hơn rất nhiều so với lộ trình đã được vạch ra từ cách đây 5 năm, khi bàn về đổi mới thi theo yêu cầu của Nghị quyết T.Ư số 29.
Phó thủ tướng đánh giá, mặc dù xảy ra sự cố gian lận thi cử năm 2018 nhưng việc đổi mới thi trong thời gian qua là đúng hướng, nên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu phải kiên trì và duy trì, thực hiện đúng lộ trình mà chúng ta đã xác định từ năm 2014, trên tinh thần cầu thị, cái gì chưa làm tốt thì rút kinh nhiệm để làm tốt hơn. Cuộc họp hôm nay là để bàn làm sao thực hiện kỳ thi THPT quốc gia từ 2021 theo đúng lộ trình đã định, trên tinh thần khắc phục những khuyết điểm, phát uy các ưu điểm mà kỳ thi THPT quốc gia đã bộc lộ trong 5 năm qua.
Theo Phó thủ tướng, cái chậm hơn của lộ trình đổi mới thi mà Bộ GD-ĐT vừa đưa ra phương án dự kiến là việc tổ chức cho học sinh làm bài thi trên máy tính. “Câu chuyện đưa các trường đại học về chấm thi ở các nơi, bản chất là vì sao? Vì giao cho địa phương thì mình ngại là không khách quan, không trung thực, rồi lại chuyện chấm lỏng tay chấm chặt tay… Nên mình phải đưa đại học, tức là “đưa trung ương” về. Nếu làm được việc cho học sinh thi trên máy tính thì tự nhiên cái đó sẽ được khắc phục”, Phó thủ tướng chia sẻ.
Phó thủ tướng cũng cho biết, nếu không có trục trặc của kỳ thi năm 2018, thì năm 2019 đã thí điểm đưa việc làm bài thi trên máy tính ở một số cơ sở, và năm nay sẽ là mở rộng diện thí điểm. Vì thế, câu hỏi quan trọng phải trả lời bây giờ là lúc nào thì bắt đầu thí điểm việc cho học sinh thi trên máy tính? Không thể cho rằng đó là việc của sau năm 2025, mà cần phải xác định đó là việc phải làm từ nay đến năm 2025. Nghĩa là không đẩy việc sang nhiệm kỳ sau, mà cần phải làm luôn ngay trong thời gian tới.
Phó thủ tướng lưu ý: “Điều đặc biệt quan trọng là chỗ này, muốn thi được trên máy thì không chỉ cần có máy, mà là các cháu trong quá trình học phải làm quen với máy rồi, cho nên không thể cực đoan, nghĩa là kể cả sau này khi đã thi trên máy rồi, có thể vẫn còn một số bộ phận luôn luôn phải thi trên giấy. Nhưng xu hướng là mình phải dùng công nghệ để các cháu có thể thi được nhiều lần, và bớt đi được sự can thiệp của con người”.
Theo Phó thủ tướng, Bộ GD-ĐT có 2 lộ trình cần phải thực hiện. Một là lộ trình thi sau 2021 thì phải công bố chậm nhất trước tháng 9.2020, tốt nhất là công bố trước khi học sinh nghỉ hè, tức là trước tháng 7. Còn thi năm 2020 như thế nào thì phải công bố sau kỳ nghỉ tết cổ truyền, nghĩa là chỉ còn 3 - 4 tháng để hoàn thiện phương án. Kỳ thi năm 2020 về cơ bản là ổn định, nhưng vẫn cần một số cải tiến để làm tốt hơn.

Lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân về phương án thi từ 2021

Về phương án thi từ năm 2021, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ GD-ĐT phải lấy ý kiến rộng rãi trong toàn dân. Tất cả những dự định phải đăng lên báo để người dân có căn cứ góp ý. Tất nhiên, trước khi lấy ý kiến toàn dân, phải chuẩn bị kỹ từng phương án.
“Thủ tướng sẽ không bao giờ phê duyệt, không bao giờ đưa ra lấy ý kiến trong Chính phủ khi Bộ GD-ĐT chưa hỏi ý kiến rộng rãi đâu. Cá nhân tôi cũng không bao giờ đồng ý nếu như Bộ GD-ĐT chỉ xin ý kiến diện hẹp”, ông Phó thủ tướng khẳng định.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu không được lấy cớ do chưa có ngân hàng câu hỏi đề thi đủ lớn để trì hoãn việc tổ chức cho học sinh thi trên máy tính. Một mặt, Bộ GD-ĐT phải khẩn trương chuẩn bị tích cực hơn để phát triển ngân hàng câu hỏi đề thi. Mặt khác, phải có kế hoạch tổ chức thi trên máy tính mà không nhất thiết phải có ngân hàng khổng lồ ngay từ đầu.
Phó thủ tướng cũng giao Bộ GD-ĐT phấn đấu tháng 7.2020 phải công bố phương án thi năm 2021. Muốn công bố thời điểm đó thì phải trình Chính phủ sớm hơn để ban hành, cùng lắm tháng 4.2020 là phải trình.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.