Để con được tự quyết định lịch sinh hoạt của mình
Chia sẻ về cách dạy con trong thời gian này, chị Tô Hồng Vân (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM), tác giả của nhiều sách thiếu nhi, cho biết: “Cách dạy con hay nhất chính là thả lỏng để con được tự quyết định lịch sinh hoạt của mình”.
Là mẹ của 3 con (bé lớn 14 tuổi, bé thứ hai 12 tuổi và út 7 tuổi), với công việc tự do, thời gian này chị Vân dành hầu hết thời gian ở nhà với con. Thay vì can thiệp sâu, hay yêu cầu con phải hoạt động theo lịch mà mẹ mong muốn, chị dành thời gian này để quan sát con.
Thời gian đầu, khi nghỉ học, các bé được giáo viên giao bài tập về nhà. Tuy nhiên, chỉ sau 3 ngày, chị thấy các con hoang mang và bắt đầu kêu khó. “Tự học là một trong những kỹ năng rất quan trọng, do vậy mình đã cùng ngồi lại với các con, phân tích những điểm tích cực của việc tự học và động viên các con lên lịch học khoa học hơn, đồng thời tạo thói quen tự học ở nhà”, chị Vân nói.
Với sự đồng hành của mẹ, hơn một tuần sau, các con của chị Vân đã bắt nhịp được với việc học trực tuyến và bắt đầu có hứng thú với việc học hơn.
Tuy nhiên, ngoài việc học, mỗi ngày các con của chị Vân còn rất nhiều thời gian, trong khi lại phải ở nhà hoàn toàn, không ra khỏi nhà nên nhiều khi các bé tỏ ra ngột ngạt, bức bí và nảy sinh những cảm xúc tiêu cực. Có lúc 3 chị em lại xảy ra “chiến tranh”, nhưng thay vì cáu gắt, chị định hướng cho con kiểm soát cảm xúc của mình.
Trước đây, gia đình chị Vân có những quy định riêng dành cho các con như thời gian sử dụng thiết bị công nghệ, thời gian học, sinh hoạt chung… Tuy nhiên, khi ở nhà quá nhiều, các con bắt đầu có những phản ứng lại với những quy tắc này, chị đã không ngần ngại ngồi lại với con để chia sẻ và thay đổi lại một số nguyên tắc, giúp các con cảm thấy thoải mái hơn.
Chị Vân cũng nhận thấy, khi ở nhà nhiều, con có thể cáu kỉnh, hoang mang, lo lắng... “Những lúc như vậy mình chấp nhận cho con trải qua những cảm xúc này, cùng con gọi tên cảm xúc, lắng nghe tâm trạng của mình và tìm những “phương thuốc” như ăn bánh, uống trà để cảm thấy dễ chịu hơn - việc này giúp con làm quen và quản lý được những xúc cảm không vui”, chị Vân chia sẻ.
Dạy con cách phòng bệnh, giữ gìn sức khỏe bản thân
Vừa là chuyên gia giáo dục mầm non nhưng cũng là một phụ huynh, thạc sĩ Bùi Thị Thu Vân (TP.HCM) cho biết ngay khi con nghỉ học, chị đã cùng con lên lịch hoạt động cho các ngày trong tuần.
Đặc biệt, trong thời gian này, chị luôn chú trọng dành thời gian nói chuyện với con về tình hình dịch bệnh, từ những nguy hiểm của bệnh Covid-19 đến cách phòng ngừa, cũng như trách nhiệm của mỗi thành viên đối với gia đình và xã hội.
Chị Thu Vân hướng dẫn con từ cách rửa tay đến cách dùng khẩu trang, giữ gìn vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc vào những vật cầm nắm ở nơi đông người… Bài học này sẽ giúp con chấp nhận việc ở nhà trong thời gian dài, cũng như có trách nhiệm hơn trong việc giữ gìn sức khỏe bản thân.
Trong thời gian con ở nhà, chị cũng hướng dẫn con tạo ra rất nhiều trò chơi để có thể vừa học vừa chơi; trong đó có những trò rèn tính kiên nhẫn như “thử thách 24 giờ”, bé sẽ ăn, ngủ, nghỉ trong vòng 24 giờ ở “lán trại” nhỏ của mình trong phòng; rèn luyện sự sáng tạo, tính tỉ mẩn cùng đôi tay linh hoạt với việc tạo ra những đồ chơi, trò chơi từ các vật dụng đơn giản có thể tìm thấy trong nhà; phát triển tư duy với những thí nghiệm nhỏ…
Mỗi tối sau bữa ăn, chị dành 15 phút để cùng con tổng kết một ngày, giúp con đúc rút ra những bài học, kinh nghiệm, những hoạt động nên duy trì và những thói quen không tốt nên bỏ.
“Sau gần 2 tháng ở nhà, bé dần học được cách sinh hoạt, làm việc có kế hoạch, rút ra được một số kinh nghiệm từ những kế hoạch đang thực hiện của mình. Đây là những kỹ năng con chưa có trước đây”, chị Thu Vân nói.
Bình luận (0)