Sinh viên tốt nghiệp khó tìm việc nên làm gì ?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
19/08/2020 09:06 GMT+7

Hàng trăm ngàn sinh viên vừa tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ trong thời điểm dịch Covid-19 chưa được khống chế nên các công ty đều ngưng tuyển dụng hoặc tuyển rất ít. Sinh viên mới ra trường phải làm gì để có được việc làm?

Tạm thời làm những công việc ngắn hạn

Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết đợt này trường có khoảng 3.000 sinh viên (SV) các ngành nghề sẽ tốt nghiệp. “Dịch Covid-19 đang có tác động không nhỏ tới thị trường việc làm. Theo đó, nhiều doanh nghiệp đang hoạt động khó khăn và cầm chừng nên không có nhu cầu tuyển. Tuy nhiên, đó chỉ là những ngành nghề về dịch vụ như: du lịch, nhà hàng, khách sạn... Các ngành nghề về kỹ thuật, sản xuất, công nghệ thông tin... vẫn tuyển dù không nhiều”.
Theo tiến sĩ Trung Nhân, SV tốt nghiệp không nên quá bi quan vì trong thời gian này có thể tìm kiếm một công việc khác ngắn hạn để có thêm kinh nghiệm cũng như kỹ năng. “Các em không nên đặt nặng về việc phải làm đúng ngành nghề trong thời điểm này, hoặc phải có thu nhập cao, vì đang khó khăn chung. Nhiều doanh nghiệp tuyển dụng yêu cầu về kinh nghiệm làm việc cũng như thái độ, kỹ năng phải tốt, thì đây chính là thời điểm phù hợp để các em tích lũy, chuẩn bị cho hành trang tìm việc sau khi dịch Covid-19 được khống chế hoàn toàn”, tiến sĩ Nhân đưa ra lời khuyên.
Tại Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, việc xét tốt nghiệp được thực hiện 4 đợt/năm, vào các tháng 3, 6, 9, 12. Số lượng tổng 2 đợt (tháng 3 và 6) là khoảng hơn 1.000 SV, nhưng do dịch chưa chấm dứt nên trường chưa thể tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp. Trước đó, đợt xét tốt nghiệp tháng 12.2019 cũng có khoảng 700 SV vừa tốt nghiệp xong thì dịch bùng phát đợt một, nhiều bạn trẻ chưa kịp có việc làm.

Tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng đa dạng ngành nghề

Thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, thông tin: “Số lượng doanh nghiệp cắt giảm nhân sự nhiều trong và sau dịch Covid-19 nên nhu cầu tuyển dụng cũng giảm, vì thế việc tìm kiếm việc làm của SV cũng gặp khó khăn. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp có mối quan hệ thường xuyên với nhà trường vẫn được duy trì, trong đó nhu cầu tuyển dụng của các nhóm ngành chăn nuôi, thủy sản, nông học, thực phẩm và bất động sản chiếm ưu thế so với các ngành khác. Đặc biệt, các ngành liên quan tới thực phẩm, nhu yếu phẩm có nhu cầu tuyển nhiều nhất. Các ngành về kỹ thuật chuyên môn sẽ vẫn có nhu cầu tuyển dụng, còn các ngành dịch vụ thì sẽ có những hạn chế nhất định”.
Thạc sĩ Nguyễn Thái Châu, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp, Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho hay SV có thể lên các trang việc làm để có thông tin về tuyển dụng của các doanh nghiệp. Theo đó, các công ty bảo hiểm, logistics vẫn đang tuyển với rất nhiều vị trí việc làm trực tuyến. “Trong thời điểm này, các em cứ tạm thời làm một công việc để có thu nhập và thêm kinh nghiệm, kỹ năng trước đã, không nên ngồi không và không nhất thiết phải đúng chuyên môn. Chỉ cần dịch được kiểm soát là các hoạt động kinh doanh sản xuất hồi phục, nhất là du lịch, nhà hàng, khách sạn. Lúc đó nhu cầu tuyển dụng chắc chắn sẽ rất nhiều”, thạc sĩ Thái Châu nhận định.
Ông Lê Xuân Dũng, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ học sinh - sinh viên TP.HCM, thông tin năm nay số lượng đơn vị tuyển dụng đăng ký tại trung tâm giảm khoảng 30% so với mọi năm. SV tốt nghiệp nếu muốn kiếm việc làm bán thời gian có thể truy cập mục việc làm trên trang web của trung tâm này tìm những công việc như nhân viên bán hàng, nhân viên siêu thị, phục vụ quán ăn nhà hàng, nhân viên chăm sóc khách hàng, gia sư...

Học thêm Anh văn, tin học, trau dồi kỹ năng

Theo thạc sĩ Đặng Kiên Cường, trong tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nếu SV chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn và không đi làm công việc tạm thời, thì vẫn có thể có những kế hoạch bổ ích khác.
“Chẳng hạn, các em tranh thủ thời gian để tự trau dồi và nâng cao kỹ năng ngoại ngữ, tin học. Bên cạnh đó, củng cố và mở rộng kiến thức chuyên môn, hoặc xem xét thế mạnh của bản thân để tự khởi nghiệp nếu có thể. Cũng đừng quên giữ mối liên hệ thường xuyên với thầy cô, bạn bè, các trang thông tin của trường, khoa, phòng, để có những cơ hội việc làm phù hợp với năng lực bản thân và chuyên môn. Đồng thời, các em nên tìm hiểu thông tin về lĩnh vực mà mình định làm việc, về những công ty, tập đoàn mình nhắm tới, để có những định hướng phù hợp trong tương lai”, thạc sĩ Kiên Cường chia sẻ.
Tiến sĩ Trần Hữu Duy, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Đà Lạt, cho biết có khoảng 600 SV tốt nghiệp đợt này sẽ bị ảnh hưởng trong tìm kiếm việc làm. Tiến sĩ Duy lưu ý: “Các em nhất định phải tận dụng thời gian này để học thêm ngoại ngữ, có thể tự học qua mạng, bồi dưỡng thêm kiến thức về ứng dụng công nghệ thông tin vì 2 điều này rất quan trọng trong quá trình tuyển dụng và làm việc sau này. Các em nên giữ liên lạc với khoa cũng như Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp và hỗ trợ SV của trường để có những thông tin cần thiết về việc làm”.
Thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, khuyên bạn trẻ vừa tốt nghiệp thời gian này nên trau dồi ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm. Đồng thời tìm hiểu về các công ty mình muốn làm việc xem họ có nhu cầu tuyển dụng như thế nào, các tiêu chí họ đòi hỏi ở ứng viên để biết được mình đang thiếu gì, cần bổ sung những gì. “Hoặc xem xét để học nâng cao trình độ cũng là một lựa chọn”, thạc sĩ Khang nói.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.