Thành tích ảo trong nghiên cứu khoa học: Hệ lụy của chiến lược đi tắt đón đầu

09/09/2020 15:45 GMT+7

Khi một trường đại học chọn chiến lược ‘đi tắt đón đầu’ trong phát triển nghiên cứu khoa học hay đúng hơn là tăng thứ hạng sẽ dẫn đến những hệ lụy lớn trong quá trình phát triển trường và xã hội.

Thời gian gần đây Báo Thanh Niên đăng loạt bài nêu tình trạng vi phạm liêm chính học thuật trong phát triển nghiên cứu khoa học ở một vài trường đại học ở Việt Nam. Cộng đồng khoa học ở Mỹ và ở các nước tiên tiến đã biết từ khá lâu về vấn đề ‘mua-bán’ bài báo khoa học với mục đích nâng cao thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế ở một số nước không chỉ ở Việt Nam.
Một vài bài báo cũng đã nêu nguyên nhân cho việc làm này. Nhu cầu của trường đại học để tăng thứ hạng trong các bảng xếp hạng đại học quốc tế và nhu cầu của cá nhân để có bằng tiến sĩ hay để công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Như một quy trình gây nghiện 

Những gì đang xảy ra làm tôi liên tưởng đến một sự kiện tương tự cách đây gần 10 năm về tay đua xe đạp nổi tiếng thế giới Lance Armstrong. Ông Armstrong chiến thắng bệnh ung thư tuyến tiền liệt và trở lại đua xe đạp. Ông đoạt giải vô địch cuộc đua Tour De France nổi tiếng thế giới 7 năm liên tục kể từ năm 1999. Ông trở thành một hình tượng cho mọi giới trên toàn cầu về chiến thắng bản thân. Nhưng để có những giải thắng ấy ông đã sử dụng chất tăng lực một cách tinh vi mà có thể qua mặt được các kiểm tra y tế gay gắt cho các cuộc đua quốc tế. Cuối cùng thì ông cũng tự thú là đã dùng chất tăng lực trong suốt cuộc đời thể thao của ông. Hậu quả là ông bị Hội xe đạp quốc tế tước tất cả huy chương và xóa toàn bộ thành quả đua xe đạp của ông trong quá khứ và đồng thời cấm ông tham gia đua xe đạp cả đời. Hội từ thiện Armstrong Foundation do chính ông thành lập truất phế ông ra khỏi hội đồng quản trị. Ông mất tất cả các hợp đồng quảng cáo, đại diện thương hiệu cho các doanh nghiệp cũng như các nguồn thu từ diễn thuyết công chúng. Có thể nói chỉ vì muốn thắng bằng mọi giá mà đưa đến hậu quả thân bại danh liệt toàn tập.
Khi một trường đại học chọn chiến lược ‘đi tắt đón đầu’ trong phát triển nghiên cứu khoa học hay đúng hơn là tăng thứ hạng sẽ dẫn đến những hệ lụy lớn trong quá trình phát triển trường và xã hội.
Chiến lược này như một quy trình gây nghiện. Một khi trường bắt đầu tăng hạng thì tâm lý mong muốn tiếp tục nâng cao thứ hạng sẽ trở thành áp lực dẫn đến việc trường đầu tư ngày càng nhiều vào mảng này thay vì đầu tư phát triển nội lực. Cho dù không bị phát hiện thì đây là một quy trình phát triển không bền vững và sẽ dẫn đến sụp đổ trong dài hạn. Sự thật trước sau gì cũng bị phơi bày, đặc biệt với việc sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo kết hợp với khoa học dữ liệu đang phát triển ở những tạp chí khoa học quốc tế lớn. Điều này sẽ dẫn đến hậu quả hủy hoại thương hiệu và ảnh hưởng toàn bộ phát triển của trường.
Ngoài ra, chiến lược này sẽ sản xuất hàng loạt tiến sĩ kể cả phó giáo sư và giáo sư kém chất lượng. Những người này sẽ trở thành giảng viên đào tạo nhiều thế hệ trẻ sau đó. Điều này ảnh hưởng đến tương lai phát triển đất nước dài hạng và đây là một hệ lụy xã hội lớn.
Đánh giá một cách khách quan thì Trường ĐH Tôn Đức Thắng trong thời gian qua đã thành công trong việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học trong phát triển đại học. Các trường đại học khác qua đó mà xây dựng cơ chế mới để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học ở trường mình. Đây là một đóng góp tích cực cho phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam.

Để nghiên cứu khoa học trở thành một trụ cột quan trọng

Ở thời điểm này tôi cho rằng ưu tiên hàng đầu cho cộng đồng học thuật là trả lời câu hỏi "Chúng ta nghĩ trường đại học cần phải làm gì để nghiên cứu khoa học trở thành một trụ cột quan trọng trong phát triển đại học bền vững và không đi vào vết xe đổ đã qua?"
Ở cấp độ vi mô trường đại học, cần có các giải pháp sau:
Xây dựng chiến lược phát triển nội lực nghiên cứu khoa học. Điều này giống như dạy một đứa trẻ từ mầm non đến khi trưởng thành, do đó đây là một chiến lược dài hạn 15-20 năm chứ không thể trong một nhiệm kỳ.
Để phát triển nội lực, cần tập trung vào đội ngũ giảng viên cơ hữu, thu hút những tiến sĩ trẻ được đào tạo ở nước ngoài có khả năng nghiên cứu khoa học tốt. Trường đầu tư tập trung vào một, hai trung tâm hay viện có tầm chiến lược dựa trên thế mạnh thực chất của các nhóm nghiên cứu đang hiện hữu chứ không dàn trải. Những đầu tư này không chỉ bao gồm tạo dựng môi trường nghiên cứu tiên tiến mà còn đi đôi với phát triển nguồn nhân lực như học bổng cho nghiên cứu sinh có tài năng. 

Bài báo gần đây đăng trên MDPI có ghi địa chỉ tác giả ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng đều là người nước ngoài

Ảnh chụp màn hình

Xây dựng cơ chế nhân sự nghiên cứu khoa học. Trường đại học lâu nay tập trung vào mục tiêu chính là đào tạo, do đó trường chỉ lo phân công lịch giảng dạy và vài nhiệm vụ hành chính cho giảng viên. Gần đây nhiều trường yêu cầu giảng viên thực hiện và báo cáo nghiên cứu khoa học, tuy nhiên trường chưa có cơ chế và chính sách nhân sự rõ ràng. Trường đại học sẽ có hai đội ngũ giảng viên, một chỉ chuyên giảng dạy và đội còn lại muốn có thời gian làm nghiên cứu khoa học. Trường cần có chính sách và cơ chế rõ ràng để khuyến khích giảng viên nghiên cứu khoa học chứ không chỉ nói đây là nhiệm vụ của giảng viên .
Xây dựng chương trình phát triển giảng viên nghiên cứu khoa học. Hầu như các trường sau khi ký hợp đồng lao động với giảng viên mới thì chỉ giao nhiệm vụ giảng dạy và nêu yêu cầu nghiên cứu khoa học. Chưa thấy trường nào có chương trình phát triển giảng viên theo từng cấp độ rõ ràng.
Ở cấp độ vĩ mô, nhà nước cần tạo cơ hội tự chủ đại học ngày càng nhiều hơn như trong việc đánh giá và phong chức danh giáo sư, phó giáo sư
Cần minh bạch năng lực nghiên cứu khoa học khi xét duyệt phong chức vụ giáo sư, phó giáo sư. Ứng viên có bài thuyết trình về nghiên cứu khoa học của mình trước công chúng và phát sóng qua dạng webinar để tất cả cộng đồng học thuật có chuyên môn có thể tham dự. Ngoài ra bài thuyết trình có thể được cập nhật bởi bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi nào và vào bất kỳ lúc nào. Thêm tiêu chuẩn cho xét duyệt giáo sư, phó giáo sư với số lượng thuyết trình khoa học được mời ở những hội thảo chuyên môn quốc tế ở nước ngoài, ít nhất là trong khu vực Đông Nam Á.
Minh bạch năng lực nghiên cứu khoa học khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Bảo vệ luận án tiến sĩ gồm phần mở và phần kín. Phần mở là bài thuyết trình thành quả nghiên cứu khoa trước công chúng và qua webinar như trên để cộng đồng học thuật có thể tham gia. Phần kín trước hội đồng như hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.