Vì sao nữ học nghề ít hơn nam?

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
06/08/2019 18:03 GMT+7

Theo số liệu của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, số lượng bạn trẻ học nghề trên địa bàn thành phố 6 tháng đầu năm là hơn 330.000 người, trong đó chỉ có hơn 26.000 là nữ. Như vậy tỷ lệ nữ chỉ chiếm gần 8%.

Thạc sĩ Đặng Minh Sự, Trưởng phòng Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết: “Số liệu trên chưa phải là tất cả vì trong lúc chúng tôi tổng hợp, có trường không nêu rõ tỷ lệ nam nữ là bao nhiêu. Tuy nhiên trên thực tế, rõ ràng nữ đăng ký học nghề ít hơn nam. Có một số lý do như danh mục ngành nghề của giáo dục nghề nghiệp đa số là những ngành kỹ thuật. Thứ hai, nhiều người vẫn quan niệm đi “học nghề” là nghĩ ngay đến những nghề như cơ khí, xây dựng, điện… nghe có vẻ như nặng nhọc, vất vả trong khi đó, cũng có nhiều nghề dành cho nữ như chăm sóc sắc đẹp, may mặc, kế toán…”.
Trong số hàng trăm trường CĐ, trung cấp và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp ở TP.HCM, chỉ những trường đào tạo về kinh tế, du lịch thì tỷ lệ nữ mới tương đương nam giới như các trường: CĐ Kinh tế đối ngoại, CĐ Kinh tế TP.HCM, CĐ Du lịch Sài Gòn, trung cấp Du lịch khách sạn Saigon Tourist… Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng Trường CĐ Quốc tế TP.HCM nhìn nhận: “Ở trường chúng tôi nữ nhiều hơn nam, nhưng nhìn chung còn tùy thuộc vào ngành nghề. Nếu là ngành kỹ thuật, xây dựng ở các trường thì nam gần như 100%”.
Nguyễn Thị Thùy Linh, một nữ sinh hiếm hoi học nghề điện công nghiệp
MỸ QUYÊN
Tại Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, tỷ lệ nữ chiếm 4-5%. Riêng những ngành như cơ khí, công nghệ ô tô thì nữ chỉ 2%. Tiến sĩ Lê Đình Kha, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, cho biết: “Mấy năm trở lại đây, trường khuyến khích nữ vào học các ngành kỹ thuật bằng cách hỗ trợ 50% học phí nhưng số lượng vẫn rất ít. Một số doanh nghiệp công nghệ lớn họ đang rất cần nữ làm việc trong lĩnh vực kỹ thuật. Chẳng hạn Intel có cấp học bổng Nữ sinh kỹ thuật Heeap trị giá 6,5 triệu đồng/năm cho nữ học bậc CĐ các ngành điện, điện tử, tự động hóa, cơ điện. Rõ ràng doanh nghiệp kỹ thuật công nghệ có nhu cầu tuyển nữ vì họ cho rằng có những vị trí việc làm rất cần tính cách khéo léo, tỉ mỉ, mềm mỏng của phụ nữ”.
Theo tiến sĩ Kha, tất cả những sinh viên nữ học tại trường khi tốt nghiệp đều được Intel tuyển dụng ngay.
Trong khi đó, tỷ lệ nữ ở Trường trung cấp kỹ thuật - công nghệ Hùng Vương có khả quan hơn một chút, chiếm khoảng 16%. “Ngành công nghệ thông tin tại trường có nhiều nữ nhất, trong khi công nghệ ô tô, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí… thì rất ít. Nhiều người vẫn quan niệm nữ học những ngành đó sẽ vất vả. Tuy nhiên, ngày nay công nghệ phát triển, dù là ngành kỹ thuật nhưng đều có thể điều khiển bằng máy tính chứ không như trước đây. Vì vậy, bên cạnh những nghề dành cho nữ thì vẫn có những ngành nghề kỹ thuật nữ hoàn toàn có thể học và ra đi làm mà không gặp trở ngại gì”, bà Phạm Quang Trang Thủy, Hiệu trưởng Trường trung cấp kỹ thuật - công nghệ Hùng Vương, nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.