Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT, trên thế giới, nhiều doanh nghiệp khi tuyển dụng không nói tới việc phải có bằng ĐH, trong đó Google đi theo cách này từ rất lâu. Tiên phong cho xu hướng này là các doanh nghiệp công nghệ thông tin, lĩnh vực có những doanh nghiệp mà ngay cả người sáng lập cũng không có bằng ĐH.
Tại VN, gần đây có một thông báo tuyển dụng của Viettel trong đó hồ sơ của ứng viên không liệt kê bằng ĐH. Chia sẻ với Thanh Niên, bà Vũ Thị Mai, Phó ban Tổ chức nhân lực Tập đoàn Viettel, xác nhận: “Khi tuyển dụng nhân sự, chúng tôi quan tâm nhiều nhất là năng lực của ứng viên. Năng lực đó được thể hiện qua 2 nhóm tín hiệu. Thứ nhất là thông qua hồ sơ của ứng viên (bằng ĐH, hồ sơ xin việc, thư giới thiệu…). Thứ hai là thể hiện thông qua các bài kiểm tra”.
Bà Mai cũng cho biết ở Viettel đã có nhiều trường hợp các ứng viên không đáp ứng được tiêu chí đầu (như bằng ĐH) nhưng lại thể hiện sự phù hợp cao thông qua các bài kiểm tra năng lực, do đó họ vẫn được lựa chọn để ký hợp đồng.
Bà Mai nói thêm: “Bằng chứng là những người không có bằng cấp vẫn đang làm rất tốt các công việc ở tập đoàn”.
tin liên quan
Bệnh sính bằng cấpTrong khi hầu hết các nhà tuyển dụng ở khu vực tư không coi bằng cấp như một điều kiện tiên quyết thì tại khu vực công, người có bằng cấp cao lại đang được hưởng những chính sách ưu tiên, đặc cách trong quá trình tuyển dụng, bổ nhiệm.
Công ty Cốc Cốc cũng không khắt khe về chuyện bằng cấp với các ứng viên khi tuyển dụng. Bà Đỗ Thu Hương, Giám đốc nhân sự của đơn vị này, cho biết việc lựa chọn nhân sự được kết hợp giữa tiêu chí học vấn và kinh nghiệm. Bên cạnh những người đã tốt nghiệp ĐH, công ty này cũng có chính sách tuyển dụng toàn thời gian với các sinh viên và cả những người chưa có bằng ĐH.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính yêu cầu ứng viên phải có bằng ĐH nhưng đó chỉ là yêu cầu tối thiểu để lọc hồ sơ. Còn khi đã bắt đầu hành trình tuyển dụng, năng lực của ứng viên mới là quan trọng.
tin liên quan
Văn bằng do trường nước ngoài cấp như thế nào thì được Bộ GD-ĐT công nhận?Dư luận hiện đang quan tâm thông tin bằng tiến sĩ của ông Nguyễn Xuân Anh do trường nước ngoài cấp nhưng không được Bộ GD-ĐT công nhận. Vậy văn bằng như thế nào thì mới là văn bằng được Bộ GD-ĐT công nhận?
Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng giám đốc PwC VN, nói: “Chúng tôi không trả lương theo bằng cấp. Khi được tuyển dụng, người lao động sẽ được hưởng lương theo vị trí công việc và năng lực của mình. Việc thăng tiến của họ hoàn toàn dựa vào năng lực chuyên môn hay năng lực quản lý và điều đó thể hiện qua hiệu quả công việc, chứ không phải do trong hồ sơ có bằng nọ bằng kia”.
Bà Vân cũng cho biết thêm, khi lọc hồ sơ ứng viên, công ty không phân biệt bằng của trường nào, trong nước hay nước ngoài, trường nổi tiếng hay trường vô danh cấp. Với những người có bằng do trường nước ngoài cấp, công ty cũng không yêu cầu họ phải công nhận văn bằng.
“Vào công ty có làm được việc hay không mới là quan trọng. Vào mà không làm được thì dù có bằng Harvard đi nữa chúng tôi cũng không ký tiếp hợp đồng”, bà Vân chia sẻ.
Bình luận (0)