"Mũ chống dịch của Việt Nam"
Ba bạn trẻ là Đỗ Trọng Minh Đức (học sinh lớp 11 Trường Montverde Academy - Mỹ), Trần Nguyễn Khánh An (học sinh lớp 8 Trường song ngữ quốc tế Hanoi Academy) và Nguyễn Hoàng Phúc (học sinh Trường quốc tế Pháp Lfay Hà Nội).
Vihelm là chiếc mũ bảo hộ che kín đường hô hấp, được bơm không khí liên tục qua một màng lọc vi rút khiến vi rút không thể lây xuyên qua mũ trong khi đội. Chiếc mũ cũng được thiết kế một hệ thống quạt làm thoáng khí, không gây đọng hơi nước bên trong, do đó, không làm ảnh hưởng tầm nhìn của người đội.
|
Đặc biệt, khi đội mũ, người dùng vẫn có thể thực hiện các động tác như gãi đầu, gãi mặt, thậm chí ăn uống mà không phải tháo dỡ thiết bị, bởi trong mũ còn có ít nhất một hộc rỗng dùng để chứa nước uống, thực phẩm hoặc các dụng cụ cá nhân khác như tăm, chỉ nha khoa, khăn lau… Người dùng cũng có thể được theo dõi, đo thân nhiệt mà không cần phải tháo, gỡ thiết bị.
Chia sẻ về sáng kiến này, Minh Đức, trưởng nhóm sáng chế, cho biết ý tưởng của các bạn trẻ ra đời từ việc giải quyết một đề bài được các thầy cô hướng dẫn giao cho, là tìm cách làm một mũ lọc không khí có nhiều tính năng, tạo được sự tiện nghi và thoải mái để tăng cường năng suất lao động cho người tiêu dùng, trong bối cảnh có thể cuộc chiến với dịch Covid-19 còn kéo dài.
|
Sau rất nhiều nỗ lực tìm tòi, các bạn đã hoàn thành chiếc mũ và đặt tên Vihelm (tên viết tắt tiếng Anh), trong đó "Vi" là Việt Nam còn "Helm" là mũ. Theo đó, Vihelm là "mũ chống dịch của Việt Nam".
Theo Minh Đức, Vihelm được thiết kế trên nguyên lý hoạt động của mặt nạ có tên là PAPR (PAPR - powered air-purifying respirator) - mặt nạ lọc không khí với các tiêu chuẩn được toàn cầu công nhận và có độ an toàn gấp 100 lần khẩu trang N99. Tuy nhiên, PAPR có nhược điểm lớn như phân tích của Bộ Y tế Mỹ là không đeo được lâu vì nếu bị ngứa đầu hay mặt thì không sao gãi được. Vì lẽ đó, PAPR ít khi được dùng cho phòng chống dịch bệnh.
“Để khắc phục nhược điểm của PAPR, nhóm sáng chế đã gắn thêm một găng tay đặc biệt ở đáy mũ, cho phép người dùng gãi mặt, dụi mắt hay thậm chí ăn uống mà vẫn giữ cách ly đường hô hấp với môi trường bên ngoài. Nhờ đó, người dùng có thể đội mũ thoải mái liên tục trong một ca làm việc khoảng 4 tiếng mà không lo bị ngứa hay nóng. Nói chung người dùng mũ có thể làm việc bình thường với nguy cơ lây nhiễm giảm tới 99,9%, theo như đánh giá thử nghiệm của nhóm”, Minh Đức chia sẻ.
|
Sáng tạo cùng đất nước vượt qua đại dịch
Chiếc mũ này đã được Phòng Thí nghiệm trọng điểm Vật liệu tiên tiến của Đại học Quốc gia Hà Nội đo đạc các chỉ số, bao gồm: hiệu suất lọc các hạt kích thước nhỏ, nồng độ CO2, nhiệt độ, độ ẩm. Kết quả cho thấy: hiệu suất lọc bụi PM2.5 trong 1 thử nghiệm đã lên tới 100% trong 40 lần đo khác nhau; nồng độ CO2 trong mũ cũng rất thấp, chỉ 2471 ppm (0,2471%), thấp hơn nhiều lần so với tất cả 6 loại thiết bị bảo vệ đường hô hấp của Mỹ mà một nghiên cứu đã công bố trên website của CDC Mỹ.
Mới đây, sáng chế được Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chọn giới thiệu trong hội thảo là thiết bị mũ bảo vệ đường hô hấp, "thiết bị cách ly y tế di động", giúp người đeo vừa phòng ngừa nhiễm/lây bệnh cho người khác, trong khi vẫn có thể làm việc bình thường, không phải cách ly tập trung như quy định. Mũ cách ly y tế di động Vihelm đã nhận được giải vàng tại cuộc thi đổi mới sáng tạo quốc tế (iCAN 2020) lần thứ 5 diễn ra tại Canada năm 2020.
|
Ý tưởng và những sáng tạo mới của sản phẩm này đã được đăng ký bản quyền sáng chế tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam và bảo hộ sở hữu trí tuệ thế giới. Đáng nói là nhóm các nhà sáng chế trẻ này đã chủ động chia sẻ CC Lience (tài sản sáng tạo công cộng) để bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng có thể tự khai thác thiết kế đưa vào sử dụng.
Hiện nay, Vihelm đã được giới thiệu tại nhiều nơi như: Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM, Bệnh viện Vinmec... Sau khi được giới thiệu tại hội thảo của UNDP, nhóm cũng đã được Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam bảo trợ và giới thiệu sản phẩm này tới Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam. Mũ cũng đang được nhóm sáng chế tiếp tục bổ sung những công nghệ mới tích hợp các chức năng thông minh để có thể trở thành một sản phẩm hoàn hảo nhất cho người sử dụng.
|
Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020 do Bộ KH-CN và T.Ư Đoàn tổ chức cuối nắm 2020, nhóm đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng bằng khen, biểu dương tinh thần tuổi trẻ Việt Nam sáng tạo, cùng đất nước vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Bình luận (0)