Có nên tiếp tục ăn tết ta?: ‘Tết Việt rất đặc biệt, các bạn nên giữ’

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
17/01/2020 14:03 GMT+7

Đến từ đất nước có nhiều lễ hội, Srikanth Raju K (Ấn Độ) cho rằng: 'Tết ở Việt Nam rất đặc biệt, các bạn nên giữ lại lễ hội này'.

Srikanth Raju K hiện làm việc tại Đà Nẵng và anh từng 3 lần đón Tết Nguyên đán tại Việt Nam, năm nay sẽ là năm thứ 4.

Dịp đặc biệt để mọi người sum vầy 

“Một vài lần, tôi được tận hưởng kỳ nghỉ lễ này tại nhà một người bạn Việt Nam. Tôi thật sự rất ấn tượng, nhất là khi được chứng kiến mọi người sum vầy bên nhau chuẩn bị những món ăn đặc biệt cùng nhiều phong tục thú vị”, Srikanth Raju K nói.
Srikanth Raju K cho rằng ở châu Á có rất nhiều nước đón Tết Nguyên đán, và điều này là một nét văn hóa đặc trưng riêng của phương Đông. Dịp lễ này cũng giúp Việt Nam tạo ra được dấu ấn riêng, thu hút du khách nếu bỏ đi sẽ rất phí.

Srikanth Raju K (người ngồi phía trước) cho rằng tết của Việt Nam là lễ hội rất đặc biệt

Nhân vật cung cấp

“Tôi chứng kiến thấy các bạn người Việt của mình rất háo hức mong chờ ngày tết. Được sống ở đây trong những ngày này tôi cảm thấy như đón tết ở quê nhà vì nó khá gần gũi với phong tục đón năm mới ở đất nước Ấn Độ chúng tôi”, Srikanth Raju K chia sẻ.
Đã từng đón tết tại Việt Nam, Shogo Suzuki (nhân viên kinh doanh tại U-Mac Vietnam Co., Ltd 2, TP.HCM), đến từ Hokkaido, Nhật Bản cho biết rất ấn tượng với Tết Nguyên đán của Việt Nam.
“Đối với người nước ngoài thì tết khá buồn, vì vào dịp này hầu hết mọi người về quê ăn tết, thành phố vắng vẻ, trong khi vật giá và các dịch vụ lại tăng vọt. Nhưng ngược lại chúng tôi cũng được trải nghiệm những hoạt động đậm nét văn hóa Việt trong dịp này”, Shogo Suzuki nói.
Về ý kiến Việt Nam có nên giữ lại tết truyền thống hay không, Shogo Suzuki cho rằng đây là dịp đặc biệt để mọi người có thể dành nhiều thời gian cho bản thân và gia đình, việc duy trì Tết Nguyên đán sẽ giúp mọi người có thêm động lực và nhiều năng lượng hơn sau kỳ nghỉ.
Theo Shogo Suzuki, Nhật Bản trước đây cũng từng ăn tết theo lịch âm, nhưng từ năm 1873 đất nước này quyết định bỏ tết âm lịch và chỉ đón năm mới theo lịch dương như các nước phương Tây.

Nhiều khách du lịch đến Việt Nam dịp tết để trải nghiệm những phong tục đặc trưng của dịp lễ này

Nguyễn Loan

“Một trong những lý do cắt giảm tết âm lịch của chúng tôi là giúp chính phủ không phải trả khoản lương tháng thứ 13 cho công chức. Đón Tết theo lịch dương giảm được ngày nghỉ, tăng sản lượng lao động quốc gia”, Shogo Suzuki chia sẻ thêm. Tuy nhiên, anh cho rằng kỳ nghỉ tết kéo dài ở Việt Nam không hẳn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế vì cũng vào dịp này khách du lịch đến Việt Nam rất nhiều.

"Kỳ nghỉ tết được nhiều hơn là mất"

Dù chưa từng đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam nhưng Badr Badraoui (đến từ Ma Rốc), giảng viên tại Greenwich University cũng cho rằng, tết là nét đặc trưng riêng của người Việt thì không dễ gì bỏ được.
“Ở đất nước chúng tôi, Giáng sinh cũng là dịp lễ quan trọng như tết ở Việt Nam vậy. Mọi người sẽ về thăm gia đình, nhưng chúng tôi chỉ có 2 ngày chứ không dài như ở Việt Nam. Dù vậy tôi nghĩ Việt Nam nên giữ lại truyền thống này như từ xưa đến nay”, Badr Badraoui nói.
Anh phân tích, xét về mặt kinh tế, việc nghỉ dài ngày trong dịp lễ, tết có thể khiến Việt Nam chậm lại đôi bước. Nhưng về mặt văn hóa, đây là một lễ hội có từ lâu đời, với nhiều nét riêng của người Việt, đây cũng là dịp để mọi người có thể đoàn tụ, chúc phúc cho nhau.
“Hơn nữa, sau một kỳ nghỉ dài thì mọi người sẽ làm việc hiệu quả hơn. Nên kỳ nghỉ tết theo tôi là được nhiều hơn là mất”, Badr nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.