Thay vì nhậu suốt ngày, sao nam giới không vào bếp nấu mâm cơm tết?

13/01/2020 18:15 GMT+7

Tết luôn là nỗi sợ hãi của đông đảo chị em phụ nữ khi phải quần quật dọn dẹp nhà cửa, làm cơm cúng, đãi khách... Nhưng ngược lại, không ít nam giới rảnh rang đi nhậu.

Tết là thời gian đặc biệt nhất trong năm, khi mà sự đoàn tụ, sum vầy đã làm nên những khoảnh khắc hạnh phúc. Nam giới có thể thay đổi thói quen 'nhậu' để tết đến thật sự với 'một nửa' thế giới hay không?

“Ngày mùng 3 mẹ mới có tết”

Ký ức về những cái tết, từ xưa cho đến nay của Đỗ Tấn Đạt, 24 tuổi, độc thân, trú xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, Bến Tre đó là việc lao động quần quật của mẹ, các dì, các mợ trong gia đình, từ 23 tháng chạp, đưa ông Táo về trời.

Người phụ nữ miền Tây chịu khó chịu thương trong công việc từ bếp núc đến đồng áng

Ảnh: Tấn Đạt

“Từ bếp núc, dọn dẹp nhà cửa, cho đến cúng kiếng ông bà, lúc nào mẹ cũng làm luôn tay chân. Chứng kiến mẹ làm nhiều quá, có nhiều lúc tôi chỉ muốn nói thôi mẹ đừng làm nữa, lo chơi tết đi. Vào những ngày 29, 30 tết, phải làm mâm cơm cúng ông bà, nên từ tờ mờ sáng tôi đã nghe mẹ lục đục chuẩn bị qua bên nhà nội nấu ăn cùng với mấy thím. Khoảng 8 giờ sáng, tôi dậy chạy qua nội vẫn còn thấy mẹ luôn tay với đủ việc. Xong xuôi mâm cơm nhà họ nội, mẹ lại tranh thủ chạy sang nhà ông bà ngoại và làm quần quật bên đó. Tới tối, mẹ về lo việc nhà cửa. Tôi giúp mẹ một chút dọn dẹp nhà cửa, ba lo nhang đèn, nhưng mẹ vẫn là người làm nhiều nhất”, Đạt kể.
Bạn nam quê ở miền tây cũng chia sẻ, ở quê anh, nam giới ít khi phụ nữ giới những công việc bếp núc, nấu nướng trong ngày tết. Mọi người mặc định rằng đàn ông lo những việc như nhang khói, tiếp khách, còn lại bếp núc, con cái, nhà cửa là việc của đàn bà, phụ nữ. Đặc biệt, trong những ngày tết thì việc “nhậu” là chuyện đã quá quen thuộc, đàn ông cứ gặp nhau là nhậu, nhiều người nhậu say sưa cả ngày.

Bánh chưng, bánh tét ngày tết. Nếu cả nhà cùng quây quần gói bánh ngày tết sẽ vui hơn rất nhiều

Ảnh: Ngọc Thắng

“Mùng 2 tết, nhà ngoại tôi gói bánh tét. Cứ từ chiều mùng 1, mẹ tôi vào đó làm tới khuya xong thì về nhà. Sáng sớm mùng 2 là phải vô nấu bánh tét cho tới chiều tối luôn, nấu xong thì không có ăn nổi nữa vì ai cũng mệt. Rồi mấy cái bánh tét đó mang đi cho, biếu mọi người, cả nhà chỉ còn mấy cái. Mẹ tôi, ngày mùng 3 mới được đi chơi hàng xóm, nhà bà con, lúc đó thì đã hết tết rồi… Giá như mọi người đàn ông trong nhà bớt chút thời gian nhậu, để đỡ đần, san sẻ với người phụ nữ trong gia đình của mình hơn, thì tết vui hơn biết bao nhiêu”, Đạt bộc bạch.

Tết là cùng nhau làm mọi thứ

YouTuber Đồng Văn Hùng, 24 tuổi, nhà sáng tạo kênh Ẩm thực mẹ làm cho rằng những công việc ngày tết, nên là cả nhà cùng nhau quây quần cùng làm vì cả năm chúng ta chỉ có một cái tết. Theo bạn trẻ còn độc thân này: “Người phụ nữ đã có một năm quá vất vả. Nếu đến tết, nữ giới trong gia đình cũng quần quật làm mọi thứ một mình nữa thì quá vất vả. Tết là cùng nhau làm mọi thứ, gia đình mới luôn ngập tràn niềm vui và có cái tết đoàn viên hạnh phúc”.
YouTuber kênh Ẩm thực mẹ làm cũng chia sẻ: “Tết là một dịp tốt để đàn ông vào bếp giúp vợ, giúp mẹ của mình, vì đây là lúc mọi người có nhiều thời gian rảnh hơn. Nếu những ngày này, nam giới còn đi nhậu say và bỏ mọi việc cho người phụ nữ của mình lo thì như vậy quá bất công cho phái yếu. Thay vì mình uống đén say xỉn, mình có thể uống ít hơn hoặc dùng nước ngọt để có thể cùng giúp người phụ nữ lo một cái tết đầm ấm, đồng thời đảm bảo an toàn giao thông. Tết có vui đến đâu, thì hạnh phúc nhất cũng là tết an toàn, bình yên”.

Hùng cùng mẹ nấu ăn và ngồi ăn bên bếp lửa trong một tối giáp tết

Ảnh: nhân vật cung cấp

Nữ giới muốn nam giới làm điều gì ngày tết?

Ở góc độ phụ nữ, chị Hoàng Thanh Hoài, đang công tác tại Bệnh viện mắt quốc tế Nhật Bản, Hà Nội), người phụ nữ yêu công việc bếp núc và chăm sóc gia đình, cho biết không cần đòi hỏi người đàn ông trong gia đình phải thay mình vào bếp, nấu thay vợ mâm cỗ cúng hay mâm cơm đãi khách, chỉ cần các anh cùng bớt chút thời gian đưa vợ đi sắm tết, mua quà cho bà con họ hàng, trang trí nhà cửa đã là khiến cho các chị cảm thấy rất vui. “Thay vì uống bia rượu, nhậu tới say xỉn chúng tôi - phái nữ rất thích người bạn đời của mình cùng xắn tay áo chuẩn bị tết, đó là những khoảnh khắc ấm áp, hạnh phúc”.

Những người đàn ông trong gia đình cùng gói bánh chưng tết tại làng Xuân Đỉnh, Q.Tây Hồ, Hà Nội

Ảnh: Ngọc Thắng

Chị Đặng Trần Lan Nghi, chủ tiệm bánh Lan Nghi, đường Lê Hồng Phong, P.Cam Lộc, TP.Cam Ranh, Khánh Hòa cũng bộc bạch, mỗi cái tết hạnh phúc nhất là thấy mọi thành viên trong gia đình cùng quây quần bên nhau chăm sóc nhà cửa, làm mứt, nấu nướng, trang trí không gian nhà đón xuân sang.
“Không nhất thiết đàn ông cứ phải vào bếp nấu giúp vợ mâm cơm cúng, hay đàn ông thay hết vai trò của vợ để dọn nhà hay làm các món ăn trong ngày tết mới là lý tưởng. Chúng tôi chỉ mong các anh đừng mải mê bia rượu, la cà quán xá, nhậu xuyên mấy ngày tết vừa hại sức khoẻ, không an toàn giao thông, rồi cùng vợ con chăm chút ngôi nhà của mình, đón tết cùng cả nhà, vợ nấu ăn, chồng chăm chút chậu hoa mai chẳng hạn, đó là điều bình dị ai cũng mong muốn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.