Bị chửi “điên” và 30.000 bao rác
Cúc làm tình nguyện rất nhiều, hầu như hoạt động tình nguyện nào cũng từng trải qua. Thế nhưng, nhặt rác chính là công việc mà chị cảm thấy hứng thú, có động lực và yêu thích nhất. “Thú thiệt, tôi… nghiện nhặt rác”, Cúc nói.
Cúc cho rằng sau những lần nhặt rác, hành động đó được lan tỏa, giúp môi trường ngày càng xanh, sạch, đẹp. Vì thế, chị đã vượt qua vô số những định kiến, gièm pha “làm chuyện cỏn con”...
“Nhiều người không hiểu ý nghĩa, mục đích của tôi, nên ngỡ tôi làm vì “vô công rỗi nghề”, “rảnh rỗi sinh nông nỗi”. Họ bảo tôi “bị điên”, thích chơi nổi. Họ nghĩ tôi làm cho có phong trào rồi “sớm nở tối tàn” chứ khó mà kéo dài. Rồi họ buông lời chê bai, chửi tôi nhiều lắm, vì “ăn rồi lo chuyện bao đồng”, “hết chuyện làm hay sao mà ăn rồi suốt ngày đi nhặt rác”. Thậm chí, ba tôi thấy người ta chửi tôi nên tưởng tôi bị… khùng, hỏi tôi nhặt rác làm gì để mọi người họ chửi”, Cúc nhớ lại.
Thực ra, Cúc không “vô công rỗi nghề”. Hằng ngày chị bận bịu vì đảm trách nhiều công việc ở hai lĩnh vực bất động sản và du thuyền. Tuy nhiên, vì không chịu được những hình ảnh rác vương vãi khắp nơi, chị thu xếp công việc, thời gian để đi khắp mọi nơi… nhặt rác. “Hầu như tuần nào tôi cũng đi nhặt rác cả. Tôi dành cả thanh xuân để đi… nhặt rác mà”, Cúc chia sẻ.
|
Câu chuyện nhặt rác của Cúc không “sớm nở tối tàn” như bao lời đàm tiếu. Tính đến nay, chị “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hơn 2 năm. Trong khoảng thời gian đó, chị đã đi nhặt rác ở khắp 38 tỉnh, thành… Hành động của chị đã lan tỏa, truyền cảm hứng và kết nối được hàng ngàn bạn trẻ.
“Mỗi chương trình nhặt rác do tôi khởi xướng có khoảng hơn 200 tình nguyện viên đăng ký. Có cả những người bạn ở Singapore, Nga, Ý, Bỉ, Pháp, Hà Lan… Họ thấy tôi đăng thông báo về dự án sắp diễn ra, đã đăng ký “cho đi chung với”. Tôi thấy rất vui vì sự chung tay bảo vệ môi trường ấy”, Cúc nhớ lại và nói thêm: “Có nơi nhặt khoảng 500 bao rác, có nơi lên đến 700 bao. Tính đến hiện tại, tôi và các cộng sự đã nhặt được hơn 30.000 bao rác”.
|
“Cúc ơi, ở đây có rác !”
Cúc thường nhận những tin nhắn như thế từ những người trên mạng, cả người quen lẫn người lạ. “Vì người ta biết tôi hay nhặt rác, nên thấy ở đâu có rác là họ liền chụp ảnh gửi cho tôi kèm câu: Ở đây có rác, Cúc đến đây nhe”.
Có nơi nhặt khoảng 500 bao rác, có nơi lên đến 700 bao. Tính đến hiện tại, tôi và các cộng sự đã nhặt được hơn 30.000 bao rácChị Giang Thị Kim Cúc |
Chỉ mới đây, vì cảm kích trước hành động của Cúc cũng như nhóm Green Trips VietNam, có những người đã tặng bao tay, đồ gắp rác, cho nhóm “ăn nhờ ở đậu”… “Còn trước đó, tôi và cả nhóm dành tiền túi để làm việc bao đồng. Dẫu vậy, tôi thấy vui và hạnh phúc vì làm được điều ý nghĩa cho cộng đồng”, chị chia sẻ.
Cúc cho biết trong quá trình đi nhặt rác có nhiều kỷ niệm vô cùng đáng nhớ. Như khi đến con suối gần chợ ở H.Lộc Ninh (Bình Phước), hiện trạng môi trường rất ô nhiễm, đầy rác rưởi. Chị và các tình nguyện viên vội xắn tay áo, đeo bao tay, lội xuống dòng nước đen ngòm để cùng nhau nhặt rác. Một thời gian ngắn, con suối được “hồi sinh” trong sự ngỡ ngàng của người dân địa phương.
|
“Giờ đây, người dân nơi đó đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi nữa. Chính quyền địa phương cũng gắn camera để bảo vệ dòng suối ấy”, Cúc nhớ lại.
Ngoài nhặt rác, chị còn tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, chia sẻ về ý thức bảo vệ môi trường với người trẻ. Tính đến nay, chị đã đến hàng chục trường từ tiểu học đến đại học, đến nhiều doanh nghiệp, công ty để chia sẻ về môi trường cho gần 20.000 người.
Cúc cho biết bản thân có ước mơ là Việt Nam được xóa tên khỏi danh sách những nước thải rác nhựa xuống biển nhiều nhất thế giới.
Chia sẻ về dự định sắp tới, chị bảo sẽ rủ rê bạn bè, các tình nguyện viên đi dọc biển Việt Nam để… nhặt rác, giúp các bãi biển trong sạch, đẹp mắt hơn trong lòng du khách trong và ngoài nước.
Bình luận (0)