Chiều nhậu giữa bãi rác
Chiều, những người đàn ông làm nghề rác í ới gọi nhau: “Làm ly nha! Nay có rượu Tây”. Rảnh tay sau khi dọn xong đống ve chai của mình, ông Trần Văn Thảo (50 tuổi) sốt sắng làm “chủ xị”, đi mua “mồi” cho bữa nhậu, rồi về bày bàn ghế.
Gọi là “mồi” cho… sang, chứ thực ra chỉ là mấy cái giò quảy và 1 tô cháo lòng nhưng xin tới 2 – 3 cái muỗng để mạnh ai nấy múc! Gọi là bàn ghế cũng cho sang, chứ thực ra chỉ là chiếc thùng phuy, thùng xốp “dã chiến”, như bao nhiêu bàn ghế của những người nhặt ve chai trong bô rác tạm (trạm trung chuyển rác, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM) này.
|
Ấy vậy mà cuộc nhậu ngon lành vẫn diễn ra giữa… bãi rác nồng nặc mùi. “Nay được người ta cho chai rượu Tây thơm tho, đem ra anh em mình tới bến”, ông Thảo cởi trần, tay giơ cao chai rượu hào hứng khoe. Ông nói, ở đây ai có gì mang ra nhậu nấy, dễ lắm.
Mà dễ thật! Cuộc nhậu diễn ra không xôm tụ như hàng quán, vì uống vài ly, người này lại đứng lên lựa tiếp mớ rác dang dở, xong đến người kia. Rồi kéo thùng ve chai ngang bàn nhậu, lại tấp vô cụng côm cốp vài ly.
“Vì xe rác lớn cứ liên tiếp đổ dồn trong bô, không nhặt ra kịp thì bỏ uổng. Mà bỏ nhậu cũng… uổng, nên vừa làm vừa uống”, anh Huỳnh Công Dũng (38 tuổi) cười khà khà.
|
|
Anh Dũng là “lãng tử” ở bô rác tạm này với mái tóc dài và dáng gầy, cao dong dỏng. Ngấm độ 3 - 4 ly, anh ngà ngà kể chuyện đời mình, gói gọn trong vỏn vẹn mấy câu: “Tôi theo ba mẹ làm rác từ hồi còn nhỏ xíu, rồi nối nghiệp luôn. Cứ 1 giờ sáng đi thu gom rác mướn ở P.Thạnh Xuân, chiều lại về bô này nhặt ve chai tới tối. Tháng còng lưng làm được khoảng 10 triệu chưa trừ xăng xe, chừa một ít sinh hoạt, còn lại gửi về quê cho vợ chăm con”.
Ngồi nghe ngóng cách đó không xa, anh Nguyễn Long Hồ (37 tuổi) nói vọng sang bàn nhậu: “Ông còn phải gửi tiền về quê cho vợ, tui thì không bao giờ đâu nha. Vợ tui toàn tự lấy không hà!”.
Hóa ra, là do anh Hồ ở chung với vợ con trong dãy trọ sát phía sau bô rác. Anh Dũng và nhiều người làm ve chai khác cũng ở đấy. Vừa là đồng nghiệp, vừa là hàng xóm, họ vẫn “chặt chém” nhau như thường.
“Thôi, không uống thì không có quyền góp ý kiến”, anh Dũng phản bác. Anh Hồ thường không tham gia cuộc vui cùng anh em do tửu lượng yếu. Vậy nên bị trêu chọc, anh đành phải ngậm bồ hòn, giả vờ chăm chú dọn tiếp đống ve chai.
Mỗi ông Thảo, nghe nói đến chuyện vợ con, ông không đùa nữa mà hơi cúi đầu. Vợ ông… mất vì tai biến cách đây 8 năm. Con cái lớn khôn và ra riêng, chỉ còn ông sống cùng mẹ già ở căn nhà cách bô rác không xa. Bởi cô đơn, ông mới thường làm “chủ xị” giải sầu.
Làm nghề rác, dù đã bỏ cái “mặc cảm”, lấy cái “mặc kệ” mà sống. Nhưng nghề nào cũng vậy, đời ai cũng vậy, cũng phải có trăm ngàn những chuyện buồn vui.
Chắt chiu những niềm vui
Bô rác tạm P.Hiệp Thành hiện có khoảng 40 người “bám trụ” làm nghề lượm ve chai. Mỗi người có một “căn nhà” riêng, che tạm bằng những tấm bạt, cây dù rách bươm.
“San sẻ nhau mỗi người một góc. Sức ai người đó làm, “nhà” ai người nấy chất. Đồ để vậy đó chứ chẳng ai tham lam của ai bao giờ. Làm nghề này người đời đã không mấy xem trọng rồi, nếu trong nghề mình còn ganh đua thì sao sống được”, ông Thảo chia sẻ.
|
|
|
Ngày lẫn đêm, nơi đây đều có người lục đục phân loại, dọn dẹp ve chai. Có người ra ca sáng, có người chiều, có người lại làm khuya cho mát mẻ. Sống cùng rác, ăn ngủ cùng rác, để loại bỏ mùi hôi ám lên người, hằng ngày những người làm nghề nơi đây đều phải dành ra ít nhất một tiếng để tắm rửa.
“Chung nghề với nhau thì không ai chê ai hết, nhưng đi ra ngoài thì phải sạch sẽ sẽ kẻo ảnh hưởng người ta. Đi làm về là phải vào phòng tắm liền, dùng những thứ có thể khử mùi như xác cà phê, chanh, lá quế để kỳ cọ, nhất là bàn tay bốc rác phải chùi rửa thật kỹ. Đôi khi chính con cái mình cũng mặc cảm, ra đường nó xấu hổ với bạn bè vì “cha mày làm nghề rác hôi thối”. Mình cố gắng thôi, ngày nó thành công nó mới hiểu nó lớn lên nhờ miếng rác ba nó gom”, ông Nguyễn Tấn Phát (54 tuổi), “tổ trưởng” của “tổ ve chai”, kể lại.
|
|
|
Nhưng những người làm rác họ không buồn quá lâu. Dăm ba câu trải lòng, họ lại cười cười, nói nói rộn ràng cả bãi rác. Họ kể về cái “lộc” của nghề, đó là những món đồ có thể tái chế, tái sử dụng mà họ nhặt được trong đống rác người ta bỏ đi. “Có khi là cái bàn ủi, có khi là cái ấm trà,… riết rồi cái nhà nhìn đâu cũng toàn đồ lụm. Mà gần như ai làm nghề rác cũng vậy á, nhìn gì cũng tiếc”, anh Hồ cho biết.
“Lâu lâu lụm được con heo đất, người ta lấy tiền ra mà sót vài ba chục. Có khi là cái bì thư đám cưới người ta quên. Có khi còn lượm được vàng nữa, mà cũng không có bao nhiêu. Biết người ta mất của cũng xót, nhưng cũng đâu biết ai mà trả. Nếu người mất tìm tới, mình sẵn sàng trả lại, biết đâu họ cũng khó khăn, hoặc món đồ đó là kỷ vật của họ thì sao”, anh Lê Quang Trung (33 tuổi) nhập vào cuộc nhậu khi trời sụp tối.
Nhấp một ly rượu ấm bụng, anh chép miệng: “Có mỗi một cục nợ nhặt được, đang muốn trả lại gần chết mà không được nè”. Cả xóm rác cười ầm. Ai cũng biết anh Trung đang nói về cô vợ của mình. Vợ anh cũng chung nghề, hai vợ chồng nên duyên trong… bãi rác. Anh nhặt ve chai thế nào mà nhặt luôn cả cô vợ mới hay! Cuộc nhậu lai rai ban chiều vẫn tiếp tục. Những người đàn ông uống không nhiều, chủ yếu chỉ để vui. Những niềm vui trong cái nghề họ ít, nên họ rất chắt chiu.
Bình luận (0)