Đường đến kỳ thực tập hè tại NASA của du học sinh Việt

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
26/06/2020 07:17 GMT+7

Dự án sân chơi khoa học cho người trẻ của Nguyễn Hoàng Ngân góp phần giúp Ngân 'ghi điểm' với nhà phỏng vấn ở Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) để được nhận vào thực tập trong mùa hè này.

Từ dự án xe lăn vượt địa hình…

Nguyễn Hoàng Ngân (22 tuổi) là cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM. 4 năm trước, Ngân ghi điểm với nhiều trường đại học ở Mỹ nhờ dự án xe lăn vượt địa hình cho người khuyết tật (giải ba Hội thi khoa học kỹ thuật quốc tế - Intel ISEF 2016 tại Mỹ). Ngân sau đó được cấp học bổng trị giá hơn 6 tỉ đồng để du học ở Mỹ.
Từ đây, Hoàng Ngân có cơ hội tiếp cận và thực hiện nhiều dự án mới. Ngân nhận thấy ở VN, sân chơi khoa học với quy mô tổng hợp cho học sinh khối THPT lẫn sinh viên đại học vẫn chưa thực sự được chú trọng. Một số cuộc thi về khoa học và phát triển công nghệ phổ biến chỉ dành cho đối tượng là sinh viên. Một số triển lãm khoa học khác thì chỉ dành cho những ý tưởng xuất sắc.
“Đa phần, các hệ sinh thái chỉ dừng lại ở khía cạnh triển lãm và diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm, hoặc ở hình thức một cuộc thi mang tính cạnh tranh cao. Rất khó để tìm thấy một mô hình bao gồm cả hoạt động theo sát tiến độ, hỗ trợ và bổ sung kiến thức toàn diện nhằm phát triển tiềm năng của người đang trong quá trình nghiên cứu ý tưởng, đề tài khoa học. Hồi trước, khi thực hiện dự án xe lăn vượt địa hình của mình, em và bạn phải tự mày mò từ con số 0. Thiếu kinh nghiệm, thiếu kiến thức, bọn em phải đọc qua hàng trăm loại tài liệu khác nhau và nhiều khi không có phương hướng. Do vậy, em mong muốn kết nối, tạo ra được sân chơi cho học sinh, sinh viên trong nước”, Ngân trăn trở.
Đây là lý do Ngân sáng lập dự án Chuỗi hoạt động và triển lãm khoa học vì tương lai (Science for the Future Fair - SFF). Đây là một dự án phi lợi nhuận nhằm tạo ra sân chơi tự do, mang tính cải tiến và truyền đi ngọn lửa nhiệt huyết với khoa học cho các bạn trẻ.
Sau khi lên nội dung cho dự án, Ngân cũng đã chiêu mộ được 48 bạn đồng hành để cùng tổ chức chương trình ở TP.HCM trong năm nay.
Với hoạt động vì cộng đồng của mình, dự án của Ngân đã mời được nhiều cố vấn nổi tiếng như: Phó giáo sư Brian Shuve, hiện công tác tại Harvey Mudd College; ông Bùi Thanh Tân là phó giáo sư, nhà nghiên cứu tại Đại học Texas - Austin, Mỹ; ông Nghiêm Ngọc Minh, Trưởng ban giám khảo cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia (ViSEF) năm 2016 - 2017...
Chuỗi hoạt động này của Ngân được tổ chức dựa theo mô hình của Hội thi khoa học kỹ thuật cấp quốc tế ISEF (hội thi nghiên cứu khoa học dành cho học sinh phổ thông lớn nhất thế giới) với nhiều hoạt động như: chuỗi hội thảo nghiên cứu; diễn đàn nghiên cứu; triển lãm nghiên cứu khoa học kéo dài từ tháng 5 - 12.2020.

… Đến thực tập ở cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ

Mùa hè năm nay, Ngân là một trong ít sinh viên ở Mỹ được nhận vào thực tập tại Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA).
Ngân hiện đang theo học song ngành toán học và vật lý tại Trường Harvey Mudd College (Mỹ). Trước đó, cậu đã có dự định làm nghiên cứu ở một cơ sở khoa học khác, tuy nhiên vì dịch Covid-19, chương trình của Ngân bị hủy bỏ.
Tưởng rơi vào bế tắc vì việc xin thực tập khá khó khăn khi các trường học, cơ quan ở Mỹ đều đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-1, nhưng qua “mai mối” Ngân “lọt vào mắt xanh” của một giáo sư đang thực hiện dự án về vật lý lý thuyết với NASA. Ngân được nhận ngay sau khi phỏng vấn.
Theo Ngân, để được lọt qua vòng phỏng vấn này là cả một quá trình dài cố gắng. Ngân ghi điểm nhờ vào kinh nghiệm làm nghiên cứu của mình. Trong 3 năm học tại trường, Nguyễn Hoàng Ngân được đánh giá cao với dự án về mô hình toán học và một dự án vật lý tại Trung tâm gia tốc tuyến tính Stanford (SLAC) của Đại học Stanford.
Ngoài ra, trong quá trình học, Ngân còn đăng ký học ở những lớp học nâng cao, nhờ đó Ngân có được mảng kiến thức cần thiết cho dự án tại NASA. Một trong những điểm mạnh khác của Ngân là hoạt động vì cộng đồng. Dự án SFF là một trong những hoạt động cộng đồng giúp Ngân ghi điểm khi phỏng vấn vào chương trình thực tập này.
“NASA rất hiếm có chương trình nào cho chuyên ngành vật lý lý thuyết, việc tuyển sinh viên vào thực tập cũng rất khó, ngay từ đầu em không dám nộp hồ sơ nên rất bất ngờ khi được nhận vào thực tập ở đây”, Ngân chia sẻ.
Được nhận vào nghiên cứu ở NASA, nhiệm vụ chính của Ngân là thiết kế một thí nghiệm giữa vệ tinh và trái đất cũng như giữa mặt trăng và trái đất nhằm kiểm tra sự tương tác của thuyết lượng tử (quantum) và thuyết tương đối rộng (general relativity).
“Đây là một đề tài rất khó vì nó kết hợp hai lý thuyết tưởng chừng như hoàn toàn tách biệt, kết hợp cả lý thuyết lẫn thực nghiệm. Thay vì được hướng dẫn từng bước, em được giao một kết quả người ta mong muốn. Tuy nhiên, chính việc này tạo ra áp lực rất lớn về tiến độ công việc và trách nhiệm khi em phải báo cáo mỗi ngày. Dù vậy, đây là một cơ hội hiếm hoi để em được học hỏi, thử sức mình”, Ngân nói thêm về dự án của mình tại NASA.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.