Người tiếp xúc với bệnh nhân 91 nhiều nhất
Ngô Việt Anh sinh ra và lớn lên ở Tây Ninh, trong một gia đình không có truyền thống về ngành y. Cùng trúng tuyển 2 ngành “hot” là y và công nghệ thông tin, Việt Anh chọn ngành y như một thử thách và khát vọng được giúp đỡ bệnh nhân (BN).
Năm 2015, Việt Anh tốt nghiệp Trường ĐH Y Dược TP.HCM rồi về Bệnh viện Chợ Rẫy công tác tại khoa hồi sức cấp cứu. “Kiến thức ở khoa hồi sức cấp cứu rất rộng, BN tình trạng nặng nằm tại khoa rất nhiều. Sở dĩ tôi chọn về khoa hồi sức cấp cứu vì ở đây tôi được học hỏi nhiều về chuyên môn, được theo dõi đa dạng hơn về các mặt bệnh, có thêm những kiến thức tổng quát sâu rộng hơn”, bác sĩ (BS) Anh nói.
Cuối tháng 2.2020, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 bùng phát mạnh, đội ngũ BS Bệnh viện Chợ Rẫy trở thành những người ở tuyến đầu chống dịch. BS Anh là thành viên trẻ quan trọng trong đội phản ứng nhanh của bệnh viện. Vai trò của BS Anh là hỗ trợ chuyên môn về điều trị và hồi sức các ca bệnh nặng tại những tỉnh xuất hiện ca Covid-19. “Lần đầu tiên tôi tham gia đội phản ứng nhanh là đi về Tây Ninh hỗ trợ chống dịch. Ngày 22.3, tôi nhận một cuộc gọi từ cấp trên báo cần đi gấp, thế là tôi chào tạm biệt vợ và lên đường ngay lúc nửa đêm”, BS Việt Anh kể lại.
Khi ổ dịch Buddha bar bùng phát tại TP.HCM, BN phi công người Anh (BN 91) bệnh tình diễn tiến nặng. BS Anh chính là thành viên được cử sang Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM hỗ trợ đồng nghiệp chạy máy ECMO (chạy tim, thận nhân tạo), theo dõi BN trong thời gian chữa trị. Gần 1 tháng “sống cùng” BN 91, từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đến Bệnh viện Chợ Rẫy, Ngô Việt Anh là một trong những BS tiếp xúc trực tiếp với BN 91 nhiều nhất; trải qua quá trình từ lúc BN trong tình trạng nguy kịch, tổn thương phổi rất nặng, chỉ còn 10% phổi hoạt động, phải chạy ECMO, lọc máu, mở khí quản cho đến khi BN dần hồi phục một cách ngoạn mục, cai được ECMO, máy thở và có thể sinh hoạt lại bình thường. Cuối cùng nỗ lực của cả tập thể y, BS của nhiều đơn vị cũng được đền đáp khi BN 91 xuất viện rồi về nước.
Tiếp tục lao vào tâm dịch Đà Nẵng
Ngày 24.7, BS Anh lại nhận cuộc gọi khẩn từ cấp trên yêu cầu ngay lập tức “xách ba lô lên và đi”. Trước khi lên đường, BS Anh chỉ kịp nhắn vội với vợ “vài ngày anh sẽ về”. Ngờ đâu, điểm dịch lớn nhất nước tại Đà Nẵng khiến anh phải chiến đấu ròng rã 1 tháng rưỡi mới được trở về sum họp gia đình.
Lúc ấy, chưa đầy 15 ngày bùng dịch nhưng Bệnh viện Chợ Rẫy đã gửi tất cả 6 đội phản ứng nhanh đến các bệnh viện ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Tổng cộng có 16 nhân viên y tế: 8 BS, 5 điều dưỡng, 3 kỹ thuật viên chi viện cho tâm dịch với cùng một quyết tâm chỉ trở về khi hết dịch. “Trong đó đội phản ứng nhanh số 1 chi viện Đà Nẵng gồm 3 thành viên khoa hồi sức cấp cứu. Trưa đó, BS CKII Trần Thanh Linh, Phó khoa hồi sức cấp cứu, tôi và điều dưỡng Hải lập tức lên đường. Từ bệnh viện chúng tôi mang theo các trang thiết bị, 2 tiếng sau khi nhận chỉ đạo chúng tôi đã có mặt ở sân bay. Đến chiều chúng tôi tới Đà Nẵng, vừa kịp buổi họp của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19”, BS Anh chia sẻ.
Khi đến nơi, BS Anh được phân công hỗ trợ điều trị những ca nguy kịch tại khoa y học nhiệt đới, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng. Thời gian ở Đà Nẵng của BS Anh chỉ loanh quanh phòng bệnh, bệnh viện - nơi anh trực tiếp tham gia điều trị các BN Covid-19, mọi sinh hoạt cá nhân chỉ gói gọn trong vài mét vuông của phòng nhân viên. Lắm lúc cô đơn, BS trẻ tranh thủ vài phút ít ỏi trong giờ nghỉ gọi về gia đình tâm sự, để có thêm động lực hoàn thành nhiệm vụ.
Ký ức khó phai mờ đối với BS Anh tại Đà Nẵng là thời gian điều trị cho BN 582. BN có bệnh lý nền là suy tim, tăng huyết áp, tim thiếu máu cục bộ, tiên lượng rất nặng, phải chạy ECMO, lọc máu. Song nhờ sự nỗ lực hết mình của nhân viên y tế, BN đã vượt cửa tử, bình phục xuất viện trong niềm hạnh phúc của tất cả nhân viên ở đây. “Tuy vậy, niềm hạnh phúc không thể trọn vẹn khi chúng tôi phải chứng kiến nhiều BN tử vong, dù tất cả đã cố gắng hết sức mình. Đây đều là những BN có bệnh lý nền nặng, lớn tuổi. Anh em có hơi mất niềm tin trong một giai đoạn ngắn, nhưng cuối cùng chúng tôi vẫn động viên nhau lấy lại tinh thần tiếp tục cuộc chiến chống dịch”, BS Anh hồi tưởng.
Trưởng thành hơn sau đại dịch
Một năm miệt mài chống dịch đã mang lại cho BS Việt Anh nhiều trải nghiệm, được bồi đắp kiến thức kỹ năng từ nhiều chuyên gia đầu ngành cả nước. Anh thấy mình trưởng thành hơn sau đại dịch.
Cuối năm 2020, BS Ngô Việt Anh là một trong những gương mặt hiếm hoi vinh dự đạt danh hiệu Thầy thuốc trẻ VN tiêu biểu; được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng bằng khen vì đã có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 -2020. Ngoài ra, BS Anh còn được bầu chọn là Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM năm 2020.
Chia sẻ về dự định, ước mong cho năm mới 2021, BS Ngô Việt Anh cho biết sẽ tập trung hơn nữa để phát triển thêm về chuyên môn của ngành y, nhất là khâu khám chữa bệnh. Ngoài ra, anh còn dự định tiếp tục con đường học vấn cao hơn để có nhiều kiến thức phục vụ chữa bệnh cho mọi người. Nói về ước mong, BS Anh cho rằng đó là dịch sớm được khống chế, nghiên cứu vắc xin thành công để mọi người quay về cuộc sống bình thường.
Bình luận (0)