Kỹ năng cần thiết khi có nguy cơ bị xâm hại tình dục

Lê Thanh
Lê Thanh
16/06/2020 09:04 GMT+7

Cách giáo dục học sinh về kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ khi có nguy cơ bị xâm hại tình dục là một việc làm cần thiết để bảo vệ bản thân học sinh.

Bằng nhiều phương pháp nghiên cứu, Đinh Thị Hường, sinh viên Trường ĐH Hùng Vương, đã đề xuất một số kỹ năng hiệu quả tìm kiếm sự giúp đỡ cho học sinh (HS) tiểu học khi có nguy cơ bị xâm hại tình dục.
“Hậu quả của việc bị xâm hại tình dục rất nặng nề, nó gây ra những tổn thương nghiêm trọng về thể chất, tinh thần. Do đó, việc giáo dục kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ cho HS khi có nguy cơ bị xâm hại tình dục là vô cùng cấp bách và cần thiết”, Hường nói về lý do để nghiên cứu vấn đề này.
“Cần giáo dục trẻ biết cự tuyệt - tránh xa - kể ra, khi gặp tình huống có nguy cơ bị xâm hại vào “vùng kín” trên cơ thể. Giáo dục trẻ biết mô tả cảm xúc của bản thân, biết nói ra khi gặp bất kỳ một vấn đề nào đó trong cuộc sống như sợ hãi, khó chịu, lo lắng… nhất là khi có nguy cơ bị xâm hại tình dục. Từ đó, cha mẹ hoặc người thân có thể dễ dàng giải quyết giúp trẻ. Đặc biệt, hãy giáo dục trẻ không giữ bí mật một mình, có thể chia sẻ với người lớn mà trẻ tin tưởng”, Hường chia sẻ.
Để làm rõ vấn đề này, Hường cho biết đã thực hiện nghiên cứu trên 266 HS lớp 4 và 44 giáo viên tại các trường tiểu học Phong Châu, Hùng Vương, Lê Đồng thuộc TX.Phú Thọ (tỉnh Phú Thọ).
“Kết quả cho thấy, trong khi 100% giáo viên cho rằng việc giáo dục kỹ năng tìm kiếm sự giúp đỡ cho HS khi có nguy cơ bị xâm hại tình dục là rất quan trọng thì chỉ 6,01% HS có cùng quan điểm như vậy”, Hường nói.
Theo thạc sĩ ngành công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), cha mẹ, người thân, giáo viên cần cho các HS thực hành thường xuyên bài tập “Bàn tay bảo vệ”. Cha mẹ hoặc thầy cô cùng chơi với trẻ bằng cách cho trẻ úp bàn tay lên tờ giấy A4 hoặc mặt bàn để trẻ vẽ hình bàn tay. Mỗi một ngón tay trẻ ghi ra tên một người mà trẻ tin tưởng nhất có thể chia sẻ khi bị người khác lợi dụng để xâm hại tình dục. Chúng ta hướng lại hoạt động này nhiều lần thì trong đầu trẻ sẽ nhớ 5 người tin tưởng theo mức độ ưu tiên từ 1 - 5. Vì vậy, khi có chuyện gì bất thường xảy ra trẻ sẽ nhớ ngay người có thể giúp đỡ chúng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.