Thầy giáo tháo banh xe máy dạy học trò thực hành

Lê Thanh
Lê Thanh
23/05/2020 21:49 GMT+7

'Có lần dạy về động cơ đốt trong, mình đã tháo banh chiếc xe máy đang sử dụng để dạy cho học sinh. Đôi khi phải làm như thế mới giúp các em hào hứng với tiết học và trải nghiệm những điều thực tế'.

Đó là chia sẻ của thầy Trịnh Lê Minh Vy (32 tuổi), giáo viên dạy môn Công nghệ của Trường THPT Nguyễn Huệ, Q.9 (TP.HCM) với phóng viên Báo Thanh Niên khi bắt đầu câu chuyện. Thầy Vy, từng đạt danh hiệu nhà giáo trẻ tiêu biểu cấp T.Ư năm 2019, vì có nhiều mô hình, phương pháp dạy rất hay, giúp học sinh thích thú và học tốt hơn.
Không những thế, thầy Minh Vy còn cho biết: “Khi dạy, mình thường biến những tiết học lý thuyết thành những giờ thực hành thực tế, giúp học sinh hiểu vấn đề dễ dàng hơn”.

Thầy Trịnh Lê Minh Vy hướng dẫn học sinh trong phần thực hành cơ khí

Nguyễn Vương Danh

Giải quyết tình huống phát sinh là bài học quý

Chẳng hạn, khi dạy cho học sinh học về chế tạo cơ khí, thầy Vy nói: “Mình cho các em đúc và cắt gọt sáp thành những sản phẩm cụ thể. Thông qua bài học sẽ giúp học sinh hình dung được việc đúc kim loại là quá trình nấu chảy, để nguội và muốn cho sản phẩm đẹp thì phải trải qua thêm công đoạn cắt gọt, mài dũa. Từ đó các em sẽ biết trân trọng những sản phẩm của mình làm ra cũng như biết quý giá trị sức lao động của mình và người khác”.
Những hướng dẫn của thầy Vy rất gần gũi với cuộc sống, có thể giúp học sinh biết xoay sở khi gặp sự cố. “Ví dụ mình sẽ hướng dẫn cho học sinh biết xử lý những tình huống đơn giản chẳng may khi xe bị ngập nước tắt máy giữa đường thì cần xử lý như thế nào. Hay biết sửa những thiết bị điện dân dụng trong gia đình như quạt, ấm nước, nồi cơm điện khi bị hư; biết thay một cái bóng đèn, sửa một công tắt”, thầy Vy chia sẻ.
Theo thầy Vy, những bài học thực hành thầy chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn. Phần còn lại cứ để cho các em trải nghiệm. Điều này sẽ giúp học sinh sáng tạo, tự khám phá và tư duy vấn đề ngày một tốt hơn. “Những tình huống phát sinh trong quá trình hoàn thiện sản phẩm là những bài học mà học sinh không bao giờ quên, bởi vì có nhóm đúc xong để sản phẩm ngay cửa sổ nắng làm chảy sáp hư hỏng phải làm lại”, thầy Vy nói.
Sở dĩ thầy Vy chú trọng dạy những điều thực tế cho học sinh là vì: “Trong quá trình dạy học, mình tiếp xúc với nhiều học sinh cuối cấp. Tuy nhiên, đứng trước ngưỡng cửa chọn ngành nghề để học, nhiều em chưa biết chọn ngành nghề gì phù hợp. Chính vì vậy, mình phải cho các em tiếp xúc nhiều thông tin thực tế để các em xác định được đam mê của bản thân, chọn đúng ngành học cho tương lai. Vì nếu lỡ chọn không đúng ngành học thì các em sẽ không có động lực theo đuổi hết quá trình học, có khi nhiều em chán nản dẫn đến bỏ ngang việc học thì quá phí thời gian, công sức của bản thân và tiền bạc của gia đình”.

Thầy Trịnh Lê Minh Vy hướng dẫn cho học sinh phần thực hành về điện

Nguyễn Vương Danh

Bí quyết "chinh phục" học sinh cá biệt

Ngoài dạy những kiến thức liên quan đến chuyên môn, thầy Vy còn chú trọng dạy cho học sinh của mình những kỹ năng trong cuộc sống hằng ngày. “Mình dạy các em biết nấu những món ăn đơn giản, bởi đó là một phần kỹ năng để các em tồn tại. Làm sao chuyện ăn uống các em phải tự lo cho mình được, vì trong cuộc sống những biến cố luôn tìm ẩn, mình không lường trước được. Vì vậy các em phải có kỹ năng để sinh tồn”, thầy Vy chia sẻ.
Nhiều thầy cô rất sợ khi trong lớp mình có những học sinh cá biệt, chưa ngoan hoặc bướng bỉnh… Vậy để dạy một học sinh chưa ngoan hoặc bướng bỉnh thành một học sinh tốt thì cách dạy của thầy ra sao? Thầy Vy trải lòng: “Mình phải coi các em học sinh như bạn và phải tôn trọng chính kiến của các em. Hãy cho các em sự yêu thương sẽ nhận được yêu thương từ các em”.
Theo thầy Vy, những học sinh cá biệt chẳng qua do các em muốn thể hiện bản thân mình. “Mỗi học sinh có một thế mạnh riêng nên mình không bắt em này phải giống em khác. Nhiều khi năng lực học tập của những em ấy hạn chế nên khi có dịp được thực hành, trải nghiệm, các em thỏa sức thể hiện bản thân và làm tốt nữa đằng khác”, thầy Vy nói.
Để gần gũi với những học sinh như thế, thầy Vy cho biết: “Ngoài giờ học, mình còn chơi thể thao chung với các em, hay những lúc các em cần hỗ trợ mình sẽ làm hết sức mình. Thỉnh thoảng mình nhờ các em chưa ngoan giúp mình, các em sẽ thấy bản thân có giá trị hơn, qua đó sẽ tìm cách giáo dục các em tốt hơn”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.