Nâng cao giá trị kinh tế cho cây dừa nước để giúp người nông dân

Lê Thanh
Lê Thanh
21/05/2020 18:46 GMT+7

Sinh ra và lớn lên tại huyện Cần Giờ ( TP.HCM ), vùng đất có nhiều dừa nước nhưng lâu nay hiệu quả kinh tế chưa cao đã khiến anh Phan Minh Tiến trăn trở…

Sau khi tốt nghiệp ngành Công nghệ hóa học, Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vào 2014, anh Phan Minh Tiến (hiện tại 29 tuổi, Giám đốc Công ty TNHH phát triển dừa nước Việt Nam), cũng trải qua nhiều công việc làm công ăn lương nhưng Tiến luôn trăn trở là làm thế nào để nâng cao giá trị của cây dừa nước nơi mình sinh ra và lớn lên, giúp cho bà con nông dân bớt khổ.
Đó là động lực đã thôi thúc anh Tiến nghiên cứu và thực hiện dự án “Mật dừa nước và sản phẩm có giá trị từ dừa nước”. Dự án đã đạt giải nhì cuộc thi “Khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn” năm 2019, do T.Ư Đoàn phối hợp cùng Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức.
Vì sao anh nghiên cứu về dự án này? Và dự án mang lại hiệu quả kinh tế ra sao? Anh Tiến chia sẻ: “Khi nhắc đến văn hóa của người dân Nam bộ, thì người ta hay nhắc đến cây dừa nước vì nó đóng góp một phần quan trọng trong đời sống. Lá dừa dùng để lợp nhà, cơm dừa nước làm thức uống giải khát, tráng miệng. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc khai thác như thế thì chưa thấy được hiệu quả và giá trị kinh tế của nó mang lại”.
Anh Tiến cho biết: “Ở các nước trong khu vực châu Á, người ta đã biết cách khai thác giá trị từ cây dừa nước để tạo ra các sản phẩm như: đường, giấm, rượu… Nhu cầu sử dụng và nhập khẩu đường tự nhiên từ dừa nước tại Mỹ và EU ngày càng tăng”.
Thấy được tiềm năng vô cùng to lớn đó, đồng thời mong muốn khai thác tài nguyên bản địa của huyện Cần Giờ, anh Tiến đã nghiên cứu thành công cách khai thác mật dừa nước và phát triển được 2 sản phẩm đầu tiên là: tinh chất mật dừa nước, một dạng thức uống bổ sung năng lượng tự nhiên và mật dừa nước cô đặc, một dạng chất làm ngọt tự nhiên phù hợp với người tiểu đường, ăn chay.
“Hiện tại sản phẩm đang được bán tại huyện Cần Giờ, nó được xem như một đặc sản khi mọi người có dịp đến Cần Giờ du lịch hay mua về làm quà. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng được bày bán định kỳ mỗi tuần tại phiên chợ xanh tử tế (Q.3, TP.HCM) và tại các chợ phiên nông sản an toàn, do Sở Nông nghiệp-phát triển nông thôn TP.HCM tổ chức định kỳ mỗi tuần”, anh Tiến chia sẻ.
Anh Tiến cho biết đang phát triển bán hàng online và tìm hiểu các đối tác phù hợp để xuất khẩu sang các nước phát triển, có nhu cầu sử dụng đường, mật tự nhiên từ dừa nước.

Trưởng ban Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Hoàng Sơn Công (bên trái) tham quan và chia sẻ kinh nghiệm xây dựng mô hình kinh doanh dừa nước của anh Phan Minh Tiến, giúp mô hình ngày một phát triển hơn

Phạm Nguyễn

Việt Nam được xem là quốc gia làm nông nghiệp, người nông dân lao động cật lực nhưng vẫn cứ nghèo khó, là một nhà khởi nghiệp trẻ, anh có hiến kế gì để góp phần giúp người nông dân?
Anh Tiến chia sẻ: “Với cá nhân mình, khởi nghiệp trẻ có thế mạnh về các mảng. Thứ nhất là am hiểu công nghệ chế biến sản xuất nhằm giúp chế biến các nông sản thô thành những sản phẩm, thực phẩm có giá trị cao hơn, bảo quản lâu hơn, mùi vị ngon hơn. Thứ hai phải am hiểu về công nghệ thông tin, truyền thông nhằm giúp giới thiệu sản phẩm nông sản chất lượng đến rộng rãi người tiêu dùng, kết nối nông dân với người tiêu dùng, nhà phân phối nhanh hơn, chi phí bán hàng cũng thấp hơn. Thứ ba là am hiểu về các tiêu chuẩn cho nông sản, truy xuất nguồn gốc, tư duy kinh doanh hiện đại hơn... Vì thế, mối liên kết giữa nhà khởi nghiệp trẻ với thanh niên nông thôn rất quan trọng, họ sẽ hỗ trợ rất lớn trong việc nâng cao giá trị sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Ngoài ra, việc khuyến khích các bạn trẻ, thanh niên nông thôn nhìn thấy được các giá trị của tài nguyên bản địa của địa phương mình, kết hợp trau dồi kiến thức sản xuất, kinh doanh, marketing với nhau rất quan trọng... Đây cũng là cách góp phần giúp bà con nông dân nâng cao giá trị kinh tế từ các sản phẩm nông nghiệp”.
Với dự án “Mật dừa nước và sản phẩm có giá trị từ dừa nước”, anh Tiến kỳ vọng: “Dự án sẽ tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao từ cây dừa nước, đồng thời tạo thêm nhiều công việc ổn định cho thanh niên nông thôn, góp phần bảo vệ hệ sinh thái ven sông của bán đảo Cần Giờ, lá phổi xanh của TP.HCM”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.