Chỉ cần bỏ ra một số tiền nhỏ thì có thể sở hữu cho riêng mình một chiếc “dế” với nhiều tính năng hấp dẫn, trong đó không thể không kể đến tính năng chơi game. Chính vì lẽ đó việc chơi game trên điện thoại ngày càng trở nên phổ biến.
Chơi mệt quá nghỉ làm luôn!
Đã nghỉ chơi game hơn một năm nay những Đỗ Quốc Duy, 18 tuổi , sinh viên năm nhất Trường CĐ Cao Thắng TP.HCM, vẫn không khỏi bàng hoàng vì “trình độ” chửi tục càng tăng lên khi chơi đấu nhau với người bạn trong một game trên điện thoại khá nổi tiếng hiện nay. “Vì game này là trò chơi online (sử dụng mạng) nên mình có thể tương tác với những người bạn khác, có nhiều lúc bị người ta nói mình khùng vì tưởng ngồi nói chuyện một mình. Có khi chơi đấu nhau thua đến bực cả người và chửi thề dữ lắm, ai mà ngồi gần là mình cắn người đó luôn”, Quốc Duy cho biết.
Trong khi đó, chị Lê Thị Ngọc Diệu, 23 tuổi, làm việc tại tòa nhà 123 Võ Văn Tấn, P.6 Q.3 TP.HCM, kể lại rất ghét việc chơi game của bạn trai nhưng trong một lần tò mò tải về chơi thử và “ghiền” hồi nào cũng không hay. “Các trò chơi hiện nay rất dễ trong việc thao tác, từ đăng ký cho đến vào chơi và không cần mất bất cứ phí gì. Mỗi ván mình chơi 30 phút, mấy ngày nghỉ không đi làm là mình “đấu” với bạn trai cả ngày. Bây giờ cứ gặp nhau là hai đứa cắm mặt vào điện thoại thôi. Có những đêm “chiến” game , sáng ngủ dậy mệt quá nghỉ làm luôn”, Ngọc Diệu cho biết.
Anh Lê Thanh Nhân, 34 tuổi, quản lý trang Fanpage Lăng Kính Công Nghệ, cho biết hiện nay các hãng trò chơi từ lớn đến nhỏ đều có phiên bản mobile (điện thoại). “Các hãng sản xuất game đều tối ưu và ưu tiên cho di động lên hàng đầu. Trong khi đó, thị trường điện thoại di động rất phong phú, chỉ cần 3 đến 5 triệu đồng là có thể sở hữu cho mình một chiếc điện thoại để "chiến” các game nổi tiếng hiện nay. Nhiều nhãn hàng còn có thể hạ thấp đồ họa của trò chơi để phù hợp với điện thoại giá rẻ có cấu hình thấp”, anh Nhân cho biết.
Mỗi ngày 10 trận, mỗi trận 30 phút
Nhận thức được mất thời gian, đau mắt nhưng Võ Hoài Lâm, 18 tuổi, sinh viên năm nhất ngành tiếng Nhật Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức TP.HCM, phải thừa nhận bản thân bị thu hút vì những trò chơi trên điện thoại hiện nay có đồ họa rất đẹp và thao tác rất dễ dàng. “Hồi những năm học phổ thông, mình chạy đi ra tiệm chơi game, nhưng từ khi có điện thoại việc chơi game dễ dàng hơn rất nhiều, có thể chơi mọi lúc mọi nơi. Chỉ cần điện thoại có kết nối mạng là “chiến” thôi, một ngày mình có thể chơi đến 10 trận liên tiếp, mỗi trận tầm 30 phút. Ai siêng “cày” thi có tiền mua đồ đẹp cho nhân vật, còn ai muốn lên hạng nhanh và muốn có phụ kiện tốt cho nhân vật thì bỏ tiền thật ra mua thẻ nạp”, Lâm cho biết.
|
Khác với Hoài Lâm, chị Lê Thị Bé Nhi, 19 tuổi, sinh viên năm hai trường ĐH Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM, lại chứa một “kho tàng” trò chơi offline (trò chơi không cần mạng). Chị cho biết sẽ chơi ở bất cứ nơi đâu, chỉ cần chiếc điện thoại còn pin là có thể chơi được. “Mình hay chơi trò cho mèo ăn vì trò này rất dễ và thuận tiện. Đang ngồi học, con mèo “kêu” đói thì vào trò chơi cho nó ăn thôi”, Nhi chia sẻ.
Gây suy giảm tế bào thần kinh, giảm trí nhớ dẫn đến làm tổn thương thần kinh
Bác sĩ Trần Đình Thành, công tác tại khoa Glocom – Đáy mắt, Bệnh viện Mắt Thái Bình, cho biết các ký tự hay chữ trên màn hình điện thoại rất nhỏ cho nên cần mắt tập trung ở cường độ cao. Điều này khiến thủy tinh thể phải làm việc liên tục để giúp giữ đôi mắt điều tiết ánh sáng, lâu ngày sẽ dẫn đến nhức mỏi mắt, đau đầu. Thêm nữa, do thao tác kéo lướt liên tục khiến mắt phải điều tiết liên tục dễ gây khô mắt.
“Thường xuyên tiếp xúc với màn hình điện thoại, đặc biệt trong môi trường thiếu ánh sáng càng tạo điều kiện cho ánh sáng xanh tác động sâu vào đáy mắt. Điều này sẽ gây tổn thương các tế bào võng mạc, đẩy nhanh quá trình lão hóa mắt, gây mệt mỏi, nhức mắt…Một số nguyên nhân khác gây hội chứng võng mạc màn hình có thể do ngồi sai tư thế, màn hình đặt không đúng góc độ. Nguồn ánh sáng xanh từ các loại màn hình máy tính có thể gây tổn thương cho các tế bào võng mạc và tế bào thị giác ở vùng hoàng điểm. Điều này gây suy yếu chức năng nhận và đưa hình ảnh lên não khiến chúng ta khó nhận biết được hình ảnh”, bác sĩ Thành cho biết.
Song song đó, bác sĩ Trần Đình Thành còn khuyến cáo sử dụng điện thoại vào ban đêm nhiều dễ rối loạn giấc ngủ. Nguyên nhân của tình trạng này là do não bị kích thích bởi những ám ảnh khi chơi game, đặc biệt là trò chơi bạo lực. Điều này rất có hại với sức khỏe và não bộ dẫn đến cơ thể dễ bị suy nhược, không tập trung. Tình trạng này nếu kéo dài thường xuyên sẽ gây suy giảm tế bào thần kinh, giảm trí nhớ dẫn đến làm tổn thương thần kinh.
Bên cạnh đó, vị bác sĩ này còn cho biết tránh tiếp xúc với điện thoại 1-2 tiếng trước khi ngủ. Khi lên giường, đừng mang theo điện thoại, chuyên tâm vào giấc ngủ sâu để mắt được hoàn toàn nghỉ ngơi, thư giãn.
|
Bình luận (0)