Hãy cùng lắng nghe những chia sẻ của các bạn sinh viên, công nhân, viên chức trẻ giữa "cơn bão" giá thịt heo.
"Buộc" các khoản chi tiêu
Võ Hoài Lâm, 19 tuổi, sinh viên năm nhất Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, TP.HCM, kể trong phòng trọ mình vừa có bạn mua bún thịt nướng nhưng giá tăng lên 3.000 đồng/tô, mà thịt lại ít hơn ngày trước. “Đã lên giá tiền rồi mà còn bớt thịt, đi làm có tiền còn đỡ chứ sinh viên sao chịu nỗi. Có nhiều bạn muốn ăn thịt heo phải chọn cách đi ăn hủ tiếu gõ, mà khổ là miếng thịt heo ở đó có khi còn mỏng hơn lưỡi lam”, Hoài Lâm nói.
Bạn Minh Triết (sinh viên Trường ĐH Văn Lang) cho rằng: “Tụi em khi ăn uống thường có hai lựa chọn. Một là ra quán ăn, hai là tự nấu. Thường nhóm em nấu ăn tại phòng và hay mua thịt heo về chế biến. Giờ giá heo tăng cao như vậy sẽ gây khó khăn nhất định trong việc ăn uống của nhóm em rồi”.
“Mỗi khi tan ca trưa là tôi đều ra đây ăn. Bình thường một đĩa cơm là 20.000 đồng nhưng hôm nay là 25.000 đồng. Hỏi ra mới biết đĩa cơm thịt quay của tôi tăng giá vì giá thịt heo tăng cao. Giờ tôi cũng chỉ mong giá thịt bình ổn trở lại”, Văn Tâm (công nhân công trình xây dựng) cho biết.
Phạm Thanh Hằng (nhân viên Công ty FPT) chia sẻ: “Hằng ngày mình chỉ mua 20.000 đồng thịt heo để ăn cho một ngày nhưng hôm nay phải chi 30.000 đồng với cùng số lượng. Khi thắc mắc thì được chị tiểu thương trả lời là vì giá heo tăng nên họ không bán thấp được. Tất nhiên với việc thịt heo tăng giá cũng sẽ ảnh hưởng đến sinh hoạt, ăn uống của mình”.
Phải tiết kiệm nhiều thứ từ khoản tiền đi cà phê với bạn bè cho đến tiền uống nước, ăn vặt. Chị Nguyễn Thùy Linh, 32 tuổi, ngụ P.Tân Thới Hòa, Q.Tân Phú, TP.HCM đã “buộc” các khoản chi tiêu của mình vì giá thịt heo tăng như hiện nay. “Mấy ngày nay đi ăn sáng mấy chỗ quen cũng thấy tăng từ 3-5 ngàn đồng. Hôm qua đi chợ tính mua nửa ký sườn heo nhưng giá gần bằng một ký sườn hồi tháng trước nên chỉ dám mua vài con cá để nấu bữa ăn”, chị Linh chia sẻ.
An toàn là trên hết
Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, 27 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Văn Hiến, cho biết mặc dù thịt heo tăng giá nhưng nó vẫn là lựa chọn của mình.
“Ăn cá nhiều thì ngán, thịt bò thì còn mắc hơn thịt heo nên không thể ăn hằng ngày. Do đó, thịt heo vẫn là sự lựa chọn hàng đầu của mình. Nhưng quan trọng là phải chọn thịt heo an toàn chứ không phải thấy rẻ là mua vì giá thịt heo bây giờ 'loạn' quá. Mình hay đến những tiệm thịt heo có chứng nhận bằng mộc xanh vì nó có nguồn gốc rõ ràng”, chị Thảo cho biết.
Lê Thị Bé Nhi, sinh viên năm 2, Trường ĐH Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM, cho biết nếu không học nguyên ngày ở trường thì sẽ tranh thủ về phòng trọ nấu ăn.
“Dù giảm giá hay tăng mình cũng mua thịt heo trong siêu thị cho nó an toàn, hơn nữa mình cũng được mẹ hay gửi đồ ăn lên rồi dự trữ trong tủ lạnh, nên cũng an tâm phần nào”, Nhi chia sẻ.
Nhiều thực phẩm có đầy đủ dưỡng chất
Theo tiến sĩ, bác sĩ Lê Thị Tuyết Phượng, Trưởng khoa nội tiêu hóa Bệnh viện Nhân Dân 115, vẫn có nhiều thực phẩm khác có đầy đủ chất dinh dưỡng không thua kém gì thịt heo. Quan trọng là trong bữa ăn chúng ta nên cân bằng chế độ đạm, đường, mỡ, chất xơ, vitamin. Vì những người ăn chay họ vẫn sống được nhưng họ không ăn thịt heo đó thôi.
“Chất đạm có thể được cung cấp từ các loại thịt động vật như gà, cá hoặc từ thực vật như các loại đậu. Chất béo có thể thay thế bằng mỡ các loại động vật khác như cá, gà. Còn chất xơ hay vitamin mình nên lấy từ các loại rau xanh như súp lơ, bắp cải”, bác sĩ Phượng cho biết.
Giữ giá sẽ không có lời
Chị Hồng (chủ một quán cơm) trần tình: “Thực sự thì ở quán cơm của tôi công nhân và sinh viên ăn là chủ yếu. Tôi cũng muốn giữ giá lắm, vì biết thu nhập anh em cũng hạn chế. Nhưng đầu mối nhập vào tăng giá nên nếu giữ giá cũ thì coi như là không có lời và có khi còn lỗ. Nấu ít thịt lại thì sợ không ngon và mất khách nhưng nấu nhiều lại thiệt về kinh tế. Thôi thì chỉ mong những ngày sắp tới giá cả bình ổn trở lại".
|
Bình luận