Người trẻ không nên trở lại TP.HCM trong những ngày cách ly xã hội

Tấn Đạt
Tấn Đạt
06/04/2020 13:08 GMT+7

Nhiều người cho rằng nên ở nhà, hạn chế ra đường và không nên di chuyển lên TP.HCM trong thời gian cách ly xã hội nếu không thật sự cần thiết.

Trong thời gian qua, nhiều bạn trẻ thắc mắc về việc di chuyển lên TP.HCM trong thời gian cách ly xã hội thì có vi phạm luật gì không? Và có nên di chuyển vào dịp này?... 

Nguyễn Thụy Xuân Mai, 23 tuổi, trú xã Long Mỹ, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, cho biết mấy hôm nay cứ đắn đo là có nên trở lại Sài Gòn hay không, vì mình làm bên IT (công nghệ) và livestream game nên cần phải có máy tính bàn cấu hình mạnh để làm việc.
“Hiện mình chỉ mang laptop có cấu hình yếu về quê nên công việc của mình gặp nhiều khó khăn. Không biết bây giờ trở lại Sài Gòn có được hay không, nếu lên đó có bị cách ly không”, Xuân Mai chia sẻ.
Cao Xuân Tài, sinh viên Trường CĐ Cao Thắng, tâm sự: "Trước khi có chỉ thị cách ly xã hội thì mình đã về quê. Tuy nhiên, mình vừa nhận thông báo quán trà sữa mình làm thêm bắt đầu hoạt động trở lại và chỉ bán mang về. Mình suy nghĩ không biết có trở lên TP.HCM để làm việc hay không?...".

Hạn chế chứ không phải cấm

Theo Luật sư Trần Minh Hùng, công tác tại đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết nội dung của chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đã ra lệnh hạn chế tối đa việc di chuyển từ địa bàn, khu vực này sang địa bàn, khu vực khác, dừng việc di chuyển từ vùng có dịch đến các địa phương khác. Theo tinh thần của chỉ thị số 16, Chính phủ chỉ hạn chế tối đa việc di chuyển của người dân chứ không phải là cấm, nên người dân ở vùng quê muốn di chuyển lên TP.HCM hoặc các tỉnh giáp ranh vẫn có thể di chuyển được. Tuy nhiên, việc di chuyển này phải thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, sau khi di chuyển đến nơi, người dân phải tiến hành thủ tục khai báo y tế đầy đủ và có thể phải tự cách ly tại nhà 14 ngày để theo dõi tình hình sức khỏe của mình trong trường hợp có vấn đề về sức khỏe.

"Theo quy định Luật truyền nhiễm và nghị định 176 thì trường hợp người dân không đeo khẩu trang khi tham gia giao thông có thể bị phạt 300.000 đồng. Che dấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác có thể phạt từ 2.000.000 đồng; tập trung, tụ tập đông người có thể bị phạt từ 10.000.000 đến 20.000.000 đồng; người không thực hiện kiểm tra, giám sát, xử lý trước khi ra vào vùng dịch có thể bị phạt tới 20.000.000 đồng; trốn khỏi khu cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly có thể bị phạt 10.000.000 đồng. Việc không tiến hành khai báo y tế hoặc khai báo y tế không đầy đủ, khai báo gian dối hoặc có những hành vi gây lây truyền dịch bệnh có thể bị xử lý theo Điều 240 Bộ Luật hình sự năm 2015. Mức hình phạt tù có thể lên tới 12 năm", luật sư Trần Minh Hùng cho biết.

Ở nhà để bảo vệ bản thân, góp phần cô lập dịch Covid-19

Luật sư Trần Minh Hùng, chia sẻ việc di chuyển trong tình hình hiện nay là rất nguy hiểm. Nếu bắt buộc phải di chuyển khỏi nơi cư trú, người dân phải thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 để đảm bảo việc kiểm soát của cơ quan chức năng đối với tình hình của phòng, chống dịch. Sau khi di chuyển, người dân phải khai báo y tế trung thực, đầy đủ để giúp cho cơ quan chức năng thực hiện việc phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả hơn.

Anh Trần Văn Nghĩa, 26 tuổi, trú ngụ tại xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre, cho biết do công việc mình làm phiên dịch tiếng Anh nên có thể chủ động trong mọi tình huống. Làm ở đâu cũng được miễn có điện thoại, laptop kết nối wifi hay 4G...

“Theo mình, thời gian này không nên di chuyển qua tỉnh thành khác để bảo vệ bản thân, cũng như tuân thủ theo quy định cách ly 15 ngày. Đồng thời công ty mình cũng khuyến khích nhân viên làm việc ở nhà cho đến khi có thông báo mới”, Văn Nghĩa cho biết.

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Ngọc Minh, giảng viên bộ môn tai mũi họng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM, cho biết: "Hiện giờ tỷ lệ người nhiễm dịch Covid-19 mới đã có dấu hiệu chựng lại, đó là một tin vui của cả nước. Bây giờ vì lý do nào đó mà chúng ta di chuyển từ quê lên TP.HCM sẽ nguy hiểm. “Thời gian ủ bệnh dịch Covid-19 là 15 ngày, ở nhà trong toàn thời gian này, chúng ta đã góp phần cô lập dịch. Đó là một việc vô cùng khoa học và cả thế giới đang làm để phòng chống dịch Covid-19”.  
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.